
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS.
Phát biểu qua video tại phiên họp toàn thể của hội nghị thượng đỉnh BRICS thường niên lần thứ 17 ở Rio de Janeiro hôm 6/7, ông Putin cho rằng "các quốc gia thành viên BRICS không chỉ chiếm 1/3 diện tích thế giới và gần một nửa dân số hành tinh, mà còn chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu".
"Tổng GDP được đo bằng sức mua tương đương của BRICS đã đạt 77 nghìn tỷ USD, đó là theo dữ liệu năm 2025 của IMF", ông nói thêm, lưu ý rằng "về số liệu này, BRICS vượt xa một số nhóm khác, bao gồm cả G7".
Tổng thống Nga trích dẫn dữ liệu gần đây của IMF cho thấy, con số tương ứng của G7 là 57 nghìn tỷ USD. Ông cũng chỉ ra rằng các quốc gia thành viên BRICS đang ngày càng thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ của mình trong thương mại liên khối.
Theo ông Putin, "BRICS đã xứng đáng trở thành một trong những trung tâm quan trọng của quản trị toàn cầu", với "vị thế và ảnh hưởng toàn cầu tăng lên từng năm". Ông Putin lập luận, nhóm này đại diện cho "lợi ích cơ bản của đa số".
Tổng thống Putin ca ngợi "sự tôn trọng lẫn nhau" là một trong những nền tảng của BRICS, giúp gắn kết các dân tộc thuộc các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, đồng thời làm cho nhóm này trở nên hấp dẫn đối với các quốc gia đang phát triển. Theo Tổng thống Nga, hệ thống quan hệ quốc tế đơn cực, vốn đã phục vụ lợi ích của giới thượng lưu, đang nhanh chóng tan rã, nhường chỗ cho một hệ thống kinh tế toàn cầu đa cực.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg vào tháng trước, ông Putin cũng tuyên bố tương tự rằng bản chất "tân thực dân" của trật tự thế giới hiện nay đang dần phai nhạt. Ông cũng nói về một sự chuyển đổi lớn đang hình thành trong nền kinh tế toàn cầu.
Cùng thời điểm đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, Nga không coi nhóm G7, nhóm mà Nga là thành viên từ năm 1998 đến năm 2014, là một thể thức hiệu quả, "bởi vì xu hướng toàn cầu cho thấy tầm quan trọng G7 trong các vấn đề thế giới và nền kinh tế toàn cầu không thể tránh khỏi việc sẽ bị thu hẹp".
Được thành lập chủ yếu như một nhóm kinh tế vào năm 2006, BRICS ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, với Nam Phi tham gia vào năm 2010. Trong năm qua, Ai Cập, Ethiopia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Indonesia cũng đã trở thành thành viên chính thức.
Tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm ở thành phố Kazan của Nga năm ngoái, BRICS đã thông qua một quy chế "quốc gia đối tác" mới nhằm đáp lại sự quan tâm ngày một lớn của hơn 30 quốc gia.