| Hotline: 0983.970.780

Không được nuôi chim yến ngoài vùng quy hoạch

Thứ Tư 16/11/2022 , 07:00 (GMT+7)

Nơi nào nằm ngoài vùng quy hoạch nuôi chim yến tuyệt đối không được nuôi, nhà yến cũ cách khu dân cư dưới 300m không được cơi nới, mở âm thanh dẫn dụ.

Đưa hoạt động nuôi yến vào khuôn khổ

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, chim yến nguyên là động vật hoang dã, sau khi được con người dẫn dụ về nuôi rồi thuần hóa dần, nay trở thành vật nuôi phổ biến tại nhiều nơi.

Những năm gần đây, nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế lớn, khắp nơi rộ lên nghề nuôi yến, nhất là các địa phương ven biển.

Bình Định là tỉnh có hoạt động nuôi chim yến phát triển mạnh tại khu vực miền Trung với trên 1.100 nhà nuôi chim yến đang hoạt động, tập trung chủ yếu tại thị xã Hoài Nhơn, thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước.

Những địa phương khác dù nhà yến không tập trung, nhưng vẫn xuất hiện nhan nhản trong khu dân cư.

Empty

Bình Định là 1 trong những tỉnh có hoạt động nuôi chim yến phát triển mạnh trong khu vực miền Trung. Ảnh: V.Đ.T.

Ở Bình Định không hiếm người đầu tư cả tỷ đồng để xây nhà yến cao tầng chuyên nuôi yến, nhưng nhiều nhất là những nhà dân đang ở được cơi nới thêm, lấy tầng thượng nuôi chim yến.

Những nhà yến tự phát trong khu dân cư phát sinh nhiều hệ lụy, hệ thống âm thanh dẫn dụ chim yến của những nhà yến khiến những ngôi nhà bên cạnh khốn đốn vì ô nhiễm tiếng ồn.

Người già, con trẻ nếu không may ở cạnh nhà yến sức khỏe sẽ không được đảm bảo, vì âm thanh như xoáy vào óc hành hạ cả ngày lẫn đêm.

Đến cả những người khỏe mạnh trong độ tuổi lao động đang làm công chức hoặc làm nghề lao động phổ thông năng suất làm việc cũng bị ảnh hưởng, do những giờ nghỉ trưa bị âm thanh các nhà yến tra tấn không nghỉ ngơi được.

Trước thực trạng trên, trước đây, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định đã tham mưu Sở NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.

Sản phẩm tổ yến nuôi đang được thị trường ăn mạnh nên nghề nuôi yến ăn nên làm ra. Ảnh: V.Đ.T.

Sản phẩm tổ yến nuôi đang được thị trường ăn mạnh nên nghề nuôi yến ăn nên làm ra. Ảnh: V.Đ.T.

Cuối năm 2019, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quy định tạm thời về quản lý hoạt động nuôi chim yến.

Theo đó, Bình Định tạm thời ngừng xây mới, mở rộng, nâng cấp nhà nuôi yến tại các phường nội thành của thành phố Quy Nhơn, khu vực 1 và 2 của phường Nhơn Bình (TP. Quy Nhơn).

Toàn bộ phường Đập Đá, Bình Định (Thị xã An Nhơn); khu vực thị trấn của các huyện trong tỉnh; các khu dân cư tập trung đô thị, các khu đô thị mới đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Việc tạm ngừng nói trên được thực hiện cho đến khi HĐND tỉnh Bình Định ban hành Nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến tại các vùng cụ thể.

“Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị phản biện xã hội về Dự thảo quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố Quy Nhơn và các thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Sở NN-PTNT, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo đã giải trình, làm rõ 1 số vấn đề, tiếp thu các kiến nghị của các đại biểu”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, cho hay.

Vùng không được nuôi yến sẽ không có nhà yến

Cũng theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, trong dự thảo, những khu vực sắp tới không được phép chăn nuôi được dự kiến là 12 phường nội thị của thành phố Quy Nhơn và 1 số khu vực tại các phường, thị trấn ở các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.

“Sở NN-PTNT đang lấy ý kiến các địa phương 1 lần nữa, yêu cầu các địa phương xác định lại những khu vực cấm chăn nuôi, để khi đã là vùng cấm thì người dân tuyệt đối không được chăn nuôi nữa. Sang năm 2023, Sở NN-PTNT Bình Định sẽ tiếp tục trình HĐND tỉnh chính sách hỗ trợ di dời những hộ đang có chăn nuôi trong những khu vực sẽ cấm chăn nuôi”, ông Diệp cho hay.

Empty

Nhiều căn nhà đang ở được người dân cơi nới thêm, lấy tầng thượng nuôi chim yến. Ảnh: V.Đ.T.

Đặc biệt, những vùng cấm chăn nuôi tuyệt đối không được nuôi chim yến. Thêm vào đó, những nhà đang nuôi chim yến nằm cách xa khu dân cư dưới 300m tuy không phải di dời, nhưng không được cơi nới, mở rộng và không được mở loa phóng được đặt tại lối ra vào nhà nuôi chim yến để dẫn dụ chim yến vào làm tổ.

“Qua tham khảo 1 số nhà yến, trừ những nhà yến mới xây dựng, những nhà yến đã hoạt động từ 2-3 năm trở lên, chim yến đã vào làm tổ ổn định rồi sau đó không cần mở hệ thống phát âm thanh dẫn dụ nữa nhưng chim yến vẫn gắn bó với bầy đàn cũ”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, chia sẻ.

Cũng theo ông Diệp, trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định sẽ phối hợp với Hiệp hội Yến sào Bình Định cùng các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, chủ các nhà yến tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về nuôi chim yến; cụ thể hóa các quy định về  hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.

Empty

Người già, con trẻ nếu không may ở cạnh nhà nuôi yến sức khỏe sẽ không được đảm bảo, vì âm thanh như xoáy vào óc hành hạ cả ngày lẫn đêm. Ảnh: V.Đ.T.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cũng đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật xây nhà nuôi chim yến, xây dựng các tiêu chuẩn quy chuẩn về nhà yến, đảm bảo theo quy định và phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.

“Vừa qua, Hội đồng KH-CN tỉnh Bình Định đã tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Ứng dụng tiến bộ KH-CN xây dựng mô hình nhà nuôi chim yến và quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến nhà tại Bình Định”.

Đề tài gồm các nội dung: Điều tra, khảo sát và chọn điểm xây dựng mô hình; tiếp nhận 4 quy trình kỹ thuật từ tổ chức chuyển giao; xây dựng 4 mô hình có số lượng tổ và cá thể yến theo yêu cầu; xây dựng mô hình nhà sơ chế yến; đào tạo 10 cán bộ kỹ thuật chuyển giao các quy trình kỹ thuật; tập huấn 150 lượt nông dân về kỹ thuật nuôi yến nhà; đăng ký một nhãn hiệu hàng hóa cho tổ yến.

Đề xuất các cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu quy hoạch vùng, làng nghề nuôi yến nhằm khắc phục ô nhiễm tiếng ồn từ nhà nuôi yến…”, ông Huỳnh Ngọc Diệp cho hay.

Xem thêm
Hơn 2 tấn cá biển chết do virus gây hoại tử thần kinh

QUẢNG NINH Giai đoạn chuyển mùa khiến dịch bệnh trên thủy sản nguy cơ bùng phát mạnh, Quảng Ninh vừa ghi nhận 2,2 tấn cá biển chết do virus gây hoại tử thần kinh.

Lúa mất mùa, mất giá, nông dân kém vui

GIA LAI Nông dân Gia Lai đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân. Vụ này không chỉ năng suất lúa thấp mà giá lúa cũng giảm, nông dân kém vui.

Bí thư, chủ tịch xã cũng phải 'quảng cáo, bán hàng'

Để nông sản có chỗ đứng, giám đốc hợp tác xã phải chịu khó tìm kiếm thị trường, thậm chí bí thư, chủ tịch xã cũng phải 'quảng cáo, bán hàng' giúp nông dân.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

169 hạt sen bay lên vũ trụ: Khoa học và niềm tự hào dân tộc

Phi hành gia Amanda Nguyễn mang 169 hạt sen của Việt Nam bay vào không gian là khởi đầu mới trong nghiên cứu khoa học và thể hiện niềm tự hào dân tộc.

Tổ đoàn kết nhân đôi sức mạnh ngư dân, làm 'tai mắt' trên biển

ĐÀ NẴNG Đà Nẵng có gần 100 tổ đoàn kết với 700 tàu cá cùng hỗ trợ nhau vươn khơi bám biển, khai thác thủy sản bền vững và chấp hành quy định chống khai thác IUU.

Cháy rừng từ Hòa Bình lan sang Hà Nam

HÀ NAM Lực lượng chức năng đang khẩn trương ngăn chặn đám cháy từ tỉnh Hoà Bình lan sang khu rừng ở phường Ba Sao, thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.