| Hotline: 0983.970.780

Mãn nhãn những vườn táo trĩu quả bên dòng sông La

Thứ Năm 09/01/2025 , 09:08 (GMT+7)

HÀ TĨNH Vùng đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả bên bờ sông La Giang được nhiều hộ dân chuyển đổi trồng táo cho quả trĩu cành, đem lại thu nhập cao mỗi dịp Tết đến.

Những ngày này, vườn táo Đại Thành của anh Nguyễn Trung Tính tại tổ dân phố Đại Thành, thị trấn Đức Thọ (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) tấp nập thương lái đến thu mua táo và du khách đến tham quan trải nghiệm. Để có được vườn táo xanh ngát, trĩu cành như ngày hôm nay là cả quá trình chịu khó học hỏi, đầu tư và kiên trì của anh Tính.

Nhờ được chăm sóc kỹ theo hướng hữu cơ nên vườn táo hơn 300 gốc của gia đình anh Tính phát triển tốt, mướt xanh và trĩu quả. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nhờ được chăm sóc kỹ theo hướng hữu cơ nên vườn táo hơn 300 gốc của gia đình anh Tính phát triển tốt, mướt xanh và trĩu quả. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Thu 400 triệu đồng/ha đúng dịp Tết

Anh Tính chia sẻ, trên diện tích hơn 1ha, trước đây anh trồng các loại hoa màu nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Một lần lái xe đi qua tỉnh Nghệ An, nhìn thấy những vườn táo xanh mướt, anh thực sự ấn tượng. Từ đó, anh đã dành nhiều thời gian tham quan, tìm hiểu các vườn cây ăn quả tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bắc Giang, Nam Định... Năm 2017, anh quyết định đưa giống táo xanh Đài Loan về trồng. Sau khi tham khảo, chọn lọc, anh mua cây giống từ nhà vườn ở Nam Định với giá 20.000 đồng/cây. Với hơn 150 gốc ban đầu và được nhân rộng sau nhiều năm, nhờ chăm sóc kỹ theo quy trình kỹ thuật, đến nay, vườn táo với hơn 300 gốc của gia đình anh Tính đã cho quả chất lượng, giòn ngọt đặc trưng.

Năm nay, thời tiết thuận lợi cùng với chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn táo của anh Tính cho năng suất cao, ước hết vụ thu được khoảng 8 tấn quả, cao hơn năm ngoái khoảng 2 tấn. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Năm nay, thời tiết thuận lợi cùng với chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn táo của anh Tính cho năng suất cao, ước hết vụ thu được khoảng 8 tấn quả, cao hơn năm ngoái khoảng 2 tấn. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Anh Tính cho biết, cây táo Đài Loan phù hợp với đất pha cát. Mỗi năm vườn táo cho thu hoạch 1 vụ chính vào thời điểm cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Thời gian cho thu hoạch kéo dài trong vòng 2 tháng, bắt đầu từ tháng 12 âm lịch đến cuối tháng 1 năm sau.

Theo anh Tính, để cây táo phát triển tốt, cho quả thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên Đán, từ giữa năm phải cắt tỉa các cành sâu và không cho đậu quả quá nhiều. Ngoài ra, anh còn chú trọng tưới đủ ẩm, phòng trừ ruồi vàng và một số sâu bệnh hại khác nhằm đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao.

Năm nay thời tiết thuận lợi nên vườn táo của anh Tính cho năng suất cao, ước tính hết vụ thu hoạch được khoảng 8 tấn, cao hơn năm ngoái khoảng 2 tấn. Thời điểm này, vườn táo của anh đã chín và bắt đầu cho thu hoạch. Nhờ được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, không sử dụng thuốc hoá học nên vườn táo được khách hàng rất ưa chuộng, bán với giá từ 40 - 60 nghìn đồng/kg, đem lại thu nhập khoảng 400 triệu đồng trong dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ sắp tới.

Táo của gia đình anh Tính đang bán với giá từ 40 - 60 nghìn đồng/kg. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Táo của gia đình anh Tính đang bán với giá từ 40 - 60 nghìn đồng/kg. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Không chỉ được thương lái ưa chuộng, vườn táo của gia đình anh Tính còn thu hút du khách đến tham quan. Do đó anh đã cải tạo vườn táo thành khu du lịch trải nghiệm. "Hiện tôi đang bán vé 40 nghìn đồng/người cho mỗi lượt tham quan. Thời điểm này, bình quân mỗi ngày có từ 30 - 40 du khách đến tham quan vườn táo, những ngày cuối tuần có hàng trăm lượt khách đến tham quan, thu mua táo tại vườn, giúp gia đình có thêm thu nhập”, anh Tính phấn khởi.

Cô Trần Thị Ngọc Trinh, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng (thị trấn Đức Thọ) chia sẻ: "Hàng năm, khi vườn táo vào mùa thu hoạch, trường chúng tôi lại tổ chức cho các cháu tham quan trải nghiệm vườn táo này. Đến tham quan vườn táo, ngoài được thưởng thức những quả táo giòn, ngọt, còn giúp giáo dục các cháu học sinh biết yêu thiên nhiên. Tôi thấy đây một là mô hình du lịch trải nghiệm mới lạ, cần được chủ vườn nhân rộng trong thời gian tới".

Vườn táo của anh Tính thu hút đông đảo khách tham quan, thưởng thức táo ngay tại vườn. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Vườn táo của anh Tính thu hút đông đảo khách tham quan, thưởng thức táo ngay tại vườn. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Trồng 1 năm đã kiếm bộn tiền

Từ thành công mô hình trồng táo của anh Nguyễn Trung Tính, đã có nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Đức Thọ đến tham quan, học hỏi và nhân rộng.

Được sự hướng dẫn kỹ thuật của anh Tính, đầu năm 2023, ông Nguyễn Đình Phúc tại tổ dân phố Hùng Dũng (thị trấn Đức Thọ) đã mạnh dạn đầu tư trồng gần 300 gốc táo lê Đài Loan. Sau 1 năm chăm sóc, hiện vườn táo của ông Tính đã cho thu hoạch lứa đầu tiên với sản lượng ước đạt gần 5 tấn. "Trồng táo không quá khó nhưng đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật. Để táo phát triển xanh tốt, chất lượng quả ngon và an toàn, gia đình tôi chỉ bón phân chuồng ủ hoai mục, không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật", ông Tính cho biết.

Cứ vào đúng dịp Tết Nguyên Đán, vườn táo của ông Tính lại cho thu hoạch. Giống táo lê Đài Loan khá phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất cát tại đây. Quả táo ăn rất giòn, ngọt sắc, khác hẳn các vùng trồng táo khác nên được người tiêu dùng trong và ngoài địa phương rất ưa chuộng, không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. "Hiện vườn táo của gia đình tôi đã được thương lái đặt mua toàn bộ với giá 40.000đ/kg", ông Phúc phấn khởi.

Từ thành công mô hình trồng táo của anh Nguyễn Trung Tính, đã có nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Đức Thọ đến tham quan, học hỏi và nhân rộng. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Từ thành công mô hình trồng táo của anh Nguyễn Trung Tính, đã có nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Đức Thọ đến tham quan, học hỏi và nhân rộng. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nhận thấy giống táo Đài Loan dễ trồng, ít sâu bệnh, sau trồng 1 năm đã cho thu hoạch, ông Phan Văn Nga tại tổ dân phố 1, thị trấn Đức Thọ cũng đã chuyển đổi gần 2ha đất hoa màu bên bãi bồi sông La sang trồng gần 500 gốc táo. Ông Nga nói: "Trước đây tôi trồng lạc nhưng do phải chăm sóc nhiều mà thu nhập không cao nên sau khi tìm hiểu các mô hình trồng táo hiệu quả trên địa bàn, tôi đã đặt mua gần 500 gốc táo xanh Đài Loan về trồng.

Sau 1 năm, táo phát triển xanh tốt, cho sai quả. Ước tính dịp Tết này sẽ cho thu hoạch khoảng 5 tấn. Vì là mùa đầu tiên cho thu hoạch quả nên tôi bán cho khách hàng với giá chỉ xung quanh 30.000đ/kg. So với cây lạc thì trồng táo nhàn mà hiệu quả hơn rất nhiều”.

Theo kinh nghiệm, nên trồng táo vào mùa mưa để cây thuận lợi phát triển. Nếu chăm sóc tốt, cho kỳ cho thu hoạch của cây táo có thể kéo dài từ 5 - 10 năm. Với những thành công bước đầu, ông Nga dự định sẽ mở rộng diện tích trồng táo trên phần đất còn lại. Bên cạnh đó, ông còn ấp ủ cải tạo, xây dựng vườn táo thành địa điểm cho mọi người đến tham quan, trải nghiệm.

Từ thực tế mô hình trồng táo của các hộ dân cho thấy đây là cây trồng triển vọng mang lại thu nhập khá. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Từ thực tế mô hình trồng táo của các hộ dân cho thấy đây là cây trồng triển vọng mang lại thu nhập khá. Ảnh: Ánh Nguyệt.

 "Việc người dân mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thuận tự nhiên, dựa vào lợi thế của vùng đất pha cát phù hợp với cây táo góp phần thực hiện tốt mô hình chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình phát triển vườn táo còn có tiềm năng mở rộng ra hướng đi mới cho các hoạt động du lịch sinh thái nông thôn. Thời gian tới, UBND thị trấn Đức Thọ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, nhân rộng mô hình", ông Nghiêm Sỹ Đức, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đức Thọ cho biết.

Xem thêm
Thịt vịt suối xóm Nhàng da vàng như da gà

'Dù có bị bịt mắt nhưng em vẫn nhận ra được miếng thịt vịt suối xóm Nhàng, xã Kim Thượng', Hà Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, người gốc Kim Thượng khẳng định.

Cá tra sạch bệnh nhờ thú y ‘bắt mạch’ từ con giống

ĐỒNG THÁP Với chuỗi quy trình thú y nghiêm ngặt và liên kết sản xuất chặt chẽ, Đồng Tháp đảm bảo cá tra sạch bệnh, an toàn thực phẩm từ khâu giống đến xuất khẩu.

Người nuôi thủy sản chưa yên tâm về chất lượng giống

HẢI DƯƠNG Vùng Đồng bằng sông Hồng có tiềm năng lớn phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc không chủ động được nguồn giống chất lượng là rào cản khai thác thế mạnh này.

Sống chung với khô hạn: [Bài 1] Chuyển đổi cây trồng, 'thần tài' gõ cửa

Ninh Thuận là vùng đất thường xuyên thiếu nước tưới trong mùa khô, do vậy chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn là việc không thể không làm.

Khởi động dự án áp dụng giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng

CẦN THƠ Dự án nhằm phát triển các giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng, tăng cường sức khỏe đất và giảm phát thải trong canh tác lúa.

Ấn Độ kêu gọi cắt giảm thuế nhập khẩu đầu vào nuôi tôm

Theo Hiệp hội Nuôi tôm Ấn Độ, nếu chi phí đầu vào tiếp tục tăng, nguy cơ khủng hoảng trong ngành nuôi tôm sẽ gia tăng, đẩy nhiều nông hộ vào tình trạng khó khăn.

Cách nào ngăn người dân vào rừng bẫy bắt, chăn thả gia súc?

Tỉnh Điện Biên cần phát triển các mô hình sinh kế thay thế, tăng cường theo dõi, giám sát cộng đồng nhằm giảm thiểu xung đột với công tác bảo tồn đa dạng sinh học.