Từ Sông Mã, Sốp Cộp đến Mường La, Phù Yên, Mai Sơn, Yên Châu… phong trào “cả hệ thống chính trị cùng hành động” xóa nhà tạm, nhà dột nát đã khơi dậy một sức mạnh đoàn kết chưa từng có, biến những ước mơ tưởng chừng xa vời thành hiện thực.
Những mái nhà ấm áp nghĩa tình
Trong số những hộ dân được hỗ trợ xóa nhà tạm năm nay, có căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhỡn, sinh năm 1939, quê gốc Thái Bình. Năm 1965, theo tiếng gọi của miền đất hứa, ông Nhỡn ngược lên Nghĩa Lộ (Yên Bái) để khai hoang, sau đó chuyển về gắn bó với xưởng chè Phù Yên. Đến năm 1987, ông cùng người vợ tảo tần là bà Nghiêm Thị Tân (sinh năm 1952) về định cư tại bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên.

Ông Nguyễn Văn Nhỡn và bà Nghiêm Thị Tân (giữa) chia sẻ cùng cán bộ xã Mường Cơi về niềm vui bên căn nhà mới. Ảnh: Nguyễn Nga.
Hơn ba thập kỷ, hai vợ chồng nương tựa nhau trong ngôi nhà gỗ cũ kỹ như chứng nhân cho bao mùa mưa nắng, vách đã mối mọt, mái lợp rêu phong, đến mùa mưa phải che thêm tấm ni lông bên trong để nước khỏi dột xuống giường. Con cái đi làm xa, ông bà vẫn bám bản, giữ nếp sinh hoạt bình dị, sáng sớm quét sân, chiều nhặt rau, nuôi gà.
Căn nhà cũ, nơi từng “run lên theo gió mùa”, đã được đưa vào diện ưu tiên ngay sau quá trình rà soát, thẩm định công khai và minh bạch. Người dân trong bản, cán bộ xã, các tổ chức đoàn thể đã cùng nhau góp công, góp sức. "Có người chở từng viên gạch, có người san sẻ từng hạt gạo, có cháu nhỏ mang những bữa cơm ấm áp đến cho đội dựng nhà. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại được ở trong một căn nhà kiên cố như thế này," bà Tân nghẹn ngào kể, đôi mắt đã nhuốm màu thời gian vẫn ánh lên niềm hạnh phúc khi nhìn về mái ấm mới.

Căn nhà cũ của ông Nhỡn, bà Tân đã xuống cấp nghiêm trọng sau hơn 30 năm. Ảnh: Nguyễn Nga.
Phong trào xóa nhà tạm ở Mường Cơi được khởi động từ đầu tháng 3, khi nắng xuân vừa hong khô những vệt mưa phùn dai dẳng. Chưa đầy hai tháng, xã đã hoàn thành 12 căn nhà, trong đó 11 căn xây mới, 1 căn sửa chữa khang trang. Có nhà, nhiều hộ bắt đầu dựng chuồng, trồng cây, nuôi thêm gia súc, những điều tưởng nhỏ bé, nhưng là mơ ước cả đời của người vùng cao.
Khi quyết tâm hóa thành hành động
Để những mái ấm nghĩa tình ấy mọc lên trên khắp rẻo cao Sơn La, không thể thiếu một quyết tâm lớn, một sự đồng lòng từ trái tim. Ngay từ đầu năm 2025, hưởng ứng phong trào "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát", huyện Phù Yên đã vào cuộc với tinh thần khẩn trương và quyết liệt. Chỉ trong 4 tháng, một con số ấn tượng: 385 hộ dân ở Phù Yên đã được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở, minh chứng cho sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
Trước đây, Phù Yên từng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, nơi sinh sống của đông đảo đồng bào các dân tộc Mường, Mông, Dao... Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng đến từng cá nhân, tập thể.

Từ mái nhà tạm bợ, ông Nhỡn, bà Tân nay đã có chốn an cư vững chãi. Ảnh: Nguyễn Nga.
Tính riêng năm 2025, Phù Yên đã huy động được hơn 21,8 tỷ đồng từ nhiều nguồn lực khác nhau để hỗ trợ người dân xóa đi những căn nhà tạm bợ. Trong đó, hơn 11 tỷ đồng đến từ ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu cho huyện; 8,5 tỷ đồng từ Quỹ Vì người nghèo tỉnh và 705 triệu đồng do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện ủng hộ. Một phần đáng kể kinh phí được huy động thông qua các hoạt động xã hội hóa, thư ngỏ, lời kêu gọi từ chính quyền địa phương, nơi mỗi tấm lòng, mỗi đóng góp đều được trân trọng và sử dụng đúng mục đích.
Những hành trình tiếp nối
Là địa phương đầu tiên "về đích" trong hành trình ý nghĩa này, Quỳnh Nhai đã ghi dấu ấn bằng cách làm hiệu quả và quyết liệt. Theo ông Cầm Văn Huy, Chủ tịch UBND huyện, toàn huyện có 99 hộ gia đình được hỗ trợ (57 nhà xây mới, 42 nhà sửa chữa), với tổng kinh phí 4,68 tỷ đồng.
Không chỉ dựa vào nguồn lực ngân sách, Quỳnh Nhai đã khơi dậy tinh thần "tương thân tương ái" mạnh mẽ trong cộng đồng với phong trào: "Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của." Đoàn Thanh niên hăng hái tham gia, lực lượng công an nhiệt tình hỗ trợ, hội phụ nữ đảm đang quán xuyến, các cựu chiến binh gương mẫu đi đầu… Mỗi viên gạch, mỗi bao xi măng chở nặng tình người, kết tinh của sự sẻ chia và nghĩa tình làng xóm.

Huyện Mường La đã hoàn thành xây mới, sửa chữa hơn 400 căn nhà tạm, nhà dột nát, về đích sớm 15 ngày. Ảnh: Nguyễn Nga.
Còn tại Mường La, chương trình thi đua 79 ngày, đêm "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" cũng được triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt. Huyện Mường La đã cán đích sớm hơn 15 ngày so với kế hoạch, hỗ trợ xây mới 394 căn nhà và sửa chữa 20 căn nhà cho các hộ dân, với tổng kinh phí thực hiện trên 28,5 tỷ đồng.
Huyện ủy đã chỉ đạo các xã quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc về đất đai, cử cán bộ đến từng hộ gia đình để tận tình hướng dẫn các thủ tục, đảm bảo sự minh bạch, thuận lợi và kịp thời cho người dân. Cùng với những ngôi nhà mới khang trang, các tổ chức đoàn thể đã chung tay hỗ trợ các hộ nghèo hoàn thiện các tiêu chí "nhà sạch, vườn đẹp" bằng những công việc cụ thể như dọn dẹp nhà cửa, trồng hoa dọc lối đi, cải tạo vườn rau, tạo điều kiện cho một cuộc sống ổn định, tươi đẹp hơn.

Sau khi an cư, người dân Mường La bắt đầu tô điểm cuộc sống mới bằng những khóm hoa rực rỡ trước hiên nhà. Ảnh: Nguyễn Nga.
Không cần những buổi lễ khánh thành rầm rộ hay những tấm băng rôn giăng kín sân bản, phong trào dựng lại mái ấm ở Sơn La lặng lẽ lan tỏa như dòng suối mát lành chảy về khắp các bản làng: đó là đôi chân không mỏi mệt gùi từng viên gạch lên dốc đá, là những bữa cơm vội vàng nơi công trường xây dựng, là những bàn tay lấm lem vữa vôi nhưng rạng ngời niềm vui.
Những căn nhà mới không chỉ đơn thuần là nơi che mưa che nắng, mà còn là điểm khởi đầu của một nhịp sống mới đầy hy vọng. Và hơn hết, đó là minh chứng cho một điều giản dị mà lớn lao: Khi chính quyền và người dân cùng chung một ý chí, những điều tưởng chừng không thể vẫn có thể đơm hoa kết trái, bằng cả trái tim, khối óc và khát vọng cháy bỏng về một tương lai tươi sáng giữa đại ngàn Tây Bắc.