
Hội nghị bàn về tiến độ Dự án phát triển hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng dân tộc thiểu số vừa được tổ chức tại Yên Bái. Ảnh: Thanh Chi.
Dự án phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại ba tỉnh: Yên Bái, Sơn La và Hà Giang với mục tiêu tổng thể nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Bằng việc đầu tư vào hệ thống giao thông, thủy lợi và nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, dự án kỳ vọng đảm bảo an ninh nguồn nước, lương thực, thúc đẩy giao thương và du lịch theo hướng xanh, bền vững.
Riêng tại tỉnh Yên Bái, dự kiến dự án có tổng mức đầu tư gần 4.300 tỷ đồng (tương đương hơn 177 triệu USD; trong đó, vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hơn 3.169 tỷ đồng, vốn đối ứng hơn 1.112 tỷ đồng (chiếm khoảng 26%).

Một số dự án phát triển cơ sở hạ tầng từ nhiều nguồn vốn được đầu tư thực hiện tại tỉnh Yên Bái đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Thanh Tiến.
Mục tiêu nhằm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và thủy lợi cho 6 huyện và 1 thị xã của tỉnh Yên Bái. Qua đó, giúp đồng bào dân tộc miền núi, vùng cao giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, tạo thuận lợi trong giao thông kết nối, tăng cường giao thương và giao lưu văn hóa. Đồng thời, khai thác tốt hơn tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch địa phương theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
Tại hợp phần 1 của dự án sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và thủy lợi với 5 tiểu dự án gồm: Dự án hệ thống công trình thủy lợi cung cấp nước tưới cho Di sản danh thắng Quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Khu vực La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải); Dự án khai thác tổng thể dòng suối Nậm Lùng phục vụ tưới tiêu cho vùng chuyên canh đặc sản nếp Tú Lệ (huyện Văn Chấn); Dự án đường Nghĩa Lộ - Trạm Tấu; đường Nghĩa Lộ - Thạch Lương - Phúc Sơn; đường Mậu A – Tân Nguyên – An Phú.

Một số tuyến đường giao thông quan trọng sẽ được đầu tư trong thời gian tới để kết nối vùng, phát triển du lịch. Ảnh: Thanh Tiến.
Trong hợp phần 2, sẽ tăng cường năng lực quản lý đầu tư công thích ứng với biến đổi khí hậu, huy động một nguồn lực viện trợ không hoàn lại tối thiểu 2 triệu USD trong khuôn khổ một hiệp định tài trợ độc lập với hiệp định khoản vay dành cho các hoạt động như: hỗ trợ đánh giá, đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch xanh, bền vững trên các huyện thực hiện dự án; hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình du lịch nông lâm nghiệp, sinh thái, cộng đồng có sự tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng dự án…