| Hotline: 0983.970.780

Mỹ và châu Âu ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục trong tháng 6

Thứ Tư 02/07/2025 , 06:09 (GMT+7)

Làn sóng nhiệt đang lan rộng ở Mỹ và châu Âu được các nhà khoa học xác định là tác động từ biến đổi khí hậu.

Làn sóng nhiệt nghiêm trọng đang được ghi nhận tại Mỹ và châu Âu. Trong đó, với Mỹ, từ khi bắt đầu mùa hè, nhiệt độ đang ngày một tăng cao, gần vượt mốc kỷ lục. Một số bang ở bờ Đông ghi nhận mức nhiệt cao nhất từng có trong tháng 6. Nhiệt độ về đêm cũng cao hơn thường lệ, làm gia tăng rủi ro sức khỏe do không có thời gian hồi phục giữa các ngày nắng nóng. Điều này đặc biệt nguy hiểm tại các đô thị do hiệu ứng đảo nhiệt khiến nhiệt độ ban đêm duy trì ở mức cao.

Cùng thời điểm, Tây Âu cũng ghi nhận các đợt nắng nóng bất thường, như tại Anh, nơi nhiệt độ tháng 6 lên tới 33 độ C, cao gấp 100 lần so với xác suất xảy ra trong thời kỳ trước biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn và gay gắt hơn. Độ ẩm cũng tăng tại nhiều khu vực, khiến cảm giác oi bức trầm trọng hơn và nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng ngày càng rõ rệt.

Làn sóng nhiệt đang ngày càng trầm trọng trên thế giới. Ảnh: USA Today. 

Làn sóng nhiệt đang ngày càng trầm trọng trên thế giới. Ảnh: USA Today. 

Bà Fredi Otto, nhà khoa học khí hậu thuộc dự án World Weather Attribution, cho biết: “Mỗi đợt nắng nóng hiện nay đều nóng hơn so với khi chưa có biến đổi khí hậu do con người gây ra”.

Theo bà, nếu không có khí nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch, nhiệt độ các đợt nắng nóng tại Mỹ và Anh hiện nay có thể thấp hơn tới 4-7 độ C.

Tình trạng Trái đất đã ấm lên khoảng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp là yếu tố góp phần khiến các làn sóng nhiệt ngày càng dữ dội.

Nghiên cứu khí hậu gần đây chỉ ra rằng nhiều đợt nắng nóng trong thập kỷ qua sẽ không thể xảy ra nếu không có tác động của khí hậu, hoặc xác suất xảy ra đã tăng lên hàng chục đến hàng trăm lần.

Tại Mỹ, nắng nóng trở thành hiện tượng thời tiết cực đoan gây tử vong nhiều nhất. Đợt nắng nóng đang diễn ra nguy hiểm vì xảy ra sớm hơn mọi năm và đạt mức cao điểm của mùa hè. Trong đó, khu vực ven bờ Đông từ Thủ đô Washington đến New York, nhiệt độ dự kiến vượt 38 độ C. Chỉ số nhiệt có thể lên tới 43 độ C hoặc hơn, khiến việc ở ngoài trời trong thời gian dài trở nên nguy hiểm. Việc nhiệt độ không giảm vào ban đêm càng gia tăng áp lực lên hệ thống y tế công cộng.

Ngoài ra, một số mô hình thời tiết toàn cầu đang cho thấy xu hướng xuất hiện đồng thời nhiều đợt nắng nóng trên các châu lục ngày càng phổ biến hơn trong mùa hè.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng các mô hình khí hậu hiện nay đang đánh giá thấp xu hướng nắng nóng cực đoan. Giáo sư Michael Mann, đến từ đại học Pennsylvania (Mỹ), cho rằng hiện tượng "vòm nhiệt" – vốn đang xảy ra thường xuyên hơn – ít khi được các mô hình dự báo chính xác. Điều này có nghĩa là mức độ nghiêm trọng của nắng nóng trong tương lai có thể lớn hơn nhiều so với dự đoán hiện tại.

Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu do con người gây ra đang để lại hậu quả rõ rệt: Hàng nghìn ca tử vong sớm, thiệt hại nông nghiệp, suy giảm năng suất lao động, cùng áp lực nặng nề lên cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái toàn cầu.

Tổng hợp từ CNN

Xem thêm
Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất