Tham dự có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành.
Hiệu quả vượt trội
Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa cho biết, ngày 28/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị Quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát triển Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã định hướng phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: KS.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 42 của Chính phủ, với sự tài trợ của Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup), tháng 7/2022, Sở NN-PTNT Khánh Hòa (nay Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III xây dựng đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 231 ngày 24/1/2025.
Trước đó, để cụ thể hóa đề án thí điểm này, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được sự thống nhất của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Quỹ Thiện Tâm làm việc với các địa phương ven biển của TP Cam Ranh để xây dựng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở.
Kết quả, đề án thí điểm đã chọn 10 hộ nuôi đủ các tiêu chí, điều kiện để tham gia, đồng thời hỗ trợ 16 lồng tròn HDPE (thể tích 800m3/lồng) nuôi cá biển, 12 ô lồng vuông HDPE (thể tích 24m3/ô lồng, nuôi 2 tầng) nuôi tôm hùm. Đặc biệt, các lồng nuôi được lắp đặt thiết bị camera giám sát, hệ thống định vị trên biển nên có thể giám sát từ xa 24/7 trên thiết bị điện tử.
Sau 1 năm triển khai, các lồng HDPE của mô hình nuôi thí điểm đều thu hoạch cho lợi nhuận cao hơn mô hình nuôi bằng lồng gỗ truyền thống. Trong đó, mô hình nuôi cá bớp tỷ suất lợi nhuận trung bình đạt 172%, mô hình nuôi tôm hùm đạt 112%, mô hình nuôi cá mú đạt hơn 131%.

Thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở Cam Lập, TP Cam Ranh cho thấy rất hiệu quả. Ảnh: KS.
Ông Vũ Khắc Mười, hộ nuôi trồng thủy sản ở TP Nha Trang cho biết, nghề nuôi trồng thủy sản mang lại sinh kế cho người dân nhưng đối diện nhiều khó khăn thách thức do nuôi gần bờ gây ô nhiễm môi trường, lồng nuôi bằng gỗ thô sơ dễ bị thiệt hại do gió bão, nuôi quy mô nhỏ lẻ nên chất lượng sản phẩm không cao.
Sau khi tham gia mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại xã Cam Lập, ông nhận thấy hiệu quả vượt trội, lồng nuôi HDPE thích ứng với thiên tai, sản phẩm chất lượng tốt. Trước hiệu quả đó, hiện nay ông cũng tham đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao triển khai tại khu vực Đầm Bấy.
Tiền đề nhân rộng ra các địa phương
Theo ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa, đề án xác định khu vực nuôi biển công nghệ cao dưới 3 hải lý là 1.443ha và từ 3 - 6 hải lý khoảng 1.273ha.
Tại lễ công bố và phát động, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành tiêu chí, phân loại lồng bè ở các mức tiêu chuẩn, công nghệ cao khác nhau (phù hợp với khu vực, vùng nuôi, quy mô nuôi, cấp bão chịu đựng...) để áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: KS.
Đồng thời tham mưu tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thủy sản nuôi trên biển và kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè và trên các phương tiện phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thuỷ sản nuôi trên biển; hỗ trợ để thực hiện chuyển đổi lồng bè nuôi biển bằng vật liệu truyền thống sang lồng bè nuôi biển bằng vật liệu mới.
Ngoài ra, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ con giống, vật tư đầu vào, vật liệu làm lồng, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất. Thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển. Đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển, bao gồm hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi, hệ thống neo lồng bè.
Giao Sở Tài chính, Sở Công Thương và Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong chủ trì, thực hiện kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đầu tư đồng bộ các khâu vào phát triển nuôi biển. Ưu tiên các mô hình tổ chức liên kết, liên doanh sản xuất giữa các khâu từ ương giống, sản xuất, cung cấp thức ăn, nuôi thương phẩm và tiêu thụ sản phẩm.
Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện kết nối, đặt hàng với các viện, trường, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan xây dựng đề xuất đặt hàng nhiệm vụ và triển khai các nhiệm vụ phục vụ nuôi biển công nghệ cao.

Bà Nguyễn Linh Chi, đại diện Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) cho biết Quỹ sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ phát triển nuôi biển công nghệ cao tại tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: ĐT.
UBND các huyện, thị xã, thành phố có biển tổ chức sắp xếp lại vùng nuôi, xác định cụ thể vị trí và giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản cho người dân, tổ hợp tác và hợp tác xã nuôi biển.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức lại các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức quản lý có sự tham gia của cộng đồng.
Các doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống để sản xuất, ương dưỡng con giống, thức ăn đảm bảo chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm. Các cá nhân, hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư các lồng nuôi bằng vật liệu mới và các công nghệ bổ trợ để năng cao năng suất, sản lượng thủy sản nuôi biển.
Bà Nguyễn Linh Chi, đại diện Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) cho biết, thời gian tới, Quỹ Thiện tâm sẽ tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi phương thức nuôi truyền thống sang lồng HDPE. Từ đó giúp người nuôi di chuyển tới các vùng nước xa bờ, chất lượng nước tốt hơn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: KS.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao Khánh Hòa là tỉnh đầu tiên công bố đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao. Để đề án nuôi biển công nghệ cao đi vào chiều sâu, hiệu quả, làm tiền để nhân rộng ngành công nghiệp nuôi biển cho các địa phương ven biển, Thứ trưởng đề nghị Khánh Hòa cần tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư khoa học công nghệ, con giống, thức ăn và phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Đồng thời phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư hạ tầng và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, từ đó xây dựng thương hiệu sản phẩm nuôi trồng thủy sản có giá trị.
Theo bà Nguyễn Linh Chi - đại diện Quỹ Thiện Tâm, đối với khu vực Hòn Nội, Quỹ sẽ nghiên cứu hỗ trợ hạ tầng nuôi biển, đồng thời hỗ trợ 2 tàu lớn vận chuyển người dân ra vùng nuôi; xây dựng quy hoạch chi tiết vùng nuôi đảm bảo hiệu quả, mỹ quan, bảo vệ môi trường.
Quỹ cũng sẽ phối hợp cùng UBND TP Cam Ranh thiết kế và đề xuất xây dựng bến đò dân sinh tại khu vực cuối Bãi Dài để người dân rút ngắn khoảng cách đi từ đất liền ra vùng nuôi. Đồng thời tiếp tục cập nhập các ứng dụng khoa học kỹ thuật, nghiên cứu mô hình Al, trang trại nuôi biển và hạ tầng cho vùng nuôi.