| Hotline: 0983.970.780

Hải trình cùng kiểm ngư: [Bài 5] Sứ mệnh giữ ‘màu xanh’ cho biển cả

Thứ Năm 03/07/2025 , 17:37 (GMT+7)

Một ngành thủy sản xanh không thể thiếu những người giữ biển. Nơi đó, lực lượng kiểm ngư giữ sinh kế, giữ chủ quyền và giữ lại hy vọng cho thế hệ mai sau.

Giữa lúc nghề cá thế giới đối mặt nguy cơ cạn kiệt, biến đổi khí hậu làm suy giảm nghiêm trọng đa dạng sinh học biển, thì ở những vùng biển xa bờ của Việt Nam, từ Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, đến Trường Sa, Phú Quốc, lực lượng kiểm ngư biển thầm lặng mang trên vai một sứ mệnh không kém phần quan trọng: bảo vệ hệ sinh thái biển, gìn giữ sự sống cho mai sau.

Giữ gìn môi trường biển, sẽ có nguồn hải sản phong phú, chụp tại cảng tàu cá Bạch Long Vĩ. Ảnh: Đức Hải.  

Giữ gìn môi trường biển, sẽ có nguồn hải sản phong phú, chụp tại cảng tàu cá Bạch Long Vĩ. Ảnh: Đức Hải.  

Cùng ngư dân “nuôi trồng biển”

Ngày 15/4/2014, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong quản lý nghề cá và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam chính thức được thành lập. Trải qua chặng đường một thập kỷ, lực lượng đã từng bước trưởng thành, trở thành lực lượng chuyên trách không thể thiếu trong sự nghiệp phát triển kinh tế biển và bảo vệ ngư trường quốc gia.

Với tinh thần “bám biển không ngơi nghỉ”, trong hơn 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư đã tổ chức hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển. Đồng thời phối hợp tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ quy định pháp luật về khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho tàu cá. Tính đến đầu năm 2025, đã có tới 98% tàu cá dài từ 15m trở lên hoàn thành việc lắp đặt VMS – bước tiến then chốt trong kiểm soát khai thác và chống khai thác IUU.

Không chỉ thực thi pháp luật, kiểm ngư còn là “người bạn đồng hành” đáng tin cậy với ngư dân giữa muôn trùng sóng gió. Những ca trực kéo dài nhiều ngày trên biển, những đêm canh ranh giới ngư trường, hay những giờ phút sinh tử khi ngư dân gặp nạn... Kiểm ngư luôn có mặt kịp thời, thầm lặng và đầy trách nhiệm.

Nuôi bào ngư ở Bạch Long Vĩ. Ảnh: Phương Thoa. 

Nuôi bào ngư ở Bạch Long Vĩ. Ảnh: Phương Thoa. 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chi cục trưởng Kiểm ngư Vùng 1, chia sẻ: "Lâu nay, khi nhắc đến lực lượng kiểm ngư, người ta thường nghĩ đến công việc tuần tra, kiểm soát, xử phạt tàu cá vi phạm. Nhưng đó mới chỉ là một nửa công việc của chúng tôi. Thực tế, chúng tôi còn làm nhiều việc khác nữa", ông Dũng kể.

Phía sau những ca tuần tra là những kế hoạch thả giống bào ngư, nhân nuôi san hô, theo dõi tình trạng môi trường biển, chống lại nạn đánh bắt tận diệt… mà cán bộ kiểm ngư chính là người trực tiếp thực hiện.

Tại Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ, kiểm ngư không chỉ là “tai mắt” trên biển, mà còn là “tay chân” cho các hoạt động nghiên cứu, phục hồi sinh cảnh. Từ những rạn san hô từng bị chết trắng vì ô nhiễm và khai thác bừa bãi, nay đã bắt đầu hồi sinh nhờ hàng ngàn nhánh san hô được nhân giống và cấy ghép trở lại đáy biển.

Xuồng cao tốc. ảnh Đ.H. 

Xuồng cao tốc. ảnh Đ.H. 

Anh Nguyễn Quang Huy, công tác ở huyện đảo Bạch Long Vĩ, cho biết: Nhiều năm qua, lực lượng kiểm ngư Việt Nam cũng đã phối hợp cùng ngư dân xây dựng mô hình “tổ đồng quản lý nguồn lợi thủy sản ven bờ”, nơi ngư dân không chỉ là người đánh bắt mà còn là người bảo vệ nguồn hải sản.

Theo tìm hiểu, không chỉ có đảo Bạch Long Vĩ, tại các đảo như Lý Sơn, Phú Quốc, Cô Tô, mô hình này giúp người dân chủ động cấm khai thác trong mùa sinh sản, giám sát nhau trong việc sử dụng ngư cụ thân thiện, không phá hoại môi trường đáy biển cũng được phát động và triển khai mạnh mẽ.

Những công việc âm thầm nhưng “sống còn”

Nhiều năm qua, ngành kiểm ngư còn phối hợp với các nhà khoa học đánh giá chất lượng nước biển định kỳ, phát hiện sớm các vùng có nguy cơ phú dưỡng hoặc ô nhiễm do nuôi trồng, xả thải; ghi nhận các loài sinh vật biển nguy cấp, từ rùa biển, cá nhám voi, đến các loài san hô quý, phục vụ dữ liệu quốc gia và hỗ trợ bảo tồn; hỗ trợ giải cứu sinh vật mắc cạn, rùa lên bờ đẻ trứng bị đe dọa, cá voi lạc đàn… Có thể nói, nhiều hành động không có tiếng vỗ tay, không lên sóng truyền hình, nhưng góp phần trực tiếp vào việc giữ biển còn sinh khí.

Chi cục kiểm ngư vùng 1 có 5 chiếc tàu, nhưng không có bến. Tàu phải neo đậu tại khu vực nhà máy đóng tàu sông Cấm. Ảnh: Đức Hải. 

Chi cục kiểm ngư vùng 1 có 5 chiếc tàu, nhưng không có bến. Tàu phải neo đậu tại khu vực nhà máy đóng tàu sông Cấm. Ảnh: Đức Hải. 

Ông Võ Khôi Thành, Phó Chi cục Kiểm ngư Vùng 1, chia sẻ: "Chúng tôi tham gia nhiều việc, nhưng có một thực tế là cán bộ kiểm ngư tham gia bảo tồn hay bám biển vẫn gặp nhiều khó khăn, từ việc áp dụng chính sách tiền lương, đến trang thiết bị. Đó là tình trạng thiếu thiết bị chuyên dụng (camera lặn biển, xuồng nhẹ, thiết bị phân tích nước), thiếu chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm khi làm việc ở vùng xa, tàu bè sau mỗi hải trình quay về, không có bến đỗ, phải đi thuê điểm đậu". 

"Vì thế, nếu muốn bảo tồn biển hiệu quả, muốn xây dựng lực lượng kiểm ngư tinh nhuệ, phải có cơ chế đặc thù cho lực lượng kiểm ngư làm công tác bảo tồn và đầu tư trang thiết bị tốt hơn cho tàu bè. Đồng thời, cần cho phép họ chủ động tham gia vào quy hoạch phát triển bền vững nghề cá, phải có bến cảng cho những con tàu, chứ không chỉ là người ‘tuần tra sau cùng’ của nghề cá…”, ông Thành thẳng thắn chia sẻ. 

Theo báo cáo, tại một số khu vực rặng san hô phục hồi quanh Bạch Long Vĩ, tính từ năm 2021 đến nay, lực lượng kiểm ngư đã phối hợp với các nhà khoa học nhân giống và cấy lại hơn 3.000 nhánh san hô sống, tỷ lệ sống đạt hơn 75%. Họ còn phối hợp cùng ngư dân triển khai mô hình “tổ đồng quản lý thủy sản ven bờ”, nơi người dân không chỉ đánh cá, mà còn tự đặt ra quy ước “thả giống – giữ cá – giữ nghề”.

Khu vực cảng cá Mắt Rồng được quy hoạch làm nơi đậu đỗ thuyền bè cho kiểm ngư, nhưng đến này vẫn trên giấy, chưa được làm. 

Khu vực cảng cá Mắt Rồng được quy hoạch làm nơi đậu đỗ thuyền bè cho kiểm ngư, nhưng đến này vẫn trên giấy, chưa được làm. 

Hướng đến ngành thủy sản xanh 

Trong giai đoạn mới, Kiểm ngư Việt Nam đang từng bước hiện đại hóa lực lượng, đầu tư thêm tàu xuồng chuyên dụng, trang thiết bị giám sát hiện đại, nâng cao chất lượng cán bộ qua các chương trình đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành và quốc tế.

Đặc biệt, với việc triển khai Chương trình Quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 theo Quyết định số 76/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng kiểm ngư đóng vai trò nòng cốt trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững ngành thủy sản gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Tàu cá trên Bạch Long Vĩ. Ảnh: Đức Hải. 

Tàu cá trên Bạch Long Vĩ. Ảnh: Đức Hải. 

Một ngành thủy sản xanh không thể thiếu những người giữ biển. Và trong suốt hơn 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư Việt Nam, bằng sự tận tâm, chuyên nghiệp và tinh thần “vì ngư dân, vì biển cả”, đã trở thành biểu tượng của sự bền bỉ, hy sinh và trách nhiệm.

Họ không chỉ là “người thi hành luật pháp” mà còn là người trồng lại sự sống dưới đáy biển, là điểm tựa cho hàng vạn con tàu ra khơi, là làn sóng âm thầm chống lại sự cạn kiệt tài nguyên biển.

Giữ biển hôm nay, là giữ sinh kế, giữ chủ quyền và giữ lại hy vọng cho những thế hệ mai sau.

Xem thêm
Luật Địa chất và Khoáng sản thay đổi tư duy quản trị tài nguyên

Từ ngày 1/7, Luật Địa chất và Khoáng sản có hiệu lực, đánh dấu bước ngoặt trong điều tra, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên khoáng sản.

Lào Cai: Nhiều thủy điện xả lũ, cảnh báo nguy cơ ngập lụt

Mưa lớn kéo dài khiến nước từ thượng nguồn dâng cao. Các thủy điện trên sông Chảy (Lào Cai) đồng loạt thông báo xả lũ để đảm bảo an toàn vận hành.

Bình luận mới nhất