Trên “mặt trận” bám biển
Năm 2017, Liên minh châu Âu (EC) chính thức cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam do vi phạm các quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Kể từ đó, Việt Nam bước vào cuộc đua vừa cấp bách, vừa bền bỉ để cải thiện hệ thống quản lý nghề cá, đặc biệt là việc trang bị, đầu tư cho ngành kiểm ngư để từng bước phù hợp với quy chuẩn quốc tế.
Sau nhiều nỗ lực từ trung ương đến địa phương, mới đây, Đoàn thanh tra EC đã có chuyến khảo sát tại Việt Nam vào tháng 3/2025 để đánh giá kết quả. Trong đó, vai trò của lực lượng kiểm ngư được nhấn mạnh là lực lượng tuyến đầu quan trọng, trực tiếp giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm và góp phần khẳng định quyết tâm quốc gia.

Cả nước hiện có 84.536 chiếc tàu cá đang hoạt động. Ảnh: Vân Giang.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng I cho biết: Trên các vùng biển trọng điểm, đặc biệt là khu vực giáp ranh ở Vịnh Bắc Bộ, lực lượng kiểm ngư đã tăng cường nhiều chuyến tuần tra mỗi năm. Các tàu kiểm ngư hoạt động cả ngày lẫn đêm, phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển… để ngăn chặn tàu cá vi phạm, phát hiện hành vi tháo thiết bị giám sát hành trình (VMS), truy vết hoạt động khai thác trái phép.
Được biết, theo quy định, thiết bị VMS hiện đã được lắp đặt trên 98-100% số tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên. Hệ thống dữ liệu giám sát hành trình giúp lực lượng chức năng theo dõi từng di chuyển của tàu trên biển, đồng thời làm căn cứ xử lý các hành vi xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Kiểm tra hành trình trên biển, quét ra-đa xác minh các tàu cá. Ảnh: Đức Hải.
Để phù hợp với quy chuẩn quốc tế về phát triển thủy sản bền vững, hiện lực lượng kiểm ngư Việt Nam đang đóng vai trò then chốt trong công cuộc gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU từ Liên minh châu Âu. Với tinh thần quyết liệt, minh bạch và kiên trì, những cán bộ kiểm ngư tuyến đầu đang từng ngày giữ gìn ngư trường, bảo vệ uy tín ngành thủy sản nước nhà.
Giảm vi phạm, phạt nghiêm minh
Tính đến tháng 1/2025, qua rà soát, thống kê, tổng số đội tàu cá cả nước là 84.536 chiếc, trong đó, cập nhật trên VN-Fishbase là 83.648 chiếc (đạt 98,9%), đã cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn cho đội tàu từ 15 mét trở lên: 25.942/28.728 chiếc, đạt 90,3%. Tàu cá có chiều dài 15 m trở lên hoạt động khai thác thủy sản đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100% (23.312 chiếc).
Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác được thực hiện chặt chẽ hơn trước. Đến nay, cả nước chưa phát hiện các trường hợp vi phạm IUU đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Theo báo cáo của ngành thủy sản, từ năm 2023 đến nay, số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm tới 84% so với giai đoạn trước năm 2016. Trong năm 2024, lực lượng kiểm ngư và các đơn vị liên ngành đã xử lý hàng loạt vụ việc vi phạm IUU. Tổng số tiền xử phạt lên tới gần 100 tỷ đồng. 32 vụ vi phạm nghiêm trọng bị khởi tố hình sự. Nhiều vụ tháo VMS, sử dụng chất nổ, khai thác sai vùng đã được phát hiện và xử lý kiên quyết.

Kiểm tra các tàu cá ngoài khơi bằng hệ thống ra-đa trên tàu. Ảnh: Đức Hải.
Điển hình như tại tỉnh Quảng Trị, 33 chuyến tuần tra đã được tổ chức, xử phạt 62 trường hợp vi phạm. Quảng Ninh xử lý 481 vụ, trong đó có 3 vụ bị chuyển hồ sơ hình sự. Các tỉnh như Bình Định, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau (cũ)... cũng ghi nhận kết quả tích cực trong giám sát và kiểm tra cả trên biển lẫn tại cảng cá.
Tại Quảng Ninh – một trong những địa bàn trọng yếu trên Vịnh Bắc Bộ – đến nay đã đưa vào quản lý 100% tàu cá trên địa bàn tỉnh (toàn bộ 5.556 chiếc). Thực hiện kiểm soát sản lượng khai thác tại cảng, kê khai tại các xã, phường đạt 86,7% sản lượng khai thác. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên biển được các lực lượng tăng cường. Từ đầu năm 2024, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 481 trường hợp vi phạm, xử phạt số tiền 5.086,8 triệu đồng; trong đó xử lý hình sự 3 trường hợp và 1 trường hợp đang trong quá trình xử lý do tái phạm sử dụng xung điện để khai thác nguồn lợi thủy sản.
Có những tàu cá, thấy tàu kiểm ngư là tìm cách né. Clip: Đức Hải.
Trong Hội nghị trực tuyến và trực tiếp lần thứ XII với 28 tỉnh, thành phố ven biển của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định vào tháng 1/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung cao điểm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo đúng tiến độ, có kết quả, sản phẩm cụ thể để chứng minh tại đợt thanh tra lần thứ 5 của EC.
Khẩn trương rà soát, xác minh, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm khai thác IUU, ngắt kết nối VMS, gửi, vận chuyển thiết bị VMS, vượt ranh giới trên biển; môi giới, móc nối, vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài...; xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.
Đây là chiếc tàu đánh cá bất hợp pháp, sau khi bị lập biên bản, đã được thả về bên kia biên giới. Clip: Đức Hải.
Giám sát, giáo dục và chuyển đổi
Trao đổi với phóng viên về những vấn đề trên, ông Võ Khôi Thành, Phó Chi cục Kiểm ngư vùng I, nhìn nhận, lực lượng kiểm ngư không chỉ làm nhiệm vụ cưỡng chế, xử phạt mà còn tham gia vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chuyển đổi sang khai thác hợp pháp. Các lớp tập huấn, các buổi tuyên truyền lưu động ngay tại tàu, tại cảng được tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức cho ngư dân về hậu quả của vi phạm IUU và lợi ích của việc tuân thủ.
Ông Hoàng Tiến Quân, Đoàn trưởng Đoàn công tác của tàu kiểm ngư 196 cho biết: “Có nhiều ngư dân từng vi phạm do thiếu hiểu biết. Sau khi được tuyên truyền và hỗ trợ lắp đặt VMS, họ trở thành người đi đầu trong vận động bạn nghề tuân thủ pháp luật. Mỗi người dân biển chấp hành tốt là một bước tiến trong hành trình trên biển”.

Cán bộ tàu kiểm ngư 196 cùng phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường trên chuyến hành trình tuần tra Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Nhật Lam.
Lực lượng kiểm ngư đề nghị, để đảm bảo duy trì được đội ngũ và bám biển, các cấp cần sớm tăng đầu tư cho lực lượng kiểm ngư, đặc biệt về phương tiện, công nghệ giám sát hiện đại. Siết chặt quản lý tàu cá tại cảng, không cho tàu vi phạm rời bến, bắt buộc cập nhật dữ liệu đầy đủ trên hệ thống VnFishbase. Mở rộng hợp tác quốc tế về chia sẻ dữ liệu, truy xuất nguồn gốc và kiểm tra chéo vùng biển; đẩy mạnh truyền thông đến cộng đồng ngư dân bằng ngôn ngữ dễ hiểu, gần gũi.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều tỉnh đã làm tốt công tác đó, như Quảng Trị, đến nay không có tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ; tàu cá đã lắp đặt VMS đạt 98,4%; tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản đạt 97,16%; tàu cá đánh dấu đạt 99,7%; cập nhật dữ liệu trên hệ thống phần mềm VnFishbase đạt 100%; thu nộp nhật ký khai thác thủy sản của các thuyền trưởng tại cảng cá đạt 100%; tàu cá thông báo trước 1 giờ khi cập cảng đạt 100%; số lượng tàu cá cập và rời cảng được kiểm soát đạt so với yêu cầu. Quảng Trị cũng không còn tàu cá “3 không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm). Năm 2024, tỉnh này đã tổ chức 33 chuyến tuần tra, xử phạt 62 trường hợp vi phạm liên quan đến IUU với số tiền 575,8 triệu đồng.
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, việc EC gỡ “thẻ vàng” không chỉ là khôi phục thị trường xuất khẩu 1,4 tỷ USD/năm vào châu Âu, mà còn là khẳng định vị thế của Việt Nam trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển biển bền vững.
Trong hành trình ấy, lực lượng kiểm ngư, những người âm thầm bám biển, tuần tra ngày đêm, chính là niềm tin nơi đầu sóng, là thành trì pháp luật trên biển, và là nhịp cầu nối giữa Nhà nước với ngư dân.