| Hotline: 0983.970.780

Nghị lực của người lính già không khuất phục số phận

Thứ Tư 23/07/2025 , 20:09 (GMT+7)

Tấm gương vượt khó của thương binh Lê Văn Minh (Vĩnh Long) thể hiện phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ý chí tự lực vươn lên và niềm tin vượt nghịch cảnh đáng trân trọng.

Dù bị mất cả hai chân, tưởng chừng như không còn làm gì được nữa nhưng người thương binh 1/4 Lê Văn Minh (67 tuổi, ngụ phường Phú Tân, tỉnh Vĩnh Long) quyết không đầu hàng số phận, vươn lên bằng chính nghị lực mạnh mẽ, khẳng định mình “tàn nhưng không phế”.

Hàng ngày, ông Lê Văn Minh đều đặn ngồi trên chiếc xe lăn qua lại trên địa bàn xã Phú Túc (tỉnh Vĩnh Long) để bán từng tờ vé số. Đã hơn 30 năm qua, người thương binh ấy không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, một mình dầm mưa dãi nắng kiếm thêm từng đồng lẻ lo cho gia đình.

Ông Lê Văn Minh là thương binh loại nặng, mất cả hai chân nhưng vẫn quyết tâm vượt lên số phận. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê Văn Minh là thương binh loại nặng, mất cả hai chân nhưng vẫn quyết tâm vượt lên số phận. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Minh tâm sự, năm 1980, ông tham gia nhập ngũ tại Trung đoàn 1, Sư đoàn 8 (Quân khu 9) và làm nhiệm vụ quốc tế tại đất bạn Campuchia. Năm 1985, khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát địa hình, ông chạm phải quả mìn KB58 không may bị mất cả hai chân.

Đến năm 1990, sau thời gian điều trị thương tích, an dưỡng theo chế độ chính sách, ông về quê nhà (tại xã An Hiệp, tỉnh Vĩnh Long) sinh sống và kết hôn với bà Nguyễn Thị Hoàng Trương (ở phường Phú Tân, tỉnh Vĩnh Long). Tại quê vợ, vợ chồng ông Minh được Nhà nước cấp hơn 1.000 m2 đất vườn và xây tặng một căn nhà tình nghĩa, có thêm điều kiện ổn định chỗ ở.

Dù được Nhà nước trợ cấp theo chế độ thương binh 1/4 và người nuôi dưỡng, cuộc sống có thể nói tạm đủ sống, nhưng với ý chí vượt lên số phận, ông Minh từng xin vào làm công nhân đan đát dây lát tại Xí nghiệp 30-4 (TP Bến Tre cũ). Khi xí nghiệp này giải thể, ông chuyển sang nghề bán vé số lưu động. Ban đầu ông sử dụng chiếc xe lăn tay, sau nhờ tích góp ông mua được chiếc xe lăn điện để đỡ vất vả hơn.

Mỗi ngày, nhờ chiếc xe lăn điện, ông Minh di chuyển quãng đường khoảng 10 km. Dù nắng hay mưa, ông vẫn không Nản chí, quyết tâm kiếm tiền bằng sức lao động chân chính của mình. Cảm động trước nỗ lực của ông, người dân trong vùng ủng hộ mua vé số giúp ông. Mỗi ngày, ông bán được hơn 300 tờ vé số, thu nhập hơn 300.000 đồng.

Mỗi ngày ông Minh di chuyển khoảng 10 km để bán vé số. Ảnh: Minh Đảm.

Mỗi ngày ông Minh di chuyển khoảng 10 km để bán vé số. Ảnh: Minh Đảm.

Nhờ có thu nhập từ bán vé số, trợ cấp của Nhà nước, cộng thêm tiền bán dừa xiêm, cuộc sống của gia đình ông ổn định. Chia sẻ về động lực vươn lên của mình, ông cho biết: “Tôi luôn suy nghĩ là từ trước đến giờ tôi phải vươn lên, đi làm để ổn định cuộc sống. Nhà nước dù đã hỗ trợ, nhưng mình cũng phải đi làm chứ. Đi làm, trước tiên là có thêm thu nhập, thứ hai là có thêm sức khỏe cho mình. Tuy rằng mình tàn nhưng không phế, phải vươn lên, tự tạo cuộc sống. Bà con hàng xóm hay người đi đường đã quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ mình".

Ở tuổi gần 70, dù sức khỏe ngày càng kém hơn, nhưng ông Lê Văn Minh vẫn cùng chiếc xe lăn xuôi ngược trên các nẻo đường. Hình ảnh đó khiến nhiều người đi đường cảm động, nể phục.

Ông Huỳnh Ngọc Quang, người dân địa phương, rất nể phục tấm gương vượt khó của người thương binh này: “Ông Minh là thương binh loại nặng, cụt hai chân, nhưng đã vượt khó kiếm tiền bằng việc bán từng tờ vé số để mưu sinh. Tấm gương của anh Minh, mình rất nể phục, nhất là ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Vì có những người còn tay chân lành lặn mà chưa chắc gì vượt khó được như anh. Qua sự việc, hình ảnh của anh Minh, mình có đôi lời nhắn nhủ những người may mắn, tay chân lành lặn cần noi gương anh”.

Xem thêm
Mình thương cá là đặng thương mình

Tiếng cá quẫy, tiếng bạn chài hò reo khi kéo cá cờ gòn hàng trăm cân lên khỏi mặt nước, và câu chuyện của Ngô Tấn Lộc… khiến tôi háo hức theo tàu ra khơi.

Bình luận mới nhất