| Hotline: 0983.970.780

Nhận diện 4 yếu tố khiến bò dễ mắc bệnh viêm da nổi cục

Thứ Hai 17/03/2025 , 08:00 (GMT+7)

TIỀN GIANG Bệnh viêm da nổi cục gây thiệt hại đáng kể cho chăn nuôi bò, tại Tiền Giang công tác tiêm vacxin phòng bệnh cho vật nuôi được quan tâm hàng đầu.

Các yếu tố khiến bò dễ mắc bệnh 

Theo Ths Lê Quang Trung, công tác tại Khoa Thú y, Trường Nông Nghiệp p(Trường Đại học Cần Thơ), bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò là bệnh truyền nhiễm do virus Lumpy Skin Disease gây ra.

Virus gây bệnh có đặc điểm sống lâu trong môi trường. Chúng tồn tại nhiều tháng trong vảy da bị bong tróc, đất và các mô hoại tử. Trong máu, nước bọt, tinh dịch và sữa của bò nhiễm bệnh, virus có thể tồn tại trong nhiều tuần.

Virus chịu đựng tốt với nhiệt độ thấp, ở 4°C, chúng có thể tồn tại hàng tháng đến hàng năm, ở -80°C có thể tồn tại vô thời hạn và kháng nhiều chất sát trùng thông thường như: Hypochlorite, formalin 1%, ether, chloroform; dung dịch kiềm hoặc axit mạnh. Tuy nhiên, chúng cũng rất nhạy cảm với nhiệt độ cao, dễ bị bất hoạt ở 55°C sau 2 giờ hoặc 65°C sau 30 phút.

Bò mắc bệnh viêm da nổi cục với những nốt sần sùi đặc trưng trên da. Ảnh: Minh Đảm.

Bò mắc bệnh viêm da nổi cục với những nốt sần sùi đặc trưng trên da. Ảnh: Minh Đảm.

Bệnh viêm da nổi cục xảy ra trên quy mô toàn cầu. Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve. Bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Thời gian ủ bệnh 4-14 ngày.

Giai đoạn đầu, vật nuôi sốt cao 40-41°C trong 3 - 5 ngày kèm theo biếng ăn, giảm nhai lại, mất sức, gầy yếu; chảy nước mắt, nước mũi nhiều; sưng hạch bạch huyết ở vùng đầu, cổ, bẹn. Một số con có thể ho, khó thở nếu virus tấn công vào phổi.

Giai đoạn toàn phát, biểu hiện đặc trưng xuất hiện các nốt sần (nổi cục) trên da của vật nuôi với kích thước từ 0,5-5 cm, cứng, nổi rõ trên bề mặt da, có thể hoại tử, loét, chảy dịch. Các nốt sần xuất hiện ở đầu, cổ, vai, lưng, chân, bầu vú, vùng quanh hậu môn và cơ quan sinh dục.

Vật nuôi bị viêm da, rụng lông, da dày lên, có vảy cứng; sưng đau các khớp chân, làm cho việc đi lại khó khăn, có thể nằm lì một chỗ. Ngoài ra, còn sảy thai hoặc giảm khả năng sinh sản ở bò cái, bò đực giảm chất lượng tinh dịch.

Về bệnh tích, da của con vật có các nốt sần chứa dịch, có thể bị loét, hoại tử, kết vảy dày. Hạch bạch huyết sưng to, sung huyết, có thể có dịch vàng hoặc xuất huyết. Phổi bị viêm phổi, xuất hiện nốt viêm hoại tử. Gan, thận, lá lách sưng to, có nốt hoại tử rải rác. Mô dưới da và cơ bắp bị viêm, tụ dịch viêm hoặc hoại tử tại các vùng có nốt sần.

Trang trại bò chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm ngừa đầy đủ vacxin bò khỏe mạnh chống lại bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: Minh Đảm.

Trang trại bò chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm ngừa đầy đủ vacxin bò khỏe mạnh chống lại bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: Minh Đảm.

Qua nghiên cứu bệnh viêm da nổi cục ở đàn bò của tỉnh Tiền Giang thạc sĩ Lê Quang Trung đúc kết một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò địa phương. Đó là các yếu tố bê con (dưới 6 tháng tuổi), quy mô nuôi nhỏ (1-3 con/trại), không tiêm phòng vacxin và không sử dụng thuốc sát trùng.

Ths Lê Quang Trung cũng cho biết, chủng virus viêm da nổi cục thực địa tại tỉnh Tiền Giang nằm chung phân nhóm với các chủng virus viêm da nổi cục tham chiếu tại Việt Nam và nằm khác phân nhánh với chủng vacxin.

Ông Trung cũng cho biết thêm, phòng bệnh hữu hiệu là sử dụng vacxin. Hiện nay có 3 loại vacxin được khuyến cáo dùng để phòng bệnh viêm da nổi cục cho trâu, bò là MEVAC LSD (Ai Cập), Lumpyvac (Thổ Nhĩ Kỳ), AVAC LSD LIVE (Việt Nam).

“Cả 3 loại vacxin này đều có khả năng duy trì hàm lượng kháng thể đến tháng thứ 12 sau khi tiêm phòng ở bò thịt và 50 ngày sau sinh ở bê con. Tiêm vacxin cần đúng chỉ dẫn, đúng thời điểm”, ông Trung nói.

Người dân thường giăng mùng cho bò ngủ tránh bị ruồi, muỗi đốt. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân thường giăng mùng cho bò ngủ tránh bị ruồi, muỗi đốt. Ảnh: Minh Đảm.

Vacxin là giải pháp hữu hiệu

Theo PGS.TS Trần Ngọc Bích, Trưởng Khoa Thú y, Trường Nông Nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ, bệnh này không lây sang người. Ông cho biết có nhiều cách để cắt, giảm đường lây lan của virus viêm da nổi cục. Đầu tiên, người chăn nuôi cần chú ý thực hiện kiểm soát vệ sinh an toàn vệ sinh trong chăn nuôi. Song, điều tiên quyết là phải thực hiện tiêm phòng vacxin cho trâu, bò.

Khi phát hiện vật nuôi phát bệnh người dân, thương lái cần báo ngay cho cơ quan thú y tại địa phương, chấp hành theo hướng dẫn của cơ quan thú y về quy định phòng chống dịch bệnh động vật. Dừng buôn bán, vận chuyển gia súc ra vào vùng dịch.

Cách lý ngay gia súc bị bệnh, thu gom và xử lý chất thải bằng ủ sinh học hoặc chôn đốt, không để ứ đọng nước, phân, vệ sinh sát trùng, diệt côn trùng tại khu vực chăn nuôi và trang trại. Thực hiện tiêm phòng cho toàn đàn gia súc trong trang trại vì bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Thường xuyên sử dụng thuốc chống côn trùng.

Còn theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo, việc áp dụng an toàn sinh học nhằm kiểm soát đường truyền lây và côn trùng là yếu tố quan trọng trong phòng chống dịch. Tuy nhiên, việc triển khai ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn do hạn chế về nguồn lực và cơ sở vật chất.

Do đó, ông cho rằng cần có chính sách hỗ trợ cụ thể từ chính quyền địa phương, đồng thời tăng cường phối hợp giữa cơ quan thú y, hộ chăn nuôi và các tổ chức liên quan để đảm bảo hiệu quả kiểm soát dịch bệnh.

Ngoài ra, một số nhà chăn nuôi mong các nhà khoa học nghiên cứu thêm về thời gian ủ bệnh từ ký sinh trùng trước khi lây bệnh sang đàn gia súc; vấn đề tiêu độc, khử trùng phòng bệnh viêm da nổi cục cho trâu, bò; sử dụng thuốc trị ký sinh trùng đường máu để tiêm cho trâu, bò bị bệnh viêm da nổi cục có một số trường hợp hết bệnh...

Ngành chăn nuôi bò tại tỉnh Tiền Giang tương đối phát triển. Cuối năm 2024, tổng đàn bò đạt gần 120.000 con. Để phòng bệnh cho vật nuôi, theo TS Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thời gian qua từ ngân sách tỉnh Tiền Giang đã sử dụng 120.000 liều vacxin viêm da nổi cục các loại được khuyến cáo với tính an toàn đạt 100%.

Ông Thái Quốc Hiếu còn cho biết, mỗi năm tỉnh chi khoảng 10 tỷ đồng để phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhờ đó hơn 90% vật nuôi được tiêm vacxin phòng bệnh. Vì thế, đã kiểm soát và dập tắt dịch bệnh, không để lây lan.

Thống kê cho thấy, năm 2021, dịch bệnh viêm da nổi cục xuất hiện tại 10/11 đơn vị cấp huyện của Tiền Giang với 374 hộ có bò bị bệnh, số bò mắc bệnh 595 con, chết 27 con. Giai đoạn 2022-2024, số huyện ghi nhận có bò mắc bệnh giảm còn 5-6 huyện; số bò mắc bệnh 10-29 con, chết từ 1-3 con. Từ đầu năm 2025 đến nay chỉ ghi nhận 1 con bò mắc bệnh và đã được tiêu hủy.

Xem thêm
Thịt vịt suối xóm Nhàng da vàng như da gà

'Dù có bị bịt mắt nhưng em vẫn nhận ra được miếng thịt vịt suối xóm Nhàng, xã Kim Thượng', Hà Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, người gốc Kim Thượng khẳng định.

Doanh nghiệp cạn vốn

ĐIỆN BIÊN Doanh nghiệp cạn vốn, người dân thiếu quyết tâm, kiên trì nên dù tiềm năng lớn nhưng con đường phát triển cây mắc ca ở huyện Điện Biên còn lắm chông gai.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Đắk Nông chuyển đổi cơ cấu cây trồng để chống hạn

ĐẮK NÔNG Trước tình trạng nắng hạn ngày càng gay gắt, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông chủ động định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Khởi động dự án áp dụng giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng

CẦN THƠ Dự án nhằm phát triển các giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng, tăng cường sức khỏe đất và giảm phát thải trong canh tác lúa.

Nữ tỷ phú cá tra ở vùng đất Đồng Tháp Mười

Đồng Tháp Vượt qua khó khăn, bà Nguyễn Thị Lý trở thành tỷ phú nhờ liên kết doanh nghiệp và nguồn vốn hỗ trợ ngân hàng, xây dựng quy trình nuôi cá tra xuất khẩu.

Không để người làm rừng thiệt thòi ngay từ trong chính sách

TS Hà Công Tuấn cho rằng, chính sách khoán đất lâm nghiệp nên chuyển từ mục tiêu an sinh sang phát triển kinh tế, khắc phục sự chồng chéo, nâng cao hiệu quả quản lý.