| Hotline: 0983.970.780

Đường đến mại dâm

Thứ Tư 18/07/2012 , 14:58 (GMT+7)

Lữ khách dừng chân ghé vào các quán cà phê "mát mẻ", bia ôm sẽ được các thôn nữ tuổi chừng đôi tám phục vụ từ A đến Y. Và, nếu có nhu cầu, các cô sẵn sàng chiều khách đến Z.

Bên cạnh món cháo cá, cà phê võng đã trở thành nét đặc trưng riêng của vùng sông nước là vô số những quán cà phê “mát mẻ”, bia ôm. Lữ khách dừng chân ghé vào sẽ được 5 - 7 cô thôn nữ tuổi chừng đôi tám phục vụ từ A đến Y. Và, nếu có nhu cầu, các cô sẵn sàng chiều khách đến Z.

>> Tâm sự buồn của những cô dâu xứ Đài
>> Khi câu ca dao lạc mốt

"Ở nhà làm ruộng cực lắm anh ơi"

Đã nhiều lần đi công tác nên tôi không lạ gì loại hình cà phê “mát mẻ” này bởi những đặc điểm: không có bóng đèn tuýp, chỉ có đèn màu nhấp nháy. Ngoài cửa quán có vài chậu kiểng che chắn và vài cô gái đang ngồi nhìn ra đường như đang đợi ai. Trên trục QL1A từ Long An đến Cà Mau, có vô số quán cà phê, quán nhậu bia ôm như thế.

Thấy tôi có vẻ e ngại, không chịu vào quán, anh Đức, người dẫn đường sốt ruột bảo: “Quán nào cũng có em út, tấp đại vào một chỗ đi. Chạy lòng vòng, mấy em nhìn ra tưởng mình là công an thì vào đó không “làm ăn” gì được đâu”. Nghe vậy, tôi đánh liều ghé vào quán C.T ngay gần cầu Voi (Bến Lức, Long An). Gọi là quán cho sang chứ bên trong chỉ lèo tèo 3 bộ bàn ghế nhựa và một chiếc quạt treo tường trong khuôn viên chừng 20m2. Thấy tôi đứng tần ngần trước cửa, 3 cô gái với áo bà ba ôm sát, khuôn mặt tô son vụng về, miệng cười lả lơi cùng đứng lên sáp vào tôi. Một cô nói: “Anh hai hổng vừa ý hả? Ở đây quán này là “ngon lành” nhứt rồi đó. Tụi em còn phía sau nữa mà”.


Một quán cà phê “mát mẻ” tại khu vực Bến Lức, Long An

Nói rồi cô bé bước mấy bước mở một cánh cửa nhựa lôi chúng tôi vào. Ở bên trong có vẻ lịch sự hơn vì được kê mấy bộ salon khá to với thành cao. Trong ánh đèn nhập nhoạng, tôi thấy 3 bàn có khách ngồi, nhưng không có tiếng nói chuyện mà toàn những âm thanh “lạ” đập vào tai. Những mái tóc dài của các cô phục vụ quán đang “nhấp nhô” trong lòng khách. Mùi nước thơm xịt phòng sộc vào mũi khiến tôi có ngay lý do: “Anh ngửi mùi này hay bị dị ứng lắm, thôi mình ra ngoài ngồi tâm sự nha”, tôi nói với cô gái rồi kéo tay cô bước ra ngoài.

Ra ngoài tôi bảo cô gái: “Em kêu mấy bạn chưa có khách lại đây ngồi đi, mình lai rai chút cho vui”. Cô bé nhìn tôi cười rồi gọi với ra ngoài, nơi có 3 cô gái đang ngồi đón khách: “Ê, tụi bay dzô đây ngồi với “ông xã” tao cho vui”. Lập tức mấy cô nhanh chóng đi vào, người kê bàn, người lấy bia, thoáng chốc chúng tôi đã có một bàn nhậu 6 người. Ngồi nói chuyện, chúng tôi mới biết quán này thường xuyên có 9 - 10 cô phục vụ. Cô bé ngồi cạnh tôi tên Th. 23 tuổi, quê Sóc Trăng, còn các bạn cô quê ở An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang. Mỗi người mỗi quê nhưng các cô có những điểm chung là ít học, không biết làm ruộng, thích cuộc sống nhàn hạ, muốn kiếm tiền nhanh…

Th. tâm sự: “Tụi em ở đây đứa nào cũng làm cái “nghề” này từ năm 16, 17 tuổi đến giờ. Ban đầu làm ngay ở quê, trong mấy quán bình thường, sau đó phiêu bạt dần, giờ gần lên đến Sài Gòn rồi”. Tôi hỏi: “Sao không ở quê làm rồi lấy chồng mà đi làm công việc này?”, cả mấy cô đều có suy nghĩ giống nhau: “Ở quê làm ruộng cực quá, suốt ngày chân lấm tay bùn mà không đủ sống. Nhìn mấy chị đi ra ngoài về, ai cũng vàng đeo đỏ tay, quần áo thơm phức. Còn mấy đứa bạn ở nhà làm ruộng rồi lấy chồng, có mấy năm thôi mà nhìn già hơn cả chục tuổi, con cái thì nheo nhóc, nhìn thấy ớn. Giờ ít đứa chịu ở nhà làm ruộng lắm anh ơi”.

Thấy chúng tôi không có “biểu hiện” gì, cứ ngồi uống và nói chuyện, cô gái tên Y.T sốt ruột nói với anh bạn tôi: “Anh, anh đi đường có mệt không? Em matxa cho anh nha?”, “Ừ, nhưng mà công sá tính thế nào em nhỉ?”, bạn tôi hỏi lại. “Có bao nhiêu đâu anh, bằng 3 lít xăng thôi hà”. Nghe cô gái trả lời, chúng tôi không khỏi bật cười.


Nhiều thiếu nữ đã rời bỏ ruộng đồng để đến “ngồi” trong những căn phòng thiếu diện tích và ánh sáng như thế này

Thù lao bằng gà, vịt

Chỉ ngồi hơn 1 tiếng đồng hồ, tôi đếm được 14 khách vào, ra căn phòng lúc nãy. Trong số này, ngoài những thanh niên khá trẻ, còn có những người đàn ông trung niên với mái tóc muối tiêu. Nhìn dáng vẻ, có thể đoán được họ là những “hai lúa” thứ thiệt với bàn tay thô ráp, đôi chân cũng to đen, sần sùi trong đôi dép tổ ong còn dính đất ruộng, quần áo còn ngai ngái mùi bùn.

Chúng tôi đã có cuộc hành trình một vòng từ Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp… Và biết thêm những địa danh nổi tiếng về khoản “mát mẻ” như “Ngã ba sung sướng” ở khu vực ngã ba Lộ Tẻ (QL91 từ Long Xuyên đi Châu Đốc); "xóm ăn chơi" gần cầu Long Định, huyện Châu Thành (Tiền Giang). Khu Vị Thanh - Long Mỹ (Hậu Giang), gần khu du lịch Ba Láng…

Hơn 8 giờ tối, chúng tôi chuẩn bị về thì một chiếc xe máy cà tang với tiếng máy nổ đinh tai lao đến. Chưa nhìn thấy mặt người khách nhưng đã nghe một giọng nữ từ bên trong nói to: “Mấy em ra đón dượng Sáu cho dì nghen”. Vừa dứt lời thì một người đàn ông chừng ngoài 50 tuổi bước vào với 2 con gà xách trên tay. Một người phụ nữ luống tuổi từ trong bước ra, nét mặt tươi cười: “Lâu dữ mới thấy anh Sáu ghé. Bả không cho đi hả?”.

Anh Sáu hôn người phụ nữ một cái rất to rồi trả lời: “Đâu có, bữa giờ đang vào vụ, có rảnh đâu”. Nhìn 2 con gà trên tay anh Sáu, người phụ nữ bảo: “Hôm nay lại không có tiền phải không? Đưa em thả nó vô chuồng, xách chi hoài cho mỏi tay”. Cầm 2 con gà trên tay, bà cười nói tiếp: “Chà, 2 con này cũng gần 4 ký. Anh Sáu vô đi, em biểu tụi nó đưa anh “lên mây xanh” luôn”.


Quán nhậu ôm ở Châu Thành, Tiền Giang

Thấy tôi tròn mắt theo dõi cuộc nói chuyện, Th. cười bảo: “Chắc anh chưa thấy vụ này bao giờ rồi. Ở đây toàn nông dân nên đến quán chơi nếu không có tiền mặt thì có thể mang lúa, gà vịt đến trả cũng được. Bà chủ còn thích nữa. Anh thấy đó, trả bằng tiền mặt chỉ cần trăm ngàn, nhưng một cặp gà có khi 300 ngàn”. Quả là lần đầu tiên trong đời tôi gặp chuyện này.

Ở khu vực Châu Thành, Cai Lậy (Tiền Giang), những quán bia ôm, cà phê “mát mẻ” cũng mọc lên san sát. Đa số được dựng sơ sài bằng mây, tre, lá. Còn ở bên trong có võng, có giường đơn cho khách “nghỉ mệt”.

Nhìn những thôn nữ với cơ thể căng tràn nhựa sống đang nói cười lả lơi với khách, sẵn sàng đi đến phòng trọ gần đó với những người đàn ông xa lạ, lòng tôi chùng xuống, không còn cảm nhận được hớp nước trong miệng mình chua hay ngọt.

Một trong những địa điểm làm ăn lý tưởng của các thôn nữ đó là ven các đô thị lớn. Con đường Tân Sơn nối quận Tân Bình và Gò Vấp ở TP.HCM chỉ dài hơn 2 km mà có không dưới 20 quán nước, cà phê, hớt tóc đèn mờ. Treo biển là một chuyện, nhưng quán không cần bán cái mình đã rao, nhân viên ở đây cung cấp một dịch vụ khác cho khách.

Tôi chọn quán cà phê T&K nằm giữa con đường này. Hai cô gái ăn mặc rất thiếu vải đang ngồi trước quán. Vừa thấy tôi bẻ tay lái lên vỉa hè, một cô đon đả chạy ra đón khách. Cô tên Bích Ngân ngồi cạnh tôi liên tục "rót" vào tai: “Anh vào đây không mát-xa tụi em đói đó”. Bích Ngân cho biết cô ở huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, là con thứ ba trong gia đình có bốn anh chị em, học hết lớp 8 thì nghỉ học. 

Ba năm trước, Ngân làm công nhân cho một nhà máy thủy sản ở Cần Thơ. Nhưng từ giữa năm 2011, nhà máy không còn hàng thường xuyên, nên Ngân phải lên TP.HCM tìm việc. Ban đầu Ngân làm ở xí nghiệp may nhưng do tăng ca nhiều quá, lương lại thấp nên chỉ gắng gượng được bốn tháng. “Làm công nhân em không chịu nổi nên từ Tết đến giờ ra bán cà phê ở đây. Tuy nhiên, ở nhà vẫn cứ nghĩ em làm công nhân may”, Ngân tâm sự.

 

Xem thêm
Chi cục Kiểm ngư Vùng V kịp thời cứu ngư dân trên biển

Một ngư dân gặp nạn giữa biển Tây Nam. Lực lượng kiểm ngư kịp thời ứng cứu. Hội Thủy sản Việt Nam đồng hành hỗ trợ, thêm điểm tựa cho hành trình bám biển.