Cầu nối việc làm giữa người lao động và doanh nghiệp
Ngày 27/4, UBND quận Hoàn Kiếm, Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm phối hợp với các đơn vị của Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, Vệ sinh Lao động - Tháng Công nhân và Ngày hội tư vấn, giao dịch việc làm quận Hoàn Kiếm năm 2025.
Ngày hội thu hút 27 doanh nghiệp và đơn vị tham gia. Với 1.593 chỉ tiêu tuyển dụng và 100 chỉ tiêu tuyển sinh, Ngày hội mang đến những cơ hội nghề nghiệp đa dạng, từ lao động phổ thông đến các vị trí đòi hỏi trình độ cao như trung cấp, cao đẳng và đại học.

Nhiều doanh nghiệp uy tín như: A25 Hotel, Công viên nước Hồ Tây, Công ty Cổ phần Takahiro, Công ty Cổ phần Dịch vụ TMTH WinCommerce, Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa Khoa Quốc tế Tomec,... đã mang đến cơ hội việc làm ổn định, đa dạng các vị trí, ngành nghề. Ảnh: Hoài Thơ.
Ông Nguyễn Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội chia sẻ: Một trong những mục tiêu của Ngày hội là hỗ trợ người lao động, đặc biệt là nhóm đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhanh chóng quay lại thị trường lao động. Các vị trí tuyển dụng rất đa dạng, phù hợp với nhiều nhóm tuổi và trình độ. Hiện nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng - đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao nhất (49%), tiếp đến là trung cấp - công nhân kỹ thuật (31,8%) và lao động phổ thông (19,1%). Các mức thu nhập cũng rất đa dạng, với 35,5% các chỉ tiêu có thu nhập từ 7–10 triệu đồng/tháng và hơn 17% có mức thu nhập từ 15 triệu đồng trở lên.
Ông Thành cũng cho biết: Điểm mới của ngày hội năm nay là việc lựa chọn tổ chức tại khu vực phố đi bộ hồ Gươm. Với không gian công cộng sôi động và rộng mở đã tạo ra sức lan tỏa rất lớn; không chỉ người dân sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, mà cả du khách trong nước, quốc tế, người dân từ các quận, huyện khác và các tỉnh lân cận cũng dễ dàng tiếp cận với các hoạt động. Đây là cách quảng bá hiệu quả giúp phát triển thị trường lao động, đồng thời khẳng định tính công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng.

Bên cạnh cơ hội việc làm trực tiếp, Ngày hội còn dành hơn 100 chỉ tiêu cho du học, xuất khẩu lao động (tại các thị trường như Đức, Nhật Bản,…). Ảnh: Hoài Thơ.
Chia sẻ tại ngày hội Ngày hội Việc làm Hoàn Kiếm 2025, anh Lưu Quang Vinh (27 tuổi, hiện đang sinh sống tại Hà Nội) cho biết, trước đây anh làm giáo viên tự do nhưng hiện đang tìm kiếm một công việc ổn định hơn. Anh đánh giá cao Ngày hội tư vấn, giao dịch việc làm lần này vì địa điểm tổ chức tại phố đi bộ hồ Gươm giúp anh cũng như nhiều người dễ dàng tiếp cận thông tin về lao động việc làm, đào tạo nghề và thông tin thị trường lao động. Bên cạnh đó, anh cũng bày tỏ mong muốn trong tương lai sẽ có thêm các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, hướng đến từng nhóm đối tượng và ngành nghề cụ thể, để người lao động dễ dàng lựa chọn hơn.
Thách thức khi giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp
Mặc dù Ngày hội đã mang lại cơ hội lớn cho người lao động, nhưng việc giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp vẫn còn gặp nhiều thách thức. Theo ông Thành, thách thức lớn nhất khi tư vấn cho lao động thất nghiệp là vấn đề về vị trí công việc, tuổi tác, trình độ chuyên môn và mức thu nhập.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho rằng chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp không thể phát triển lâu dài, cần có giải pháp giúp lao động chuẩn bị tốt hơn khi trở lại công việc. Ảnh: Hoài Thơ.
Nhiều lao động đã có thời gian dài gắn bó với doanh nghiệp cũ, với mức lương và kinh nghiệm tốt, khi tìm kiếm việc làm mới, họ phải đối mặt với mức lương khởi điểm thấp hơn, điều kiện làm việc khác biệt, dễ dẫn đến tâm lý so sánh và ngần ngại thay đổi. Đặc biệt, đối với nhóm lao động trung niên hoặc lao động có trình độ thấp, việc thích nghi với công nghệ mới và chuyển đổi ngành nghề là một thách thức lớn.
Ông Thành cũng chia sẻ về tình hình lao động tự do: "Thị trường lao động tự do cũng gặp rất nhiều khó khăn về tính ổn định, thu nhập và điều kiện làm việc. Điều quan trọng là người lao động có sẵn sàng chấp nhận thay đổi, thích nghi với các yêu cầu công việc mới hay không?."
Hiện nay Bảo hiểm thất nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người lao động, không chỉ cung cấp trợ cấp tài chính trong thời gian thất nghiệp mà còn là “bệ đỡ” giúp họ tiếp cận các dịch vụ học nghề và các chương trình giới thiệu việc làm. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động sẽ không thể phát triển, đó không phải là con đường lâu dài. Cần có những giải pháp giúp họ chuẩn bị tốt nhất khi quay lại với công việc mới.
Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tiếp tục đa dạng hóa cách thức tư vấn, tăng cường tổ chức các ngày hội tư vấn, trao đổi việc làm; hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt cho lao động trung niên. Đồng thời, Trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để cập nhật nhu cầu tuyển dụng và tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Công tác truyền thông cũng sẽ được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về việc chủ động thích ứng với thị trường mới.