Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai (tháng 9/2024, New York, Hoa Kỳ), các nhà lãnh đạo toàn cầu đã cùng thông qua Hiệp ước vì Tương lai. Hiệp ước được xây dựng trên một quá trình tham vấn toàn diện, quy tụ 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và nhiều bên liên quan khác, phản ánh sự đồng thuận rộng rãi về nhu cầu cấp thiết phải cải tổ phương thức quản trị toàn cầu.
Trong Báo cáo Đổi mới Quản trị Toàn cầu 2025 (GGIR’25) mới đây có tiêu đề "Thúc đẩy Hiệp ước vì Tương lai và Quản trị môi trường", Viện Stimson đã giới thiệu một cách tiếp cận độc đáo nhằm đánh giá và thúc đẩy việc triển khai Hiệp ước.

Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai ở New York, Mỹ ngày 22/9/2024. Ảnh: TTXVN.
Hiệp ước vì Tương lai đặt trọng tâm vào các giải pháp cụ thể để ứng phó với những rủi ro mang tính hệ thống như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng, và khủng hoảng tài chính. Những động lực cải cách này đã và đang tạo tiền đề để BRICS 2025 thúc đẩy các sáng kiến định hình lại kiến trúc tài chính toàn cầu.
Hướng đến COP30 tại Belém, Báo cáo GGIR’25 của Viện Stimson cùng hàng loạt các cải cách chính sách và thể chế mang tính tiên phong sẽ giúp các bên tìm hướng giải quyết ba khủng hoảng hành tinh: biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.
Để vượt qua bế tắc kéo dài trong các cuộc đàm phán khí hậu, Brazil đề xuất thành lập Hội đồng Biến đổi Khí hậu do Liên hợp quốc điều phối và có sự tham vấn chuyên gia phi chính phủ, có thể giúp cải thiện sự phối hợp thông qua hợp nhất các sáng kiến khí hậu hiện đang rời rạc.