| Hotline: 0983.970.780

EU trì hoãn ký tuyên bố khí hậu chung với Trung Quốc

Thứ Ba 15/07/2025 , 06:08 (GMT+7)

Liên minh châu Âu (EU) đang trì hoãn ký kết tuyên bố khí hậu với Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo trong tháng 7.

Theo các quan chức EU, Bắc Kinh đã nhiều lần đề xuất 2 bên ký kết tuyên bố khí hậu chung  sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng 7 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tuy nhiên, Brussels đã từ chối ký kết tuyên bố chung khí hậu với Bắc Kinh vì Trung Quốc chưa đưa ra các cam kết đủ mạnh trong việc cắt giảm khí nhà kính.

“Tôi hiểu và ghi nhận mong muốn của Trung Quốc về một tuyên bố chung mang tính ngoại giao, nhưng như thế là chưa đủ đối với EU”, Ủy viên khí hậu Wopke Hoekstra nói với Financial Times.

EU và Trung Quốc chưa đạt được sự đồng thuận với một tuyên bố khí hậu chung. Ảnh: VCG. 

EU và Trung Quốc chưa đạt được sự đồng thuận với một tuyên bố khí hậu chung. Ảnh: VCG. 

Ông cho biết Ủy ban châu Âu sẵn sàng cân nhắc việc ký kết tuyên bố khí hậu chung nếu tuyên bố đi kèm với những nội dung cụ thể cần tháo gỡ và mức độ tham vọng rõ ràng.

Tuyên bố khí hậu chung giữa EU - Trung Quốc được kỳ vọng sẽ có quy mô giống Tuyên bố Sunnylands giữa Mỹ và Trung Quốc trước Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc tại Dubai năm 2023. Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận Paris 2015, cả Trung Quốc và EU đang chịu áp lực trong việc nâng cao cam kết khí hậu. Cả hai bên phải nộp mục tiêu khí hậu trung hạn đến năm 2035 trước Hội nghị COP30 tại Brazil vào tháng 11 tới.

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn đạt nhiều tiến bộ nhất trong việc phát triển năng lượng sạch và giao thông xanh, nhưng vẫn chiếm khoảng 1/3 lượng phát thải toàn cầu do phụ thuộc vào than đá.

“Chúng tôi thực sự thấy rằng các bên khác, đặc biệt là Trung Quốc, cần đẩy mạnh hơn nữa”, ông Hoekstra nói thêm.

Đại diện của Phái bộ Trung Quốc tại EU cho biết chưa có “thông tin trực tiếp” về chương trình nghị sự khí hậu trong các cuộc đối thoại cấp cao. Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc chưa phản hồi.

Vào đầu tháng 7, EU đã đề xuất mục tiêu cắt giảm 90% phát thải vào năm 2040 so với mức năm 1990. Tuy nhiên, chương trình khí hậu của khối đang vấp chỉ trích vì cho phép tới 3% lượng cắt giảm đến từ việc mua tín chỉ carbon từ nước ngoài kể từ năm 2036.

Brussels hiện cũng chịu áp lực từ ngành công nghiệp và một số quốc gia thành viên muốn làm chậm tiến độ chuyển đổi xanh, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ và sức ép từ Tổng thống Trump nhằm nới lỏng các quy định.

Châu Âu là châu lục ấm lên nhanh nhất thế giới. Trong khi đó,  Trung Quốc cũng đang đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng như lũ lụt và hạn hán.

Giám đốc điều hành tổ chức tư vấn khí hậu E3G Manon Dufour cho rằng, EU cần có cái nhìn thực tế khi hợp tác với Trung Quốc. Bà cảnh báo nếu không phối hợp hiệu quả, Trung Quốc có thể tăng cường hợp tác song phương với những quốc gia ít cam kết hơn trong hành động khí hậu.

Một tuyên bố khí hậu chung có thể giúp hai chính phủ hợp tác sâu rộng hơn về cải cách hệ thống tài chính, các ngân hàng phát triển đa phương hoặc thiết lập tiêu chuẩn cho công nghệ xanh.

Các chuyên gia chính sách khí hậu đồng tình rằng trong bối cảnh Mỹ vắng mặt, EU và Trung Quốc có cơ hội thể hiện vai trò lãnh đạo tại Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc.

“Sự thành công của COP30 sẽ phụ thuộc vào chất lượng mục tiêu đến năm 2035 của EU và Trung Quốc. Chúng ta cần một cuộc đua hướng lên, chứ không phải tụt xuống về mức độ tham vọng”, bà Linda Kachler - Giám đốc tổ chức tư vấn Strategic Perspectives và cựu cố vấn khí hậu cho Liên hợp quốc - nhận định.

Tổng hợp từ Financial Times

Xem thêm
Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất