Ngành công nghiệp thịt đỏ của Australia vừa chính thức từ bỏ mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2030 - một cam kết từng được xem là tham vọng nhất trong lĩnh vực chăn nuôi toàn cầu. Tuy vậy, các bên liên quan khẳng định việc giảm phát thải vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Hiệp hội Thịt Australia (MLA) lần đầu công bố cam kết trung hòa carbon vào năm 2017, với mục tiêu giảm lượng khí nhà kính thải ra và bù đắp phần còn lại bằng cách hấp thụ carbon thông qua đất và thực vật.

Theo CSIRO, cơ quan khoa học - công nghệ của Chính phủ Australia, lượng phát thải từ ngành thịt đỏ đã giảm 78% vào năm 2021 so với năm 2005. Ảnh: The Nightly.
Tuy nhiên, trong tài liệu chiến lược dài hạn vừa công bố, MLA đã không còn đề cập đến mục tiêu này. Giám đốc điều hành Michael Crowley cho biết: “Chúng tôi cần thêm thời gian, sự hỗ trợ và đầu tư để đạt được mục tiêu. Dù không còn đặt mốc 2030, chúng tôi vẫn tiếp tục hướng đến việc giảm phát thải ròng”.
Trước đó, MLA cũng đã chính thức loại bỏ mục tiêu trung hòa carbon 2030 khỏi chiến lược phát triển của ngành.
Để đạt mục tiêu trung hòa carbon, ngành thịt đỏ Australia đã triển khai hàng loạt sáng kiến như: Lai tạo giống vật nuôi có mức phát thải khí metan thấp hơn; bổ sung rong biển vào thức ăn nhằm ức chế quá trình sinh khí metan trong ruột; tăng cường kỹ thuật hấp thụ carbon trong đất.
Dù vậy, kết quả vẫn còn hạn chế. Theo CSIRO, cơ quan khoa học - công nghệ của Chính phủ Australia, lượng phát thải từ ngành thịt đỏ đã giảm 78% vào năm 2021 so với năm 2005, nhưng chủ yếu do diện tích khai hoang giảm và số lượng gia súc thấp hơn, không phải do cải thiện hiệu suất phát thải trên mỗi con vật nuôi.
Australia là một trong những nước xuất khẩu thịt đỏ lớn nhất thế giới, trong đó có khoảng 70 triệu con cừu. Trong quá trình tiêu hóa, các động vật này sinh ra khí metan, loại khí nhà kính có khả năng giữ nhiệt mạnh hơn CO2 tới 80 lần trong vòng 20 năm.
Theo ông Crowley, dù mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030 đã ngoài tầm tay, nhưng những kết quả nghiên cứu trong thời gian qua đang dần được áp dụng vào thực tế. Nếu các giải pháp này được triển khai rộng rãi, ngành thịt đỏ Australia vẫn có thể đạt khoảng 80-90% mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030.
“Mục tiêu trung hòa carbon từng giúp ngành thu hút hơn 66 triệu USD đầu tư vào các dự án phát triển bền vững. Trong thời gian tới, MLA sẽ tiếp tục tập trung vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm lượng khí thải trên mỗi kg thịt”, ông Crowley cho biết thêm.