Theo Reuters, hầu hết các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ ủng hộ việc đạt được thỏa thuận về mục tiêu khí hậu năm 2040 vào tháng 9 tới.

Cảnh cháy rừng được ghi lại ở Pennes-Mirabeau, tỉnh Bouches-du-Rhône, Pháp. Ảnh: France Bleu.
Theo đó, Ủy ban châu Âu đang đề xuất mục tiêu giảm 90% lượng khí thải nhà kính so với mức năm 1990. Đề xuất này cho phép các nước thành viên sử dụng một phần tín chỉ carbon quốc tế để đáp ứng mục tiêu.
Đan Mạch – quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, hiện dẫn dắt quá trình đàm phán và kỳ vọng đạt sự đồng thuận tại Hội nghị Bộ trưởng về Khí hậu diễn ra trong tháng 9 tới.
“Chúng ta có rất ít thời gian để hoàn tất các cuộc đàm phán này. Điều quan trọng là EU cần sớm thống nhất các mục tiêu khí hậu mới", ông Lars Aagaard, Bộ trưởng Bộ Khí hậu, Năng lượng và Tiện ích Đan Mạch, nhấn mạnh sau cuộc họp các Bộ trưởng Khí hậu EU tại Aalborg.
Hãng Reuters dẫn tin, phần lớn trong số 27 nước EU ủng hộ tiến trình đạt thỏa thuận vào tháng 9. Tuy nhiên, một số quốc gia như Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc phản đối do cần thêm thời gian cân nhắc tác động kinh tế.
“Đây là quyết định lớn, ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Không thể đưa ra vội vàng chỉ vì áp lực thời gian", ông Krzysztof Bolesta, Thứ trưởng Bộ Khí hậu và Môi trường Ba Lan, chia sẻ với Reuters. Hungary và Cộng hòa Séc cũng xác nhận quan điểm phản đối thời hạn tháng 9.
Nhằm xoa dịu các ý kiến phản đối, Ủy ban châu Âu đã đề xuất thêm các cơ chế linh hoạt nhằm giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp trước ngưỡng cắt giảm 90%. Tuy vậy, một số nước vẫn lo ngại vì chưa rõ các cơ chế này sẽ vận hành ra sao.
Dự kiến giữa tháng 9/2025, EU phải trình mục tiêu khí hậu năm 2035 lên Liên Hợp quốc. Mục tiêu này sẽ được xây dựng dựa trên thỏa thuận cho năm 2040 đang được đàm phán. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và chi tiêu quốc phòng gia tăng, việc thống nhất mục tiêu khí hậu đang trở thành bài toán chính trị lớn đối với toàn EU.