Ủy ban châu Âu vừa công bố hàng loạt sáng kiến mạnh mẽ nhằm thúc đẩy Liên minh châu Âu tiến tới một nền kinh tế tuần hoàn toàn diện, với mục tiêu trở thành đầu tàu toàn cầu về sử dụng tài nguyên bền vững vào năm 2030. Những biện pháp này là bước đệm cho Đạo luật Kinh tế tuần hoàn dự kiến ban hành năm 2026, đồng thời góp phần hiện thực hóa mục tiêu trung hòa khí hậu và tăng sức cạnh tranh của EU.

Các sáng kiến mới của Ủy ban châu Âu đặt mục tiêu giúp EU dẫn đầu thế giới về sử dụng tài nguyên bền vững, chuẩn bị cho Đạo luật Kinh tế tuần hoàn dự kiến ra đời năm 2026. Ảnh: shutterstock.
Thông qua thúc đẩy các hoạt động tái sử dụng, tái chế và tái sản xuất, EU đặt mục tiêu tăng gấp đôi tỷ lệ vật liệu tái chế trong nền kinh tế, tiến gần hơn tới mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050. Ủy viên phụ trách môi trường, bà Jessika Roswall nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi này là cơ hội để EU dẫn đầu đổi mới sáng tạo và nâng cao tiêu chuẩn môi trường, đồng thời kêu gọi sự đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào quá trình xây dựng Đạo luật.
Các sáng kiến nổi bật bao gồm đối thoại chiến lược cấp cao, siết chặt quy định về vận chuyển chất thải và đánh giá lại chỉ thị quản lý rác thải điện, điện tử (WEEE). Một hệ thống số hóa vận chuyển chất thải sẽ được triển khai toàn EU từ năm 2026, giúp giảm thủ tục, tăng minh bạch và ngăn chặn vận chuyển rác trái phép. Đặc biệt, các sáng kiến này còn hướng tới tối ưu thu gom, xử lý và tái chế rác điện tử, loại rác thải tăng trưởng nhanh nhất hiện nay nhưng vẫn còn tỷ lệ thu hồi thấp.
Đối với doanh nghiệp EU, kinh tế tuần hoàn mở ra cơ hội giảm chi phí vật liệu, tăng khả năng chống đứt gãy chuỗi cung ứng, đồng thời đóng góp tới 25% mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của toàn khối. Công chúng, doanh nghiệp và các bên liên quan đang được mời tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp xây dựng các quy định mới.
Với loạt giải pháp đồng bộ, EU đang đặt nền móng cho một tương lai phát triển bền vững, cạnh tranh và trung hòa khí hậu.