| Hotline: 0983.970.780

Điểm nhấn ứng dụng khoa học nông nghiệp Tây Ninh

'Mặc áo' cho mãng cầu, đẩy lùi sâu bệnh

Thứ Tư 26/10/2022 , 17:27 (GMT+7)

TÂY NINH Cùng với các biện pháp sinh học, 'mặc áo' cho mãng cầu là giải pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, giúp trái đẹp, chất lượng cao, dễ bán với giá tốt.

Người tiên phong

Tây Ninh được mệnh danh là thủ phủ của cây mãng cầu (na) với diện tích khoảng 5.000ha, trồng chủ yếu tập trung ở huyện Tân Châu, Dương Minh Châu và TP Tây Ninh, chiếm khoảng 40% diện tích mãng cầu cả nước. Nhờ khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp, mỗi ha mãng cầu từ 2,5 tuổi trở đi một năm thu hoạch 2 vụ, mỗi vụ 8 tấn, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng trên 140 triệu đồng/ha/năm, mang lại cuộc sống sung túc cho nông dân nơi đây.

Tuy nhiên, những năm gần đây, sâu bệnh phá hoại cây mãng cầu phát triển mạnh, trong đó, đáng chú ý là rệt sáp do bọ phấn trắng và dòi do ruồi vàng gây ra khiến cây sinh trưởng phát triển kém, chất lượng quả và mẫu mã không bắt mắt. Chưa kể, để phòng trừ sâu bệnh, không ít nhà vườn phải sử dụng nhiều thuốc BVTV.

DSCN7653

Ông Hà Chí Mãng bên vườn mãng cầu của gia đình mình. Ảnh: Hồng Thủy.

Bài liên quan

Là người tâm huyết và gắn bó nhiều năm với cây mãng cầu, ông Hà Chí Mãng ở xã Thanh Tân (TP Tây Ninh) đã không ngừng mày mò nghiên cứu, tìm giải pháp đặc trị sâu bệnh trên cây. Theo đó, từ năm 2015 khi bà con nơi đây còn xa lạ với việc ứng dụng các biện pháp sinh học để phòng ngừa sâu bệnh thì ông Mãng đã đưa bẫy dẫn dụ côn trùng vào sử dụng. Với dụng cụ là miếng dán được bôi thuốc dẫn dụ diệt ruồi bằng hoạt chất Vizubonr-D, sau đó treo lên cây, ruồi sẽ bâu vào và bị thuốc tiêu diệt, mỗi ha đặt 6 - 8 bẫy. Bằng cách làm này, bước đầu ông đã giảm thiểu thiệt hại do ruồi vàng gây ra.

“Khi dịch ruồi vàng trên cây mãng cầu mới hình thành, biện pháp cho thấy hiệu quả cao, nhưng sau đó, dịch bệnh phát triển ngày càng mạnh, nhận thức người dân sử dụng biện pháp còn hạn chế nên việc sử dụng bẫy không đồng bộ, số lượng người đặt bẫy không theo kịp lượng ruồi phát sinh”, ông Mãng nói.

DSCN2906

Bao trái là một trong những giải pháp phòng trừ sâu bệnh hữu hiệu trên cây mãng cầu. Ảnh: Hồng Thủy.

Không nản chí, qua một lần tình cờ xem chương trình khuyến nông trên tivi, thấy người dân miền Tây dùng biện pháp “mặc áo” (bao trái) để ngăn ngừa côn trùng phá hoại, ông đã học hỏi và thử áp dụng trên cây mãng cầu.

Ban đầu ông dùng túi vải để trùm trái, tuy có hiệu quả nhưng không cao do thiếu quang hợp khiến gai mãng cầu không nở hết, màu sắc trái không đẹp. Rút kinh nghiệm, ông tiếp tục nghĩ đến dùng lưới cước bao trái, nhưng vẫn không phát huy hết hiệu quả vì những nơi phần trái sát với phần lưới vẫn bị ruồi tấn công. Cuối cùng, ông dùng lưới xốp bao bên trong kết hợp túi lưới cước bên ngoài, từ đó đã ngăn chặn được ruồi vàng và cả các loại sâu bệnh khác gây hại trên cây mãng cầu. Bao trái cũng giúp giảm số lần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm không lo đầu ra

Không chỉ áp dụng cho bản thân, với vai trò là Giám đốc HTX chuyên sản xuất mãng cầu Thạnh Tân, ông Mãng đã chia sẻ và phổ biến rộng rải cách làm của mình đến các thành viên và người dân sản xuất mãng cầu trong vùng.

DSCN7673

Ông Hà Chí Mãng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con trong vùng. Ảnh: Hồng Thủy.

Nhờ chất lượng, mẫu mã tốt, sản phẩm của HTX đã được đưa vào các hệ thống siêu thị và cửa hàng. Sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Với hiệu quả của mô hình sản xuất, HTX đã thu hút được 18 thành viên chính thức và 190 hộ liên kết với diện tích canh tác 90ha, tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng các kỹ thuật tiến tiến như công nghệ tưới tiết kiệm nước, bảo quản để chậm chín…

“Để vận động bà con làm theo mô hình, ban đầu, HTX cũng gặp không ít khó khăn bởi bà con đã quen với tập quán canh tác truyền thống, khi làm theo quy trình mới, nhiều người cảm thấy bị bó buộc. Ngoài ra, chi phí chăm sóc, độ khó cũng tăng lên nên nông dân dễ nản. Nhưng khi sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận và bán được giá cao, ai cũng hồ hởi. Hiện mãng cầu đang có giá 50.000 - 70.000 đồng/kg, loại trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, trái to tròn lên tới 120.000 đồng/kg”, ông Mãng nói.

DSC_0934

Sản phẩm của HTX đã được đưa vào các hệ thống siêu thị và các cửa hàng. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo anh Nguyễn Thành Hải, hộ liên kết với HTX: “Dù phải tốn công hơn và thêm khoản chi phí mua túi lưới nhưng mình thấy vui, vì người tiêu dùng ăn được trái cây ngon, xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra, đồng thời tạo uy tín cho trái mãng cầu của HTX nói riêng và Tây Ninh nói chung”.

Theo Trung tâm khuyến nông Tây Ninh, hiện tỷ lệ người dân sử dụng biện pháp bao trái trên mãng cầu đạt trên 90%. Từ những lợi ích của mô hình bao trái mang lại, Trung tâm đang tiếp tục vận động người dân áp dụng, nhất là nâng tỷ lệ ở mãng cầu và các loại cây ăn quả chủ lực tại địa phương.

Xem thêm
Dịch tả lợn Châu Phi tại Nghệ An lây lan nhanh

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra một số loại dịch bệnh chăn nuôi nguy hiểm, đáng ngại hơn cả là diễn biến dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian gần đây.

Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi từ cơ sở giết mổ

GIA LAI Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, ngành chức năng Gia Lai tăng cường phòng chống, đặc biệt là từ cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Trí thức trẻ Việt góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số

HÀ NỘI Sáng 19/7, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, năm 2025 chính thức khai mạc tại Đại học VinUni.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền chống IUU

Vĩnh Long Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là trách nhiệm của ngư dân, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái rừng đặc dụng

Thái Nguyên Vườn quốc gia Ba Bể, Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ và Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc là những viên ngọc giữa đại ngàn đang dần được đánh thức.

Bình luận mới nhất