Người nuôi chú trọng dùng men vi sinh
Ông Dương Văn Phương, Trưởng phòng Thông tin, Tuyên truyền, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay các hộ nuôi cá trên địa bàn tỉnh chủ yếu thả các loại cá nước ngọt như: Trắm, chép, rô phi... với mật độ cao và sử dụng thức ăn công nghiệp.
Đây là xu hướng tất yếu nhằm tăng năng suất và sản lượng, tuy nhiên cũng sẽ dẫn tới việc môi trường nước bị ô nhiễm, mặt đáy ao tích tụ khí độc, gây ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cá và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.

Trang trại nuôi cá của anh Phạm Văn Trường ở thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc nhìn từ trên cao. Ảnh: Quang Dũng.
Để khắc phục vấn đề này, giải pháp sử dụng men vi sinh ngày càng được người nuôi cá trên địa bàn tỉnh chú trọng. Ông Phương cho biết, men vi sinh giúp ổn định chất lượng nước. Đồng thời, các vi sinh vật có ích phân hủy mùn bã hữu cơ và các loại khí độc như NO2, H2S…, chuyển hóa thành những chất có lợi cho môi trường, không gây độc hại.
“Trong nuôi trồng thủy sản, men vi sinh đem lại nhiều tác dụng tốt như: làm ổn định chất lượng nước và nền đáy trong ao nuôi; nâng cao sức khỏe, sức đề kháng cho cá; giảm tình trạng ô nhiễm môi trường; nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn trong quá trình nuôi; giảm rủi ro dịch bệnh và tăng hiệu quả kinh tế”, ông Phương nhấn mạnh.
Thực tế, tại Vĩnh Phúc, hầu hết các hộ nuôi cá đã coi việc sử dụng men vi sinh là việc làm thường xuyên trong quy trình nuôi. Theo kinh nghiệm của người dân, trong một vụ nuôi kéo dài 6-7 tháng, cứ 10-20 ngày sẽ sử dụng chế phẩm men vi sinh một lần.
Xử lý môi trường ao nuôi là điều bắt buộc
Một điển hình tiêu biểu cho hiệu quả của việc áp dụng men vi sinh là mô hình nuôi cá của anh Phạm Văn Trường (1982) ở thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc.
Anh Trường gắn bó với nghề nuôi cá từ năm 2003, ban đầu chỉ nuôi nhỏ lẻ, nhưng đến năm 2008, nhận thấy hiệu quả kinh tế khá cao, anh mạnh dạn chuyển sang nuôi công nghiệp trên diện tích 1,3ha với các loại cá trắm, chép và rô phi. Mỗi năm, anh nuôi được 2 lứa cá, năng suất bình quân đạt 12-15 tấn/lứa, thu lợi nhuận 400 triệu đồng.
Anh Trường chia sẻ, vì nuôi bằng thức ăn công nghiệp nên việc sử dụng men vi sinh là yếu tố không thể thiếu. Môi trường nước và đáy ao phải xử lý liên tục để đảm bảo ổn định. “Đáy ao sạch, cá ăn khỏe, phát triển tốt hơn và ít dịch bệnh hơn. Đặc biệt, sau mỗi vụ thu hoạch, ao nuôi được phơi khô một thời gian rồi xử lý men vi sinh kỹ càng trước khi thả vụ mới”, anh Trường nói thêm.

Mỗi năm, trang trại của anh Trường cung cấp ra thị trường 27-30 tấn cá, thu lãi hơn 400 triệu đồng. Ảnh: Quang Dũng.
Chia sẻ về cách sử dụng men vi sinh, anh Trường cho hay, ở giai đoạn mới thả sẽ sử dụng định kỳ 20-30 ngày/lần. Đến giai đoạn cá lớn thì khoảng 15-20 ngày/lần, tùy mật độ nuôi.
Về chi phí, anh Trường cho biết, trong vòng 6-7 tháng nuôi, trung bình anh sử dụng khoảng 14-15 lần men vi sinh, tổng chi phí chỉ khoảng 7-8 triệu đồng, một khoản không quá lớn so với hiệu quả mang lại.
"Sử dụng men vi sinh giúp giảm chi phí đáng kể nhờ hạn chế dịch bệnh và giảm lượng thức ăn phải sử dụng. Đây là khoản đầu tư rất đáng giá", anh Trường khẳng định.
Anh nhấn mạnh, hiện nay các ao nuôi đều có mật độ khá dày nên việc xử lý môi trường là điều bắt buộc. Có năm do thời tiết bất lợi, như bệnh lồi mắt ở cá rô phi, việc phòng bệnh hoàn toàn là rất khó, nhưng xử lý môi trường tốt giúp hạn chế đáng kể thiệt hại.
Nhờ sự chủ động trong quản lý môi trường ao nuôi và đầu tư bài bản hệ thống thiết bị, mô hình của anh Trường đã trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều hộ dân đến tham quan, học hỏi. Anh cho rằng, để nuôi cá thành công và bền vững, ngoài kỹ thuật chăm sóc, yếu tố quan trọng nhất vẫn là kiểm soát môi trường nước và đáy ao, trong đó men vi sinh là “bí quyết” không thể thiếu.
"Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với những người nuôi trồng thủy sản như chúng tôi chính là yếu tố thời tiết. Nắng quá hay rét quá đều ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đàn cá, do đó hệ thống quạt sủi, máy bắn thức ăn và quạt nước tạo ôxy... là những thiết bị không thể thiếu", anh Phạm Văn Trường cho hay.