Sau thành công của chuỗi sự kiện "Trái cây ASEAN hội tụ Quảng Tây - Thúc đẩy mua sắm thuận tiện, chất lượng trong khuôn khổ RCEP" vào tháng trước, Quảng Tây tiếp tục nổi lên như trung tâm logistics, chế biến và trung chuyển trái cây Đông Nam Á lớn nhất tại miền Nam Trung Quốc.
Những tín hiệu tăng trưởng từ lượng hàng nhập khẩu, các hợp đồng đặt mua trái cây quy mô lớn, cùng hàng loạt dự án đầu tư mới vào kho lạnh, hạ tầng thông quan đã góp phần đưa Quảng Tây thành “cửa ngõ vàng” của trái cây nhiệt đới vào đại lục.

Sầu riêng Việt Nam là một trong những mặt hàng được ưa chuộng nhất tại TP Nam Ninh, Quảng Tây. Ảnh: China Daily.
Theo Sở Thương mại Quảng Tây, trong 6 tháng đầu năm 2025, lượng trái cây nhập khẩu từ các nước ASEAN qua địa bàn này đạt 780.000 tấn, tăng 50% so với cùng kỳ. Riêng tháng 6, thời điểm diễn ra hoạt động xúc tiến kể trên, khối lượng nhập khẩu lên tới hơn 212.000 tấn.
Trong đó, 4 loại trái cây chính gồm sầu riêng, măng cụt, vải thiều và thanh long chiếm đến 91,5% tổng lượng trái cây ASEAN vào Trung Quốc qua Quảng Tây. Đáng chú ý, sản lượng thanh long nhập khẩu tăng vọt 162,8%, với đóng góp đáng kể từ Việt Nam - quốc gia đang giữ vai trò là nguồn cung thanh long lớn nhất thế giới.
Là địa phương duy nhất của Trung Quốc đại lục có đường biên giới trên bộ và trên biển với ASEAN, Quảng Tây tiếp giáp với 4 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Tuyên Quang. Những cụm cửa khẩu như Hữu Nghị - Bằng Tường, Tân Thanh - Pò Chài, Móng Cái - Đông Hưng, Trà Lĩnh - Long Bang là những tuyến huyết mạch đưa nông sản, trái cây Việt vào sâu nội địa Trung Quốc.
Thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cho thấy, trong số các loại trái cây nhập khẩu qua Quảng Tây, sầu riêng là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt gần 180.000 tấn trong 6 tháng, tăng 47,8% so với cùng kỳ.
Việt Nam cũng là quốc gia được hưởng lợi lớn từ sự tăng trưởng này khi sầu riêng Việt được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ giữa năm 2022 và liên tục tăng sản lượng kể từ đó. Ngoài sầu riêng, Việt Nam còn cung cấp lượng lớn dừa xiêm, xoài, nhãn và chôm chôm vào thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu Quảng Tây.
Ngoài vai trò là điểm nhập khẩu, Quảng Tây còn là nơi đầu tiên đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống chế biến, kho lạnh và chuỗi logistics phục vụ trái cây Đông Nam Á. Tại TP Nam Ninh, khu kiểm dịch trái cây nhập khẩu bằng đường hàng không ghi nhận lượng hàng tăng hơn 7,2% so với năm trước.
Trong khi đó, tại thành phố biên giới Sùng Tả, nơi có cửa khẩu Hữu Nghị, các cụm kho lạnh, nhà máy đóng gói sầu riêng và thanh long được đưa vào vận hành liên tục.
Ước tính, kể từ sau sự kiện "Trái cây ASEAN hội tụ Quảng Tây", riêng cụm cửa khẩu Hữu Nghị đã thông quan khoảng 3,8 vạn tấn trái cây từ ASEAN, với trị giá trên 2 tỷ tệ (tương đương 280 triệu USD).

Nhân viên hải quan kiểm tra sầu riêng nhập khẩu tại Bằng Tường. Ảnh: Xinhua.
Về mặt thương mại, hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp Trung Quốc với đối tác ASEAN, trong đó có Việt Nam, cũng đang diễn ra sôi động. Tại TP Tần Châu, các doanh nghiệp đã đặt hàng khoảng 20.000 tấn sầu riêng, dừa xiêm, xoài từ Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Campuchia, với tổng trị giá lên đến hơn 5 tỷ tệ (700 triệu USD).
Trong tháng 7, dự kiến hơn 1.000 container sầu riêng sẽ tiếp tục được nhập khẩu qua Quảng Tây, với tổng trị giá lên đến 6 tỷ tệ (gần 840 triệu USD).
Ngoài vận chuyển và chế biến, Quảng Tây cũng đang thúc đẩy liên kết vùng, xây dựng các chuỗi liên vận hai chiều. Trong đó, các sản phẩm trái cây Trung Quốc như cam, quýt Tứ Xuyên, đào, táo Quảng Tây đang được xuất khẩu sang các quốc gia ASEAN thông qua cảng Tần Châu. Song song, trái cây ASEAN nhập qua Quảng Tây sẽ được phân phối sâu tới các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc như Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên nhờ mạng lưới chợ đầu mối và trung tâm hậu cần tại Nam Ninh.
Việc Quảng Tây chủ động xây dựng trung tâm giao thương nông sản ASEAN, không chỉ giúp rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí logistics mà còn mở ra cơ hội mở rộng quy mô và nâng cấp chuỗi giá trị nông sản cho các nước xuất khẩu, trong đó Việt Nam là đối tác có tiềm năng hàng đầu.
Theo kế hoạch, Quảng Tây sẽ đẩy nhanh xây dựng Trung tâm giao dịch trái cây Trung Quốc - ASEAN, đồng thời ứng dụng trí tuệ nhân tạo để số hóa chuỗi cung ứng và giám sát chất lượng trái cây nhập khẩu. Chính quyền khu tự trị cũng đặt mục tiêu biến sự kiện "Trái cây ASEAN hội tụ Quảng Tây" thành hoạt động thường niên, tạo đòn bẩy cho thương hiệu trái cây ASEAN tại thị trường tỷ dân.
Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục siết kiểm soát về truy xuất nguồn gốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và quy trình thông quan, việc nắm bắt xu hướng đầu tư logistics và chế biến của Quảng Tây sẽ giúp doanh nghiệp Việt nâng cao khả năng thích ứng và gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu trái cây trong tương lai.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), có hiệu lực từ năm 2022, là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với sự tham gia của 15 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước ASEAN.
RCEP không chỉ giúp cắt giảm thuế quan mà còn đơn giản hóa thủ tục hải quan, thúc đẩy công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, giúp hàng nông sản, đặc biệt là trái cây, lưu thông nhanh hơn, với chi phí thấp hơn trong khu vực.
Với vị trí liền kề Trung Quốc và năng lực sản xuất trái cây nhiệt đới dồi dào, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, Thái Lan, Philippines, đang tận dụng ngày một tốt hơn các lợi thế từ RCEP để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tỷ dân.