Theo phân tích của Carbon Brief dựa trên mô hình REPEAT của Đại học Princeton, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy thông qua 'Đạo luật to đẹp' sẽ khiến lượng phát thải khí nhà kính của Mỹ đến năm 2030 vượt mục tiêu cũ tới 7 tỷ tấn.
Đạo luật này, vừa được Quốc hội Mỹ thông qua đầu tháng 7, gần như xóa bỏ toàn bộ các ưu đãi thuế cho năng lượng tái tạo, xe điện và sản xuất sạch mà chính quyền Tổng thống Biden từng đặt nền móng. Ngoài ra, hàng loạt chính sách về chuẩn tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải ngành điện cũng bị đảo ngược thông qua các sắc lệnh hành pháp mới.

Biểu đồ dự báo lượng khí thải nhà kính đến năm 2030. Ảnh: CarbonBrief (nguồn thông tin từ Dự án REPEAT - Đóng góp do quốc gia Hoa Kỳ xác định).
Dự báo, thay vì giảm 50-52% lượng phát thải so với mức năm 2005 vào năm 2030 theo cam kết tại Thỏa thuận Paris, Mỹ chỉ còn đạt mức giảm khoảng 20%. Tính từ nay đến 2030, lượng phát thải dư thừa của Mỹ sẽ tương đương tổng lượng khí thải trong một năm của Indonesia, quốc gia đứng thứ sáu thế giới về phát thải.
Phân tích chỉ ra, nếu không còn các ưu đãi liên bang, việc mở rộng các dự án năng lượng mặt trời và gió tại Mỹ sẽ chững lại. Các ưu đãi mua xe điện trị giá tới 7.500 USD cũng bị chấm dứt, dự báo làm giảm hàng chục triệu xe điện được bán ra.

Các dự án năng lượng gió và mặt trời tại Mỹ đứng trước nguy cơ đình trệ khi 'Đạo luật to đẹp' cắt giảm ưu đãi. Ảnh: Shutterstock.
Bên cạnh đó, chi phí năng lượng dự kiến tăng mạnh, khi giá điện dân dụng tại Mỹ có thể tăng 7% vào năm 2026 và cao hơn 280 USD/năm vào năm 2035. Một số bang như Wyoming, North Carolina hay Tennessee thậm chí có thể chứng kiến mức tăng hai chữ số trong năm tới.
Tổng thống Trump cũng đang đưa nước Mỹ rút khỏi các cam kết quốc tế về khí hậu, khiến mục tiêu giảm phát thải trở nên “gần như bất khả thi”. Các chuyên gia cảnh báo, đạo luật này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu, mà còn kéo theo hệ quả kinh tế và xã hội sâu rộng cho nước Mỹ.