Theo giới chuyên gia, mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu đang trên đà vượt ngưỡng 1,5 độ C, đồng thời các chỉ số khí hậu then chốt đang thay đổi với tốc độ đáng báo động.
Bill Hare, Giám đốc điều hành tổ chức tư vấn Climate Analytics, lưu ý việc mức tăng nhiệt độ trung bình thế giới vượt mục tiêu 1,5 độ C trong khoảng 5 năm tới là “không thể tránh khỏi” nếu không có các hành động khí hậu quyết liệt hơn.

Ngưỡng tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu đang trên đà vượt mức 1,5 độ C đòi hỏi các quốc gia cần có cách hành động khí hậu mạnh mẽ hơn. Ảnh: Pixabay.
“Nếu chúng ta cắt giảm phát thải nhanh chóng hơn như cam kết, mức tăng nhiệt độ trung bình thế giới có khả năng thế giới sẽ vượt mốc 1,5 độ C một khoảng nhẹ hơn, tức khoảng 1,6 độ C”, ông nói trong một buổi họp báo tại hội nghị đàm phán khí hậu của Liên hợp quốc ở Bonn, Đức.
Nếu triển khai các hành động khí hậu ngay, ông Hare cảnh báo, thế giới thậm chí có thể vượt ngưỡng 2 độ C trong thời gian ngắn.
Nhiệt độ bề mặt toàn cầu đã tạm thời vượt mốc 1,5 độ C trong năm 2024, khi phát thải khí nhà kính từ đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng đạt mức cao kỷ lục. Than đá, dầu mỏ và khí đốt vẫn chiếm hơn 80% tổng tiêu thụ năng lượng toàn cầu, bất chấp đầu tư ngày càng tăng vào năng lượng tái tạo.
Các nhà khoa học cho biết nếu mức tăng nhiệt độ trung bình vượt giới hạn 1,5 độ C, được đặt ra trong Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 bởi gần 200 quốc gia, các đợt nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán tàn phá và bão sẽ xảy ra thường xuyên và phức tạp hơn. Thực tế, những tác động này đã được ghi nhận ngày một rõ ràng trong những năm gần đây.
Báo cáo Chỉ số thay đổi khí hậu toàn cầu xác định để duy trì 50% cơ hội giữ nhiệt độ dưới ngưỡng 1,5 độ C, thế giới chỉ còn được phép phát thải 130 tỷ tấn CO2. Với tốc độ hiện tại, "ngân sách carbon" này sẽ bị tiêu hết vào năm 2028.
“Chúng ta thực sự đang trong giai đoạn quyết định đối với mức nóng lên này”, đồng tác giả báo cáo , ông Joeri Rogelj - giáo sư khoa học và chính sách khí hậu tại Đại học Imperial College London - cho biết.
Các tác giả báo cáo kêu gọi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu coi kết quả này là một hồi chuông cảnh tỉnh và nhanh chóng đưa ra các hành động khí hậu quyết liệt hơn.
Báo cáo, được công bố định kỳ giữa các bản đánh giá lớn của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), cũng chỉ ra những chỉ số đáng lo ngại khác.
Mực nước biển hiện tăng với tốc độ 4,3mm/năm kể từ 2019, so với 1,8mm/năm trong giai đoạn 1908-2018, đe dọa các thành phố ven biển và đảo nhỏ.
Sự mất cân bằng năng lượng của Trái đất, tức chênh lệch giữa năng lượng Mặt Trời hấp thụ và lượng tỏa ra ngoài không gian, cũng gần như tăng gấp đôi trong 20 năm qua. Hiện 91% lượng nhiệt do con người tạo ra được đại dương hấp thụ, nhưng các nhà khoa học lo ngại đại dương không thể tiếp tục “gánh vác” mãi vai trò này.
Ông Rogelj cho rằng hành động từ bây giờ vẫn có thể “thay đổi cục diện” và hạn chế hậu quả nghiêm trọng hơn của biến đổi khí hậu.
“Vấn đề là chúng ta sẽ chỉ ‘lướt qua’ ngưỡng 1,5 độ C để rồi lên tới 2 độ C trong thời gian ngắn, hãy cố gắng giới hạn mức tăng nhiệt độ trong khoảng 1,5 độ C", ông kêu gọi.