
Theo báo cáo của ICCT, Mỹ chiếm tới 55% tổng lượng khí thải toàn cầu từ máy bay phản lực tư nhân. Ảnh minh họa.
Lượng khí thải từ máy bay phản lực tư nhân đang tăng vọt trên toàn thế giới, trong đó Mỹ là quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất, chiếm tới 55% tổng lượng khí thải toàn cầu từ loại hình hàng không xa xỉ này. Đây là kết quả được công bố trong một báo cáo mới của Hội đồng Quốc tế về Giao thông vận tải sạch (ICCT).
Năm 2023, các chuyến bay tư nhân đã thải ra khoảng 19,5 triệu tấn khí nhà kính, tương đương lượng phát thải từ toàn bộ các chuyến bay thương mại xuất phát từ sân bay Heathrow (London), sân bay đông đúc nhất châu Âu. Các chuyến bay từ Mỹ chiếm đến 65% tổng số chuyến bay tư nhân toàn cầu.
Báo cáo cho thấy, Mỹ có mức sử dụng máy bay tư nhân cao vượt trội. Trung bình cứ 10.000 người ở Mỹ thì có gần 700 chuyến bay riêng mỗi năm, trong khi con số này ở Pháp hay Anh chỉ khoảng 100. Riêng hai bang Florida và Texas đã có ra hơn 543.000 chuyến bay, nhiều hơn cả toàn bộ Liên minh châu Âu cộng lại.
Máy bay phản lực tư nhân vốn chỉ chở rất ít người, nên lượng khí thải chia trên đầu hành khách cao gấp nhiều lần so với các chuyến bay thương mại thông thường. Dù vậy, các nỗ lực chính sách nhằm kiểm soát khí thải từ hàng không tư nhân vẫn còn rất hạn chế. Một dự luật được đề xuất năm 2023 nhằm tăng thuế nhiên liệu hàng không tư nhân gần gấp 9 lần, từ 0,22 USD lên 1,95 USD/gallon, đã không được đưa ra biểu quyết tại Quốc hội Mỹ.
"Nếu không có biện pháp mạnh mẽ hơn, lượng khí thải từ hàng không tư nhân sẽ tiếp tục tăng, góp phần làm biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nghiêm trọng, trong khi phần lớn các chuyến bay này chỉ phục vụ cho một nhóm rất nhỏ những người giàu có", các chuyên gia cảnh báo.