Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Phát động Giải báo chí toàn quốc về ‘nông nghiệp, nông dân, nông thôn’; Siết lại thị trường đất đấu giá; Hậu Giang đến năm 2025 sẽ đạt 28.000 ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin: Đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, sau một thời gian lâm bệnh nặng, đã từ trần hồi 22 giờ 51 phút, ngày 20 tháng 5 năm 2025 (tức ngày 23 tháng 4 năm Ất Tỵ) tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi. Đồng chí sinh ngày 5 tháng 5 năm 1937, quê quán tại xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Sự ra đi của đồng chí là tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
PHÁT ĐỘNG GIẢI BÁO CHÍ TOÀN QUỐC VỀ ‘NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN’
Phát biểu khai mạc Lễ Phát động, ông Nguyễn Văn Hoài, Tổng Biên tập Báo NTNN/điện tử Dân Việt, Trưởng ban Tổ chức Giải cho biết, Giải báo chí lần thứ III sẽ tập trung một số nội dung chính như: Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá.
Giải báo chí năm nay có chủ đề “Đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị”. Việc tổ chức Giải nhằm tạo diễn đàn, sân chơi để các cây viết chuyên và không chuyên, gồm các nhà báo, chuyên gia, bạn đọc thể hiện, phản ánh toàn diện về các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam. Bên cạnh đó, giải năm nay sẽ tăng thêm một hạng mục thi viết tìm hiểu về truyền thống Hội Nông dân Việt Nam 95 năm xây dựng và trưởng thành (14/10/1930 - 14/10/2025) nên sẽ có 2 giải A.
Siết lại thị trường đất đấu giá
Thùy Linh
TP Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp mạnh mẽ để hạn chế tình trạng đầu cơ lũng loạn thị trường đất đấu giá. Trong đó, áp dụng quy định người đấu giá vi phạm có thể bị cấm tham gia đấu giá đến 5 năm, thậm chí có thể bị xử lý hình sự. Đồng thời, việc đặt cọc đã được áp dụng mức cao hơn do bảng giá đất mới của thành phố, giá khởi điểm và tiền đặt cọc mà người đi đấu giá phải nộp đã tăng lên gấp 3 lần so với mức cũ. Với khu vực ngoại thành, thay vì chỉ vài chục triệu đồng, nay đã tăng lên từ 200-300 triệu/lô đất. Nếu người đấu giá trúng bỏ cọc, không nộp tiền, sẽ thiệt hại một khoản cọc không hề nhỏ. Việc "đánh thẳng" vào túi tiền đã giúp hoạt động đấu giá đất được chấn chỉnh. Đáng chú ý, vừa qua, TP Hà Nội đã yêu cầu các quận huyện hạn chế tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở. Thay vào đó, ưu tiên việc đấu giá đất với đối tượng là tổ chức để thực hiện dự án đầu tư. Hoạt động đấu giá đất, nếu loại trừ được các tiêu cực, sẽ tạo một nguồn thu đáng kể cho ngân sách các địa phương, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, tạo thêm nguồn cung đất ở cho người dân, để họ có thể xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Hậu giang đến năm 2025 sẽ đạt 28.000 ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Văn vũ sản xuất
Tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 gieo trồng 175.000 ha lúa, sản lượng đạt khoảng 1,15 triệu tấn. Trong đó, phấn đấu hình thành 28.000 ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đây là bước triển khai cụ thể Đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, các hợp tác xã từng tham gia dự án VnSAT tiếp tục được chọn làm mô hình điểm, được hỗ trợ giống xác nhận, thiết bị gieo sạ, hệ thống cảm biến, phân bón cải tạo đất, chế phẩm sinh học và tập huấn kỹ thuật. Nông dân được hướng dẫn áp dụng quy trình "1 phải 5 giảm", tưới ngập khô xen kẽ, thu gom rơm rạ kết hợp trồng nấm, nhằm nâng cao thu nhập, hạn chế đốt đồng, giảm phát thải khí nhà kính. Việc áp dụng đồng bộ kỹ thuật mới không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng lúa gạo, mà còn góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.