Thứ Bảy, 17/5/2025 21:24 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Lạng Sơn: Tỷ lệ tiêm vacxin phòng bệnh dại cho chó, mèo chưa tới 1%

Thứ Hai 08/04/2024 , 17:05 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, số lượng chó, mèo được tiêm vacxin phòng bệnh dại ở tỉnh Lạng Sơn rất thấp, chỉ đạt trên 1.000 trong tổng số 129.000 con.

Tiêm phòng dại cho vật nuôi là cách phòng bệnh hiệu quả. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tiêm phòng dại cho vật nuôi là cách phòng bệnh hiệu quả. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm 2024 đến nay, có 944 người tiêm vacxin phòng dại, tăng 85 người so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, ngày 5/1/2024, tại huyện Cao Lộc đã ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh dại.

Trường hợp tử vong này nguyên nhân do bị chó nhà cắn. Đáng chú ý, chó không được tiêm vacxin và sau khi bị cắn, nạn nhân không đi tiêm phòng dại. Đến khi phát bệnh, nạn nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn nhưng không thể cứu chữa.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trước hết, việc quản lý đàn chó, mèo nuôi chưa được triệt để, tình trạng thả rông vẫn còn phổ biến, một số người dân còn chủ quan, khi bị chó cắn không đi tiêm phòng…

Theo bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn, dại là bệnh truyền nhiễm do virus dại gây nên. Bệnh lây từ động vật bị dại (chủ yếu là chó, mèo) sang người qua nước bọt ở vết cắn, vết xước, vết liếm trên da, niêm mạc bị tổn thương.

Đây là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, khi bị bệnh dại tỷ lệ tử vong là 100% mà không có thuốc điều trị. Vì vậy, khi bị chó, mèo cắn, người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, xử lý vết thương và tiêm vacxin phòng dại đúng, kịp thời và đây là cách duy nhất để tránh khỏi bệnh dại, tuyệt đối không được sử dụng thuốc đông y để điều trị bệnh dại.

Tỉ lệ tiêm vacxin phòng dại trên đàn chó, mèo ở Lạng Sơn rất thấp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tỉ lệ tiêm vacxin phòng dại trên đàn chó, mèo ở Lạng Sơn rất thấp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Để phòng, chống bệnh dại, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã tham mưu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về sự nguy hiểm, cách phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người, trong đó có bệnh dại. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Thú y giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn và các ổ bệnh dại.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ước tính có trên 129.000 con chó, mèo. Các loại động vật này được nuôi thả rông phổ biến ở khu vực nông thôn, công tác quản lý còn lỏng lẻo, việc tiêm phòng dại cho chó, mèo chưa được người nuôi thực sự quan tâm, tỷ lệ tiêm vacxin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp.

Ông Ngô Văn Chanh, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng cho biết: "Nhà tôi có nuôi 1 con chó, nghĩ chó nhà cũng lành, chưa cắn người bao giờ nên tôi chưa tiêm phòng dại cho chó. Vừa qua, gia đình tôi đã được cán bộ, thú y viên xã tuyên truyền về nguy cơ cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh dại, nên tới này, tôi sẽ tiêm phòng đầy đủ cho chó để phòng bệnh dại".

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: "Để ngăn ngừa bệnh dại, chúng tôi đã tham mưu Sở NN-PTNT ban hành văn bản số 543/SNN-CNTY ngày 20/3/2024 gửi UBND các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dại động vật".

Đồng thời, ngay từ đầu năm 2024, Chi cục đã lên kế hoạch xây dựng vùng an toàn bệnh dại chó, mèo tại thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan và thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng. Các phòng chuyên môn phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích trong việc xây dựng vùng an toàn bệnh dại, tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại, biện pháp phòng chống bệnh dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại…

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh Lạng Sơn đã tiêm phòng dại cho trên 1.000 con. Như vậy, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo rất thấp, chưa tới 1%, trong khi yêu cầu phải đạt từ 75% tổng đàn trở lên việc phòng ngừa dịch bệnh mới hiệu quả.

Để phòng chống bệnh dại, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về tiêm vacxin phòng dại cho đàn chó, mèo, tăng cường việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó được quy định tại văn bản số 02/VBHN-BNNPTNT ngày 28/3/2022 của Bộ NN-PTNT quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao nhận thức trong phòng, chống bệnh dại, chủ động quản lý, tiêm phòng đàn vật nuôi của gia đình.

Xem thêm
Môi trường sạch, giá thành giảm nhờ nuôi heo ứng dụng công nghệ sinh học

KON TUM Đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum lần đầu đưa vào sử dụng đệm lót và chế phẩm sinh học trong chăn nuôi heo, hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế.

Quảng Trị: Lúa đông xuân năng suất giảm, giá thấp

Nông dân Quảng Trị đang tập trung thu hoạch lúa đông xuân. Vụ này năng suất giảm, giá bán thấp, lợi nhuận không đáng là bao.

Xây dựng thương hiệu quốc gia cho hoa Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung khẳng định, hoa - cây cảnh là ngành hàng phát triển và được quan tâm nhiều trên thế giới.

Sụt lún ngày càng lan rộng, cần sớm xác định nguyên nhân

Bắc Kạn Từ hố sụt lún đầu tiên vào tháng 3, đến nay đã xuất hiện 7 hố sụt lún ở thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư, huyện Na Rì (Bắc Kạn) khiến người dân lo lắng.

Nghị quyết 57 như 'hồi trống lệnh' hiệu triệu nhà khoa học

Đông đảo nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ đặt nhiều kỳ vọng từ hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của ngành nông nghiệp và môi trường.

Đặt mục tiêu nuôi trồng, khai thác 9.200 tấn thủy sản vùng hồ Thác Bà

YÊN BÁI Huyện Yên Bình (Yên Bái) đặt mục tiêu nuôi trồng và khai thác hơn 9.200 tấn thủy sản trên vùng hồ Thác Bà trong năm 2025

Cứu hộ cá thể gấu ngựa gần 20 tuổi

HẢI PHÒNG Vừa qua, Tổ chức Động vật Châu Á và Chi cục Trồng trọt và Kiểm lâm Hải Phòng cứu hộ thành công một cá thể gấu ngựa gần 20 tuổi do người dân nuôi.