| Hotline: 0983.970.780

Diện tích hồ nước lớn nhất thế giới đang thu hẹp nghiêm trọng

Thứ Tư 02/07/2025 , 08:53 (GMT+7)

Mực nước biển Caspi (nằm giữa Nga ở bờ phía bắc và Iran ở bờ phía nam) đang giảm nhanh, đe dọa hệ sinh thái và đời sống cư dân ven biển.

Mực nước biển Caspi, biển nội địa lớn nhất thế giới, đang giảm sút nhanh chóng, khiến các nhà sinh thái học và người dân lo ngại về tương lai của hệ sinh thái và môi trường sống quanh khu vực.

Mực nước biển đang rút đi, có thể nhìn thấy bằng mắt thường”, nhận xét của nhà sinh thái học Adilbek Kozybakov, cư dân thành phố Aktau (Kazakhstan) đã gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng đáng lo ngại của biển Caspi.

Mực nước biển Caspi đã rút khoảng 100 mét. Ảnh: Agnieszka Pikulicka-Wilczewska.

Mực nước biển Caspi đã rút khoảng 100 mét. Ảnh: Agnieszka Pikulicka-Wilczewska.

Là cư dân ven biển từ nhỏ, ông Kozybakov chứng kiến những thay đổi rõ rệt từng ngày khi đường bờ biển ngày càng lùi xa. Trứng cá tầm - đặc sản một thời - không còn xuất hiện tại các cửa hàng ở thành phố Aktau. “Cá tầm bị săn bắt đến gần tuyệt chủng, trong khi môi trường sống của chúng bị các công ty dầu mỏ làm ô nhiễm”, ông nói.

Tình trạng này không còn là cảnh báo trong tương lai mà đang hiện hữu. Nước từ sông Volga, nguồn cung cấp chính cho biển Caspi, đang suy giảm do hệ thống đập, hồ chứa và khai thác nước quy mô lớn tại Nga. Trong khi đó, các mỏ dầu lớn tại Kazakhstan do doanh nghiệp nước ngoài vận hành tiếp tục gây áp lực lên môi trường mà không có sự giám sát minh bạch.

Hiện nay, các tổ chức xã hội dân sự tại Aktau, dẫn đầu bởi nhà sinh thái học Kozybakov, đang tích cực vận động chính quyền và người dân địa phương nâng cao nhận thức, đưa tiếng nói từ cơ sở lên cấp quốc gia. “Chúng tôi muốn chính phủ nhận ra rằng đây không chỉ là vấn đề của các nhà khoa học, mà của tất cả người dân”, ông Kozybakov nhấn mạnh.

Trước đó, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature vào tháng 4/2024, mực nước biển Caspi có thể giảm tới 18 mét và mất 34% diện tích bề mặt vào cuối thế kỷ này. Chỉ cần giảm 5-10 mét cũng đủ phá hủy các hệ sinh thái quan trọng, bao gồm môi trường sống của cá tầm đặc hữu và hải cẩu Caspi - những loài vốn đã suy yếu do đánh bắt quá mức và ô nhiễm.

Các chuyên gia cảnh báo nếu không có biện pháp khẩn cấp, biển Caspi hoàn toàn có thể đi vào “vết xe đổ” của biển Aral, từng là một trong những thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất thế giới trong thế kỷ 20 do việc khai thác quá mức nguồn nước từ các sông cung cấp cho nó, dẫn đến sự thu hẹp và ô nhiễm nghiêm trọng.

Tổng hợp từ Al Jazeera

Xem thêm
Mỹ chuẩn bị cho 'làn sóng nhiệt' đầu tiên trong mùa hè

Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ (NWS) cho biết, ngày 19/6 (giờ địa phương) đánh dấu đợt nắng nóng nghiêm trọng đầu tiền trong mùa hè năm 2025 của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất