Đây là kết quả của một cuộc khảo sát của Ủy ban châu Âu. Theo đó, khảo sát cho thấy 81% công dân EU ủng hộ mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của khối và 77% tin rằng thiệt hại do biến đổi khí hậu không được kiểm soát sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc đầu tư cho quá trình chuyển đổi xanh.

38% người tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy bản thân đang trực tiếp đối mặt với các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu. Ảnh: Getty Images.
Ủy ban châu Âu đã công bố dữ liệu này chỉ hai ngày trước khi trình đề xuất về mục tiêu cắt giảm khí thải mới cho năm 2040, và coi đây là một "sự ủy nhiệm của người dân" để tiếp tục nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
"Người dân châu Âu đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng, họ quan tâm đến khí hậu, họ cảm nhận được những rủi ro, và họ tin vào hành động”, Phó Chủ tịch Ủy ban Teresa Ribera, phụ trách chuyển đổi năng lượng và công nghiệp của châu Âu cho biết.
"Thỏa thuận Xanh không phải là một mục tiêu trừu tượng, đó là con đường chung hướng đến một cuộc sống khỏe mạnh hơn, năng lượng ổn định hơn và một nền kinh tế phục vụ con người", bà Ribera, cựu Bộ trưởng Môi trường Tây Ban Nha, nói thêm.
"Cuộc khảo sát này khẳng định rằng người dân sẵn sàng tiến về phía trước và họ mong đợi chúng ta dẫn dắt bằng sự rõ ràng và tham vọng," bà nhấn mạnh.
Ông Dan Jørgensen, Ủy viên năng lượng và nhà ở của EU đến từ Đan Mạch, cho biết sự ủng hộ của công dân đối với năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và an ninh năng lượng "cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng".
Cuộc khảo sát cho thấy 88% người dân châu Âu cho rằng việc các nhà hoạch định chính sách có hành động thúc đẩy triển khai năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng là "rất quan trọng".
Tuy nhiên, người dân dường như không cho rằng các lựa chọn cá nhân của họ là yếu tố then chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thay vào đó, họ tin rằng các doanh nghiệp, chính phủ quốc gia và EU là những bên có vai trò tốt nhất để thực hiện các hành động thực chất.
Ngoài ra, khoảng một nửa số người được hỏi cho biết họ gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa tin tức đáng tin cậy và thông tin sai lệch về khí hậu trên mạng xã hội, với 52% nói rằng các phương tiện truyền thông truyền thống không cung cấp thông tin rõ ràng về chủ đề này.
Chỉ 38% người tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy bản thân đang trực tiếp đối mặt với các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu.