| Hotline: 0983.970.780

Thị trường nông sản Việt đa kênh, đa hướng: [Bài 1] Thế trận toàn cầu

Thứ Tư 07/05/2025 , 08:26 (GMT+7)

Năm 2024, nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục xuất khẩu với 62,5 tỷ USD, tăng trưởng toàn diện ở nhiều thị trường, mở rộng cơ hội và khẳng định vị thế toàn cầu.

LTS. Cuộc chiến dai dẳng giữa Nga - Ukraine chưa có hồi kết. Căng thẳng chính trị ở Trung Đông leo thang... Chủ nghĩa bảo hộ tiềm tàng nguy cơ của chiến tranh thương mại toàn cầu. Thị trường thế giới đang chứng kiến sự chao đảo và biến đổi chóng vánh. Dòng chảy của nông sản vì thế cũng xáo trộn mạnh mẽ, phá vỡ quy luật và trật tự vốn có. Tuy nhiên, trong nguy có cơ. Việt Nam - với vị thế là quốc gia xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ 15 thế giới - đã chiếm lĩnh một thị trường rộng lớn, đa kênh, đa hướng và đủ sức “ứng vạn biến” với những cú sốc bất ngờ, khi đối tác kinh tế thay đổi “luật chơi”.

Phát triển đa dạng, tăng trưởng ấn tượng

Năm 2024, ngành nông nghiệp ghi nhận cột mốc mới khi kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn sau dịch bệnh, xung đột địa chính trị và biến động tài chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm gian hàng trưng bày nông sản. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm gian hàng trưng bày nông sản. Ảnh: TTXVN.

Thặng dư thương mại toàn ngành đạt gần 18 tỷ USD, tăng 46,8% so với năm trước, khẳng định vị trí then chốt của nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Việt Nam hiện đã vươn lên vị trí thứ 15 toàn cầu về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan.

Thành tựu này có được nhờ vào sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu sản xuất, đổi mới công nghệ chế biến và nỗ lực mở rộng thị trường. Năm 2024, tất cả các nhóm ngành đều ghi nhận tăng trưởng tích cực. Nông sản đạt kim ngạch 32,78 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Thủy sản đạt 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%. Lâm sản đạt 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%. Nhóm ngành chăn nuôi tuy có quy mô nhỏ hơn nhưng cũng đạt mức tăng 6,5%, với giá trị 533,6 triệu USD.

Trong số các sản phẩm chủ lực, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tiếp tục thể hiện sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,2 tỷ USD, rau quả đạt 7,12 tỷ USD, gạo đạt 5,75 tỷ USD, cà phê đạt 5,47 tỷ USD, hạt điều đạt 4,37 tỷ USD, tôm đạt 3,8 tỷ USD, và cao su đạt 3,2 tỷ USD.

Không chỉ tăng trưởng nhờ khối lượng, xuất khẩu năm nay còn ghi nhận bước tiến rõ rệt về giá trị gia tăng. Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt 4.037 USD/tấn, tăng 56,9% so với năm 2023. Giá gạo xuất khẩu cũng đạt mức cao nhất thế giới với trung bình 627,9 USD/tấn, vượt qua Thái Lan và Ấn Độ. Những con số này phản ánh nỗ lực nâng tầm chất lượng và xây dựng thương hiệu của nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh cải tiến về sản phẩm, việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP... cũng giúp nông sản Việt thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản và Canada.

Sản lượng cà phê Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil. Ảnh: Bảo Thắng.

Sản lượng cà phê Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil. Ảnh: Bảo Thắng.

Lợi thế cà phê, gạo, hồ tiêu, điều

Trong số các thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực, Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch đạt 13,8 tỷ USD, tăng hơn 10% so với 2023. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường này bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt điều, hồ tiêu và rau quả. Đặc biệt, Hoa Kỳ đã chính thức phê duyệt nhập khẩu chính ngạch 8 loại trái cây tươi từ Việt Nam, mở ra cơ hội lớn cho các vùng trồng cây ăn quả.

Trung Quốc giữ vai trò là thị trường truyền thống và tăng trưởng mạnh. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 4,2 tỷ USD, tăng 38% so với năm trước. Hiện nay, tổng cộng có 12 loại trái cây Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giúp giảm rủi ro từ hình thức thương mại tiểu ngạch vốn nhiều biến động.

EU, với những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và truy xuất nguồn gốc, vẫn là một thị trường tiềm năng lớn. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 5,17 tỷ USD, tăng 18,5%. Các mặt hàng chủ lực gồm cà phê, hạt điều, thủy sản và gỗ. Động lực lớn cho tăng trưởng tại thị trường này đến từ việc cắt giảm thuế quan theo lộ trình EVFTA.

Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 thị trường ổn định nhưng có yêu cầu rất cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Năm qua, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 4,6 tỷ USD và sang Hàn Quốc đạt 8,18 tỷ USD. Các nhóm hàng nông sản như trái cây nhiệt đới, cà phê, hồ tiêu và gạo tiếp tục duy trì được chỗ đứng vững chắc.

Việt Nam vừa mở cửa được sản phẩm sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Bảo Thắng.

Việt Nam vừa mở cửa được sản phẩm sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Bảo Thắng.

Không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống, Việt Nam từng bước mở rộng sang các thị trường tiềm năng nhưng chưa khai thác hiệu quả. Ấn Độ với dân số gần 1,4 tỷ người là một trong những thị trường đầy hứa hẹn cho trái cây nhiệt đới như thanh long, xoài và chuối. Tuy nhiên, hiện xuất khẩu sang thị trường này vẫn còn hạn chế do rào cản kỹ thuật và thiếu thông tin thị trường.

Tương tự, khu vực Trung Đông và các quốc gia Hồi giáo đang có nhu cầu lớn về thực phẩm Halal như gạo, thủy sản, thực phẩm chế biến, nhưng việc thiếu chứng nhận Halal đạt chuẩn và chuỗi cung ứng đồng bộ là rào cản lớn cần tháo gỡ.

Châu Phi cũng là thị trường mới nổi với nhu cầu lương thực tăng cao, đặc biệt là gạo và thủy sản, nhưng khó khăn lớn đến từ hạ tầng logistics yếu và sự thiếu đồng bộ trong các quy định nhập khẩu giữa các quốc gia. Mỹ Latinh, với các quốc gia như Brazil, Mexico và Chile có nhu cầu đa dạng nhưng cạnh tranh cao và yêu cầu chất lượng khắt khe.

Trong khi đó, khu vực Nga và Đông Âu từng là thị trường quen thuộc với Việt Nam, song thời gian gần đây bị gián đoạn do biến động chính trị, đòi hỏi sự tái khởi động chiến lược và thích ứng với các điều kiện mới.

Bên cạnh thị trường, lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt còn đến từ các nhóm sản phẩm có vị thế vững chắc toàn cầu. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% thị phần. Gạo Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất, nổi bật với chất lượng cao và khả năng đáp ứng thị trường khó tính.

Việt Nam cũng dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều và hồ tiêu, xếp thứ 3 về cao su, đứng thứ 2 châu Á về gỗ và sản phẩm gỗ, và đứng thứ 6 về chè. Các sản phẩm như tôm, cá tra, cá ngừ... góp phần không nhỏ giúp ngành thủy sản Việt Nam giữ vững vị trí trong nhóm xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Năm 2024 ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của mặt hàng trái cây xuất khẩu. Ảnh: Đào Ngọc Thạch.

Năm 2024 ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của mặt hàng trái cây xuất khẩu. Ảnh: Đào Ngọc Thạch.

Thúc đẩy ngoại giao kinh tế, tạo 'bệ phóng' mở cửa thị trường nông sản

Góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu còn có sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo trong hoạt động ngoại giao kinh tế. Trong năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều hoạt động ngoại giao và làm việc với các đối tác chiến lược.

Đáng chú ý, chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến Việt Nam tháng 10/2024 đã đem lại 10 thỏa thuận hợp tác, trong đó nhiều nội dung quan trọng liên quan đến thương mại nông sản và nâng cấp hạ tầng logistics biên giới.

Đầu năm 2025, Hoa Kỳ dự kiến áp thuế nhập khẩu đối ứng lên các đối tác thương mại. Trước nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, Chính phủ đã kịp thời tổ chức họp với các hiệp hội ngành hàng để đưa ra giải pháp ứng phó và bảo vệ thị phần.

Trong số các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng và xuất khẩu năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường định hướng toàn ngành nông nghiệp tiếp tục cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng cường đầu tư công nghệ chế biến sâu, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đạt chứng nhận quốc tế như Halal, GlobalGAP, Organic. Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông và quảng bá thương hiệu quốc gia cho các mặt hàng chủ lực như cà phê, gạo, tôm, trái cây nhiệt đới.

Chính sách phát triển vùng chuyên canh, kết hợp với việc tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do mới, sẽ tạo nền tảng vững chắc để nông sản Việt không chỉ duy trì vị thế mà còn bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Xem thêm
Tư vấn, giới thiệu việc làm cho 100% người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp

KHÁNH HÒA Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 100% người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, giúp 311 người quay lại thị trường lao động.

Mavin Foods giành 2 giải thưởng xuất sắc tại Triển lãm Quốc tế ngành thịt

Tại Triển lãm Quốc tế ngành thịt (IFFA DFV) ở Frankfurt (Đức), Mavin Foods xuất sắc giành 2 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc ở Giải thưởng Sản phẩm thịt toàn cầu 2025.

Cần minh bạch, kiểm soát sở hữu chéo khi tái cơ cấu ngân hàng

TP.HCM Để quá trình tái cơ cấu ngân hàng hiệu quả, cần có chính sách minh bạch, khung pháp lý chặt chẽ, thay đổi cấu trúc sở hữu, đặc biệt là giảm sở hữu chéo.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

3 hội chợ nông sản lớn sắp diễn ra tại Trung Quốc

Ba hội chợ lớn tại Trung Quốc năm 2025 mở ra nhiều cơ hội để nông sản Việt bứt phá, tiếp cận sâu hơn vào chuỗi phân phối hiện đại và bền vững.