Dân tự đắp đập chắn nước giữa quốc lộ
Giữa mùa mưa Tây Nguyên, nhiều hộ dân thôn 5, xã Nhân Cơ, tỉnh Lâm Đồng sống ngay mặt đường quốc lộ phải dùng bao đựng đất chất thành hàng rào tạm để ngăn nước tràn vào nhà. Cách làm thủ công, tạm bợ ấy đã trở thành “phương án phòng thủ” bất đắc dĩ mỗi khi trời đổ mưa lớn.

Người dân hai bên đường hết sức lo lắng mỗi lần trời mưa nước ngập hơn nữa mét, xe tải chạy tốc độ cao bắn nước tạo sóng tràn hết vào nhà dân hai bên đường. Ảnh: Phạm Hoài.
Ông Phan Văn Hoàng, một hộ dân sống ngay điểm ngập cho biết, tình trạng này bắt đầu từ cuối tháng 4 năm nay, khi mùa mưa đến sớm. Do địa hình khu vực trũng và mặt đường thấp, mỗi trận mưa lớn kéo dài đều khiến nước ứ đọng, không có lối thoát.
“Những năm trước, nước mưa còn theo dòng chảy tự nhiên ra suối. Nhưng nay nhà cửa mọc lên nhiều sát mặt đường nên không còn lối thoát nước. Người dân phải tự đắp đập giữ đất, nếu không thì nước xói tan cả nhà và vườn rẫy phía dưới”, ông Hoàng nói.
Chỉ tay về ngôi nhà phía sau hàng bao đất, bà Lương Thị Lệ Sương, sống hơn 20 năm tại đây chia sẻ, chưa bao giờ nghĩ nhà mình ở mặt quốc lộ mà mỗi khi mưa lại như đang ở sát một con sông. “Sau khi tuyến đường Hồ Chí Minh được mở rộng, ai cũng mừng. Nhưng giờ, mỗi khi mưa xuống thì nhà tôi như nằm dưới lòng đường. Nước chảy ào vào nhà, tôi phải dựng bao đất đắp đập mà vẫn thấp thỏm lo”, bà Sương bức xúc.

Ông Phan Văn Hoàng, trú ở thôn 5, xã Nhân Cơ cho rằng, nếu không xử lý sớm thì không chỉ người dân hai bên đường bị ảnh hưởng mà nguy cơ các vụ tai nạn giao thông xảy ra rất cao. Ảnh: Phạm Hoài.
Theo phản ánh của người dân, tình trạng ngập úng kéo dài khoảng 15–20 mét theo chiều dài mặt đường, nước sâu có nơi đến 50–60cm. Xe lớn chạy nhanh qua gây sóng mạnh tràn cả vào nhà, cuốn đổ bao đất, đẩy nước mưa lên tới hiên nhà. Nguy hiểm nhất là người đi xe máy, đặc biệt là học sinh đi học về lúc trời mưa, nhiều em bị té ngã ngay trong làn nước đục ngầu.
Ông In Văn Lương, sống cách điểm ngập vài chục mét, thở dài: “Không chỉ nhà bị ảnh hưởng mà người đi đường cũng khổ, xe máy thì dễ chết máy, chưa kể nguy cơ tai nạn vì không thấy mặt đường".
Người dân mòn mỏi chờ giải pháp căn cơ
Sau nhiều phản ánh, lãnh đạo UBND xã Nhân Cơ và đại diện Công ty Cổ phần BOT Đức Long Đắk Nông, (đơn vị chủ đầu tư tuyến đường) đã xuống kiểm tra thực tế. Một ống nhựa dẫn nước tạm được đặt để dẫn dòng về phía hạ lưu, tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn đã bị tắc nghẽn, nước lại ngập như cũ.

Những ngôi nhà thấp hơn mặt đường dù đã dùng bao xếp thành hàng cao cả mét để ngăn nước nhưng mỗi khi mưa lớn các xe ô tô di chuyển với tốc độ cao thì nước đổ vào nhà làm ngập cả sân và sàn nhà. Ảnh: Phạm Hoài.
Ông Phan Văn Hoàng cho biết thêm, cách đây hơn một tháng, lãnh đạo xã Nhân Cơ và bên đơn vị chủ đầu tư tuyến đường này có xuống khảo sát. Sau đó, họ đặt ống nhựa dẫn nước, nhưng mới vài trận mưa là ống bị tắc. Giờ thì đâu lại vào đấy, dân khổ như cũ.
Theo ông Trần Công Dũng, Chủ tịch UBND xã Nhân Cơ, địa phương đã nhận thông tin và lập đoàn kiểm tra đoạn đường từ km1913+780 đến km1914+600. UBND xã cũng đang phối hợp với đơn vị chủ đầu tư để vận động người dân hỗ trợ giải phóng hành lang thoát nước tạm thời. Tuy nhiên, ông Dũng nhấn mạnh rằng nếu không có giải pháp căn cơ thì tình trạng này sẽ tiếp diễn hàng năm.
“Về lâu dài, cần xây dựng hệ thống mương thoát nước và giải phóng mặt bằng. Nhưng muốn làm được phải có phương án bồi thường rõ ràng và sự đồng thuận từ người dân. Riêng đối với những hộ dân lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ sẽ được kiểm tra, xử lý", ông Dũng nói.

Nhiều xe máy xảy ra va chạm và bị chết máy giữa đường do ngập nước. Ảnh: Phạm Hoài.
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP BOT Đức Long Đắk Nông lý giải, thời điểm thiết kế dự án vào năm 2010, khu vực này chưa có nhà dân sinh sống nên không bố trí hệ thống thoát nước lớn. Sau hơn một thập kỷ, dân cư phát triển, mặt đường nâng cao trong khi hai bên đường không có kênh dẫn nước phù hợp khiến tình trạng ngập úng xảy ra. Hiện tại, đơn vị đã làm việc với người dân để xây dựng hệ thống mương hộp và cống thoát nước, nhưng nhiều hộ đưa ra mức đền bù quá cao, vượt xa khung giá nhà nước nên chưa thể triển khai.
“Trước mắt chúng tôi vẫn dùng ống nhựa dẫn tạm dòng nước. Về lâu dài, phải chờ UBND tỉnh phê duyệt phương án, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng mới có thể xây dựng hệ thống thoát nước bài bản”, ông Quý khẳng định.

Nước ngập cao nên việc di chuyển qua lại của người dân hai bên đường cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Ảnh: Phạm Hoài.
Tuyến đường này đóng vai trò trục dọc chiến lược của khu vực, kết nối Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và các tỉnh duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, tại một số điểm qua khu dân cư như xã Nhân Cơ, việc chưa có giải pháp thoát nước đồng bộ, cộng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng hai bên tuyến, đang khiến hệ thống hạ tầng bộc lộ bất cập. Nếu không có giải pháp căn cơ, bài bản từ cả chính quyền và nhà đầu tư, những con đường ngập nước như sông sẽ không chỉ làm đảo lộn đời sống dân cư mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nghiêm trọng cho người tham gia giao thông.
Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng có tổng chiều dài khoảng 159km, được chia làm ba dự án thành phần với tổng mức đầu tư hơn 3.248 tỷ đồng. Trong đó, dự án do Công ty CP BOT Đức Long Đắk Nông làm chủ đầu tư dài khoảng 70km, tổng vốn đầu tư 1.396 tỷ đồng. Dự án thứ hai do Tổng Công ty 319 – Bộ Quốc phòng đảm nhiệm dài 51km với vốn đầu tư 1.144 tỷ đồng. Phần còn lại khoảng 38km sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Các dự án được triển khai từ năm 2013, hoàn thành vào năm 2015 và đưa vào khai thác phục vụ giao thông khu vực Tây Nguyên.