Ngày 6/7 (giờ địa phương), tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 diễn ra ở Rio de Janeiro, các nước thành viên đã công bố Tuyên bố cuối cùng, nhấn mạnh vai trò quan trọng của các quốc gia Nam bán cầu như một động lực tạo ra thay đổi tích cực trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Tuyên bố chung có đề cập đến các vấn đề được ưu tiên tại hội nghị như biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo (AI).

Các quốc gia thành viên tại Hội nghị cấp cao BRICS, Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: Ricardo Stuckert.
Đối với AI, các nước BRICS đánh giá công nghệ này là cơ hội để thúc đẩy phát triển, song đồng thời khẳng định: "Việc quản trị toàn cầu về trí tuệ nhân tạo phải giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn và đáp ứng được nhu cầu của tất cả các quốc gia, bao gồm cả những nước thuộc Nam bán cầu".
Tuyên bố đề cập các quốc gia cần tăng cường hợp tác, trao đổi nhằm xây dựng cơ chế quản trị AI phù hợp với các giá trị chung, tăng cường niềm tin, bảo đảm tính toàn diện và khả năng tiếp cận công bằng của mọi quốc gia. Việc này cần được thực hiện theo luật pháp quốc gia, đồng thời chú trọng nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển, với Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm.
Về biến đổi khí hậu, BRICS tái khẳng định cam kết với các thỏa thuận toàn cầu, bao gồm Hiệp định Paris được ký tại COP21 vào năm 2015 nhằm giảm phát thải khí nhà kính, và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) với mục tiêu ổn định nồng độ khí nhà kính trong khí quyển.
Cũng tại hội nghị, các nước thành viên BRICS ủng hộ hoàn toàn vai trò Chủ tịch COP30 của Brazil, thể hiện sự thống nhất trong việc thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.
BRICS là một khối tập hợp đại diện từ 11 quốc gia thành viên thường trực gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Iran, Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Ethiopia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Indonesia. Ngoài ra, một số quốc gia đối tác cũng gia nhập BRICS, bao gồm Belarus, Bolivia, Kazakhstan, Thái Lan, Cuba, Uganda, Malaysia, Nigeria, Việt Nam và Uzbekistan.