Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 35 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích đất là hơn 12.514 ha; trong đó, 31 KCN đang hoạt động đã xây dựng hoàn thành nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế là 239.150 m3/ngày, tổng vốn đầu tư khoảng 2.527 tỷ đồng. Tổng lượng nước thải phát sinh tại 31 KCN đang hoạt động là hơn 147.430 m3/ngày.

Hiện nay, 28/28 KCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Nai theo dõi, giám sát. Ảnh: Tường Tú.
Trong đó, lượng nước thải của các doanh nghiệp thu gom đấu nối về các nhà máy xử lý nước thải tập trung là 121.130 m3/ngày, chiếm tỷ lệ 82,16%; lượng nước thải của các doanh nghiệp được cấp phép xả thải trực tiếp là 26.270 m3/ngày, chiếm tỷ lệ 17,82%; lượng nước thải còn lại của các doanh nghiệp chưa đấu nối khoảng 30 m3/ngày, chiếm tỷ lệ 0,02%. Về cơ bản, tất cả các KCN đang hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý nước thải cho các doanh nghiệp.
Tính đến ngày 31/12/2024, 28/28 KCN có đủ nước thải vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Nai theo dõi và giám sát, đạt tỷ lệ 100%. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã giao Sở Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp kế hoạch nâng cấp công trình xử lý nước thải đối với 8 KCN có nguồn xả thải vào sông Thị Vải.
Đến nay, 2 KCN (Dệt may Nhơn Trạch, Nhơn Trạch 5) đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đang xả nước thải ra sông Thị Vải, đạt cột A; 6 KCN (Gò Dầu, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Nhơn Trạch 2 - Lộc Khang, Nhơn Trạch 3 - giai đoạn 1 và giai đoạn 2 và Nhơn Trạch 6) đang thực hiện các thủ tục để đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo nước thải sau xử lý đạt cột A, thời gian hoàn thành trong năm 2025.
Đến cuối năm 2024, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có 5 cụm công nghiệp (CCN) được cấp quyết định thành lập CCN và được phê duyệt thủ tục đánh giá tác động môi trường, hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đang thu hút nhà đầu tư thứ cấp trong CCN; 15 CCN còn lại đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đất đai, môi trường, xây dựng, gồm: Thạnh Phú - Thiện Tân, Tân An, Thiện Tân, Vĩnh Tân, Tam An, Long Phước 1, Phước Bình, Hố Nai 3, Hưng Thịnh, Hưng Lộc, Quang Trung, Phú Vinh, Phú Túc, Dốc 47 và Long Giao.
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đã cơ bản kiểm soát lưu lượng và chất lượng nước thải từ các KCN và các nguồn thải lớn; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Còn đối với công tác quản lý bảo vệ môi trường tại các CCN, đến nay, hầu hết các CCN trên địa bàn tỉnh do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư, do vậy nguồn vốn còn hạn chế nên chưa triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng CCN, trong đó có hệ thống xử lý nước thải tập trung của CCN.
Trong thời gian tới, để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý bảo vệ môi trường, ngoài việc tiếp tục thực hiện các chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường; kiểm soát chặt môi trường tại các KCN, CCN và ngoài các KCN, CCN không để xảy ra sự cố môi trường; bảo vệ nguồn nước dưới đất và kiểm soát ô nhiễm nước sông Đồng Nai và các sông, hồ trên địa bàn tỉnh.