Ghi nhận những bứt phá
Ngay sau khi sáp nhập, tại hội nghị giao nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội cho lãnh đạo 135 xã, phường mới, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đã yêu cầu cả hệ thống chính trị cơ sở bắt tay ngay vào nhiệm vụ trọng tâm: xóa nghèo bền vững.
Theo ông Dũng, Gia Lai mới hiện vẫn là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong khi tỉnh Bình Định cũ phấn đấu đến cuối năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn khoảng 0,62%, thì khu vực Gia Lai cũ hiện vẫn còn tới 6% hộ nghèo, thậm chí cao hơn nhiều ở vùng sâu, vùng xa và trong đồng bào dân tộc thiểu số. “Đây là thách thức lớn, nhưng cũng là nhiệm vụ cấp bách mà hệ thống chính trị toàn tỉnh phải quyết liệt thực hiện ngay từ bây giờ”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tỉnh Bình Định cũ kịp thời giới thiệu cách làm sáng tạo, mô hình hay để người dân làm theo nhằm thoát nghèo bền vững. Ảnh: V.Đ.T.
Bà Nguyễn Thị Thế Vy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai cho biết, để đạt kết quả ấn tượng như Bình Định cũ, trong 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đáng chú ý là các phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, giúp cải thiện rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở và nước sinh hoạt.
Một yếu tố then chốt khác là công tác tuyên truyền đã làm thay đổi nhận thức trong cộng đồng đặc biệt là người nghèo và cận nghèo khuyến khích họ chủ động vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó là việc tổ chức hiệu quả các chương trình an sinh, tín dụng chính sách, dạy nghề, tạo việc làm và huy động nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với giảm nghèo bền vững.
Những địa phương có sự bứt phá trong công tác giảm nghèo thời gian qua là các xã An Lão, An Hòa, An Vinh, An Toàn (tỉnh Gia Lai mới). Cả 4 xã miền núi nói trên thuộc huyện An Lão cũ có hơn 40% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (3.334 hộ), chủ yếu là đồng bào Bana và Hrê với 12.196 nhân khẩu.
Các địa phương trên đây đã có những bứt phá ngoạn mục trong công tác giảm nghèo bền vững; những năm gần đây đời sống người dân được nâng cao rõ rệt nhờ vào chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 thực hiện có hiệu quả; các địa phương thoát khỏi “danh hiệu” xã nghèo, đặc biệt khó khăn…
Trao cách câu để kiếm cá
Theo bà Nguyễn Thị Thế Vy, tỉnh Bình Định cũ làm tốt công tác giảm nghèo là nhờ các địa phương kịp thời giới thiệu cách làm sáng tạo, mô hình hay trên các phương tiện thông tin đại chúng để các địa phương học tập làm theo; chú trọng tuyên truyền cho người dân sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn về giảm nghèo. Động viên, khích lệ người dân xóa bỏ tư tưởng muốn thuộc diện hộ nghèo để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước; khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên thoát nghèo của mỗi địa phương, hộ gia đình.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai mới cho hay, quan điểm về công tác giảm nghèo của tỉnh Bình Định cũ là phải làm thật quyết liệt, triệt để, chi tiết, cụ thể các giải pháp trên cơ sở nhận diện các nguyên nhân nghèo.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Vĩnh Thịnh (tỉnh Gia Lai mới) tiếp cận các tiến bộ KH-KT trong sản xuất nông nghiệp để từng bước thoát nghèo. Ảnh: V.Đ.T.
“Các cơ quan, các địa phương bám sát các giải pháp đã đề ra, lên kế hoạch cụ thể, phân kỳ cho từng đầu việc, có báo cáo tiến độ cho từng tháng, từng quý. Giữa các sở, ngành, địa phương có sự phối hợp chặt chẽ; Ngân hàng Chính sách xã hội đồng hành, tạo điều kiện cho người nghèo, người cận nghèo trên địa bàn tỉnh tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo”, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.
“Giải pháp giảm nghèo không phải trao cho người dân “con cá”, mà phải trao cả “cần câu” lẫn “cách câu để kiếm cá”. Như vậy mới giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, để tỉnh Gia Lai mới hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn bình quân chung của cả nước”, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.