Giao đúng đối tượng, hỗ trợ đúng nhu cầu
Những năm gần đây, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã từng bước phát huy hiệu quả tại nhiều vùng khó khăn của Tây Nguyên. Tại xã Quảng Tín, tỉnh Lâm Đồng một trong ba đơn vị hành chính còn lại sau khi sắp xếp lại địa giới hành chính huyện Đắk R’lấp (nay thuộc tỉnh Lâm Đồng), chính sách hỗ trợ con giống đã trở thành điểm tựa quan trọng giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo ổn định sản xuất, giảm bớt khó khăn, mở ra hướng phát triển bền vững.

Các hộ dân sau khi được cấp giống bò đã chăm sóc và phát triển sinh sản tạo sinh kế ổn định dần cuộc sống. Ảnh: Phạm Hoài.
Từ năm 2021 đến nay, thông qua Dự án 2 (đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo) và Tiểu dự án 1 (thuộc Dự án 3, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng), các địa phương trên địa bàn huyện Đắk R’lấp cũ đã triển khai 21 dự án nuôi bò lai sinh sản và 1 dự án nuôi heo hướng nạc. Tổng cộng hơn 400 hộ dân đã được thụ hưởng. Riêng tại xã Quảng Tín, hơn 130 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đã được hỗ trợ bò sinh sản, heo giống cùng với các khóa tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bài bản.
Gia đình ông Nguyễn Văn Bảnh, thôn 4, xã Quảng Tín từng sống trong cảnh khó khăn, thu nhập phụ thuộc vào vài sào rẫy trồng mì và bắp. Cuộc sống bấp bênh, không dám nghĩ đến chuyện tích lũy hay đầu tư lâu dài. Tuy nhiên, từ khi được chính quyền hỗ trợ một con bò cái sinh sản vào năm 2023, ông Bảnh có thêm hy vọng. “Tôi được hướng dẫn cách nuôi, tiêm phòng, làm chuồng. Giờ bò đã sinh bê, khỏe mạnh, tôi rất mừng. Có thêm con giống, tôi quyết tâm chăm lo tốt hơn để có thu nhập ổn định”, ông Bảnh chia sẻ.
Theo đại diện lãnh đạo xã hội xã Quảng Tín, các hộ dân sau khi được cấp giống đều phải ký cam kết chăm sóc và không được bán trong thời gian quy định. Bên cạnh đó, địa phương cũng phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, cải tạo chuồng trại để đảm bảo vật nuôi phát triển tốt, sinh sản ổn định.
Quan trọng hơn, chương trình không chỉ trao tài sản mà còn trao niềm tin và động lực để người dân tự vươn lên. Trước đây chăn nuôi theo kiểu tự phát, bây giờ nhiều hộ đã quan tâm đến khâu kỹ thuật, vệ sinh môi trường và chủ động làm chuồng trại kiên cố.

Mô hình nuôi heo hướng nạc phù hợp với những hộ ít đất sản xuất, tận dụng được quy mô nhỏ và thời gian thu hồi vốn nhanh hơn. Ảnh: TT.
Nhân rộng mô hình, tạo vòng quay nông nghiệp bền vững
Không chỉ dừng ở việc cấp phát con giống, chương trình giảm nghèo tại Quảng Tín còn được thực hiện chặt chẽ từ khâu khảo sát, xác định nhu cầu thực tế đến giám sát sau hỗ trợ. Nhờ đó, hạn chế tình trạng hỗ trợ tràn lan hoặc sai đối tượng, đồng thời khuyến khích người dân phát triển sản xuất đúng hướng.
Một số hộ sau khi nuôi bò sinh sản thành công đã bắt đầu mở rộng quy mô, trồng thêm cỏ để chủ động nguồn thức ăn, tận dụng phân bò để làm phân bón hữu cơ, tạo ra mô hình nông nghiệp khép kín. Không ít hộ liên kết với các tổ hội nghề nghiệp trong xã để học hỏi lẫn nhau, cùng chia sẻ kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh và liên kết đầu ra cho vật nuôi.
Cùng với xã Quảng Tín là xã Kiến Đức và xã Nhân Cơ cũng tiếp tục thực hiện các mô hình hỗ trợ sinh kế tương tự. Riêng tại xã Nhân Cơ, nhiều hộ dân được hỗ trợ bò đã ghi nhận kết quả tích cực với đàn bò phát triển ổn định, sinh sản đúng chu kỳ, một số hộ đã có nguồn thu từ bán bê con hoặc bò thương phẩm. Ở xã Kiến Đức, mô hình nuôi heo hướng nạc phù hợp với những hộ ít đất sản xuất, tận dụng được quy mô nhỏ và cho thu nhập nhanh hơn.

Trong bối cảnh nhiều địa phương gặp khó khăn trong triển khai chính sách giảm nghèo do thiếu nguồn lực, mô hình hỗ trợ con giống gắn với hướng dẫn kỹ thuật đã giúp nhiều hộ thoát nghèo. Ảnh: TT.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chính quyền xã Nhân Cơ, để hiệu quả được duy trì lâu dài, cần tiếp tục đầu tư nguồn lực cho công tác tập huấn, giám sát sau hỗ trợ, đồng thời khuyến khích các hộ dân tái đầu tư, liên kết tiêu thụ để không phụ thuộc vào hỗ trợ ban đầu.
“Chúng tôi đang rà soát thêm các hộ nghèo mới phát sinh, hộ mới thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo để đưa vào danh sách ưu tiên. Mục tiêu là không để sót đối tượng, đồng thời giúp người dân không chỉ thoát nghèo tạm thời mà là thoát nghèo bền vững”, ông Trần Công Dũng, Chủ tịch UBND xã Nhân Cơ cho biết.
Trong bối cảnh nhiều địa phương gặp khó khăn trong triển khai chính sách giảm nghèo do thiếu nguồn lực, mô hình hỗ trợ con giống gắn với hướng dẫn kỹ thuật như tại Quảng Tín, xã Nhân Cơ… là một điểm sáng cần được nhân rộng. Sự đồng bộ giữa hỗ trợ “cần câu và kỹ năng câu cá” đã giúp người dân không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn thay đổi tư duy sản xuất, hình thành thói quen tích lũy, tái đầu tư.