Đó là hồi tưởng của ông Đoàn Kỳ Thụy, người thư ký thân tín của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong giai đoạn ông nắm giữ chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất (nay là Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam).

Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Trần Đức Lương (đeo kính) và thư ký Đoàn Kỳ Thụy (ngồi bên phải Tổng cục trưởng) làm việc với các nhà địa chất Liên Xô (năm 1983). Ảnh: Ông Đoàn Kỳ Thụy cung cấp.
Không bắt đầu sự nghiệp từ chốn văn phòng mà từ những cánh rừng hun hút Tây Bắc, nơi người kỹ sư địa chất trẻ Trần Đức Lương đeo ba lô đá trên lưng, lội suối, vẽ bản đồ địa chất đầu tiên cho đất nước. Ít ai ngờ người đàn ông nhỏ nhắn, kiệm lời ấy sau này trở thành nguyên thủ quốc gia. Nhưng dù ở cương vị nào, ông cũng không rời xa tinh thần khoa học, tính cách tỉ mỉ, lặng lẽ phụng sự - để lại dấu ấn sâu sắc trong công cuộc tìm kiếm tài nguyên, định hướng phát triển kinh tế - kỹ thuật và mở đường cho các hoạt động hợp tác quốc tế đầy hiệu quả.
Từ chiếc ba lô đá nặng…
Những năm tháng đầu tiên trong sự nghiệp của ông Trần Đức Lương không bắt đầu ở Văn phòng Phủ Chủ tịch mà khởi nguồn từ những cánh rừng rậm rạp Tây Bắc, nơi ông cùng đồng đội gùi trên lưng những chiếc ba lô nặng 15kg đầy đá, lội suối, băng rừng, ăn cơm nắm giữa rừng già để khảo sát địa chất. Không ai nghĩ rằng người kỹ sư giản dị ấy rồi sẽ trở thành người đứng đầu Nhà nước Việt Nam.
Trong thời gian làm Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất, ông không ngồi một chỗ chỉ đạo mà luôn có mặt tại hiện trường, đích thân đập đá, đo đạc, lấy mẫu, ghi chép - một tinh thần khoa học mẫu mực và khiêm nhường.
… đến những tấm bản đồ lịch sử
Ông Trần Đức Lương là chủ biên và là đồng tác giả của công trình Bản đồ địa chất Việt Nam tỉ lệ 1/500.000 - một công trình hợp tác tầm cỡ giữa các nhà khoa học Việt Nam và Liên Xô, đánh dấu mốc lớn trong công tác điều tra khoáng sản và quy hoạch phát triển đất nước. Công trình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2005. Nhưng với ông, phần thưởng lớn nhất có lẽ chính là khi từng viên đá ông mang về được hóa thành tri thức quốc gia.
Không chỉ lập bản đồ, ông còn chỉ đạo và góp phần trực tiếp tìm ra các mỏ khoáng sản quý giá như bôxit Tây Nguyên, đất hiếm Nậm Xe hay sắt Thạch Khê - những “kho báu” tiềm năng của đất nước. Những đóng góp này là cơ sở quan trọng cho chiến lược khai thác và phát triển bền vững tài nguyên khoáng sản quốc gia.

Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Trần Đức Lương (hàng đầu, thứ 3 từ trái qua) đến thăm các nghiên cứu sinh tại trường Đại học thăm dò địa chất Mạc Tư Khoa, Liên Bang Nga (năm 1979). Ảnh: Ông Đoàn Kỳ Thụy cung cấp.
Từ một kỹ thuật viên địa chất sơ cấp phấn đấu và hầu như tự học để trở thành một kỹ sư địa chất có tiếng, sau đó trở thành nguyên thủ quốc gia, cuộc đời ông Trần Đức Lương là hành trình phấn đấu không ngừng nghỉ. Với ngành địa chất, ông là người đặt nền móng, vẽ nên những bản đồ đầu tiên, tìm ra kho báu giữa lòng đất Việt Nam. Với đất nước, ông là người con tận tụy, suốt đời gắn bó với sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Dấu ấn không phai mờ
Di sản ông để lại không chỉ là những công trình khoa học, mà còn là một tấm gương sáng về trí tuệ, nhân cách, lòng yêu nước và sự dấn thân thầm lặng.
Từ những năm tháng lăn lộn trên các triền núi khảo sát địa chất, đến khi đảm nhiệm trọng trách nguyên thủ quốc gia, ông luôn mang theo tầm nhìn khoa học và tinh thần thực tiễn. Những công trình như bản đồ địa chất toàn quốc, những phát hiện về tài nguyên khoáng sản chiến lược, cùng nỗ lực hội nhập quốc tế trong hợp tác kỹ thuật - công nghệ, đã để lại dấu ấn không phai mờ trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Cái lắc đầu từ chối học vị tiến sĩ danh giá mà có một câu chuyện ít người biết: Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô từng mời ông sang bảo vệ luận án tiến sĩ - một vinh dự lớn lao trong giới khoa học thời ấy. Nhưng ông từ chối. Không phải vì không đủ trình độ - bởi ông có thể thuyết trình bằng tiếng Nga trôi chảy trước các giáo sư hàng đầu của Viện - mà đơn giản ông nghĩ đất nước khi đó cần ông hơn tại “chiến tuyến” địa chất.
Đáp lại, năm 1998, ông được bầu làm Giáo sư danh dự của Viện Hàn lâm Khoa học địa chất Nga - một sự công nhận đến từ giá trị thực tiễn ông mang lại, chứ không phải bằng cấp.
Một con người - một tấm lòng… Người ta nhớ đến ông không chỉ bởi những bản đồ hay tài nguyên ông giúp tìm ra, mà bởi cách ông sống. Tình cảm, chân thành, và luôn lặng lẽ quan tâm đến người khác. Dù đã trở thành Chủ tịch nước, ông vẫn lặng lẽ đến bệnh viện thăm người thư ký cũ bị ốm, không cần nghi thức hay cận vệ. “Ông chưa bao giờ tỏ ra là người đứng đầu Nhà nước, ông luôn là một người anh, một người thầy”, ông Thụy xúc động kể lại.
Hơi ấm còn lại
Kỹ sư mỏ Trần Đức Lương đã về cõi vĩnh hằng, nhưng câu chuyện đời ông vẫn còn vang vọng trong những khối đá, tấm bản đồ, và ký ức của những người từng đi cùng ông. Một con người gói cả trái tim mình vào lòng đất, để hôm nay đất nước có thể vươn cao.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là cử nhân ngành địa chất, tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ông đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005 với cụm công trình tập thể về xây dựng bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:500.000. Ông góp công lớn trong việc tìm kiếm và phát hiện các mỏ tài nguyên chiến lược như: Bôxit Tây Nguyên, đất hiếm Nậm Xe (Lai Châu), mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh). Ông được phong Giáo sư danh dự của Viện Hàn lâm Khoa học địa chất Nga năm 1998.