Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là người “lập công xuất sắc” cho ngành bản đồ địa chất Việt Nam khi ông là đồng chủ biên công trình Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 và Bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005.
Công trình bản đồ địa chất đầu tiên của Việt Nam
Công trình "Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000" (xuất bản năm 1981) hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô là một công trình quy mô lớn mang ý nghĩa chiến lược trong quản lý tài nguyên, phát triển kinh tế- xã hội.
Trong suốt quá trình thành lập Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 và Bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/500.000, ông Trần Đức Lương đã cùng tập thể tác giả thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ và quan trọng.

Ông Trần Đức Lương (thứ hai từ trái qua) cùng các thành viên trong đoàn Địa chất Việt Nam tham dự Hội nghị Địa chất Đông Nam Á (GEOSEA) tại Bangkok, Thái Lan năm 1978. Ảnh: GS.TS. Trần Văn Trị.
Bản đồ địa chất 1/500.000 là sự kết hợp giữa 2 bản đồ: Bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam - các nhà địa chất Việt Nam và các chuyên gia Liên Xô lập, trong đó ông Trần Đức Lương tham gia với vai trò đồng tác giả. Sau khi đất nước thống nhất, có thêm Bản đồ địa chất miền Nam, sau đó được tổng hợp lại là Bản đồ địa chất toàn quốc 1/500.000.
Đối với phần miền Bắc, ngoài việc tiếp thu thành quả của bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 do chuyên gia Liên Xô A.E.Dovjikov chủ biên, Bản đồ khoáng sản miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 do ông Lê Văn Cự chủ biên (năm 1972), ông Trần Đức Lương cùng nhóm tác giả phải lựa chọn để kế thừa tiếp thu những thành quả của hệ thống bản đồ địa chất tỷ lệ trung bình (1/200.000) - tính cho đến thời điểm năm 1977 đã thực hiện được trên 3/4 diện tích miền Bắc Việt Nam.
Còn đối với phần miền Nam, trong hoàn cảnh đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh lâu dài và khốc liệt, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn gian khổ, tập thể tác giả đã vượt qua mọi gian khó để hoàn thành nhiệm vụ.
Từ đặc điểm riêng của từng miền, bản đồ địa chất đã phản ánh những nét đặc trưng chung nhất về cấu trúc địa chất, lịch sử phát triển vỏ trái đất của lãnh thổ nước ta, khẳng định những tiền đề về địa chất và cấu trúc để tìm kiếm phát hiện khoáng sản liên quan.
Đây có thể xem là công trình bản đồ địa chất đầu tiên của Việt Nam tỷ lệ 1/500.000. Trước đó ghi nhận "Bản đồ địa chất Đông Dương" tỉ lệ 1:2.000.000 (1952) và Bản đồ địa chất Bắc Việt Nam tỉ lệ 1:500.000 (1963).
Đánh giá tiềm năng khoáng sản cho thời kỳ xây dựng phát triển đất nước
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn góp công xây dựng Bản đồ Khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/500.000. Bản đồ khoáng sản thể hiện trên nền bản đồ địa chất 1.796 mỏ và điểm quặng của hơn 50 loại khoáng sản, phản ánh khá đầy đủ những thông tin về vị trí, loại hình khoáng sản, chất lượng nguyên liệu, quy mô, nguồn gốc.
Bản đồ khoáng sản giúp đánh giá tổng quan về tiềm năng khoáng sản của nước ta, là cơ sở để phân vùng triển vọng khoáng sản, xây dựng kế hoạch điều tra khoáng sản ở giai đoạn tiếp theo, chiến lược phát triển công nghiệp khai khoáng nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung đối với từng vùng, cả nước, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Ông Trần Đức Lương (đeo kính đứng hàng đầu) chụp ảnh lưu niệm cùng lớp Địa chất đầu tiên năm 1955 (ảnh chụp năm 1995). Ảnh: GS.TS. Trần Văn Trị.
Bộ bản đồ địa chất và khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 ngoài việc thể hiện cấu trúc địa chất và tình hình khoáng sản của đất nước còn vạch ra các tiền đề mới cho sự nghiên cứu địa chất và điều tra khoáng sản. Từ các bản đồ này nhà nước ta đã hoạch định được chiến lược điều tra địa chất-khoáng sản. Theo hoạch định đó, công tác lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản được tiến hành và đã mang lại hiệu quả rất to lớn, đó là sự phát hiện, ghi nhận hàng nghìn mỏ và điểm quặng mới.
Đặc biệt các tiền đề tìm kiếm khoáng sản: các địa tầng chứa quặng trầm tích, các phức hệ magma liên quan với sinh khoáng của các loại khoáng sản, đã được quá trình điều tra địa chất sau này chứng minh là hoàn toàn đúng đắn và giữ nguyên tính thời sự cho đến ngày nay.
Từ bản đồ đến thực tiễn
Gần 30 năm công tác trong ngành địa chất khoáng sản, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đưa ra các định hướng trong việc phát hiện các loại tài nguyên khoáng sản để hoạch định khai thác tài nguyên phát triển kinh tế xã hội.
Từ công trình Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000, Bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/500.000, đến nay, các nhà địa chất sau này đã xây dựng nhiều bản đồ tỷ lệ lớn hơn, lập bản đồ đã phát hiện hàng trăm hàng ngàn điểm, khu vực có khoáng sản mới của nước ta, trong đó có những mỏ, vùng mỏ đã được đưa vào thăm dò, khai thác như bức tranh của công nghiệp khai khoáng chúng ta đang chứng kiến hôm nay.
Các tài liệu về địa chất thủy văn, địa chất công trình ngày càng phát huy tác dụng ở các công trình xây dựng trọng điểm quốc gia. Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang đe dọa nhiều quốc gia, trong đó nước ta, những tài liệu nghiên cứu chuyên đề về địa chất và các vùng tai biến về địa chất ngày càng rất cần thiết cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong xây dựng chiến lược và kế hoạch ứng phó.