Các nhà khoa học Mỹ cảnh báo tình trạng mất cân bằng sinh thái đang diễn ra tại Vịnh Hōnaunau, Hawaii. Đây là điểm đến nổi tiếng trên thế giới dành cho những người yêu thích lặn biển.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí PLOS ONE vào tháng trước, mật độ nhím biển gia tăng đột biến do sự suy giảm của các loài cá săn mồi, những sinh vật vốn đóng vai trò giữ quần thể nhím ở mức ổn định. Nguyên nhân chính được cho là do hoạt động đánh bắt quá mức.

Nhím biển làm xói mòn rạn san hô. Ảnh: Kelly van Woesik.
San hô vùng Vịnh Hōnaunau sinh sản kém do chịu tác động từ nhiệt độ nước biển tăng và ô nhiễm nguồn nước. Theo đó, chúng dễ bị tổn thương hơn trước sự tàn phá của nhím biển.
Nhóm nghiên cứu của Đại học bang Arizona cho biết, tốc độ phát triển của rạn san hô hiện chậm hơn 30 lần so với cách đây 40 năm. Trong khi vào thập niên 1980, mức tăng trưởng trung bình lên đến 15 kg/m2 ở một số khu vực của Hawaii, thì hiện nay, rạn san hô ở Hōnaunau chỉ đạt khoảng 0,5 kg/m.
Nhím biển là loài động vật không xương sống nhỏ với lớp gai nhọn bao quanh cơ thể. Chúng có thể đóng vai trò tích cực khi giúp kiểm soát sự phát triển của tảo, loại thực vật làm giảm lượng oxy của san hô.
Tuy nhiên, khi số lượng nhím quá lớn, chúng trở thành mối đe dọa, gây xói mòn và làm tổn hại trực tiếp đến rạn san hô.
Sự suy giảm nghiêm trọng này không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, nơi các rạn san hô được ví như “rừng mưa nhiệt đới dưới lòng đại dương”. Mất đa dạng sinh học còn đe dọa đến vai trò thiết yếu của san hô trong việc bảo vệ bờ biển khỏi bão, giông lốc và hiện tượng xói mòn bờ biển.
Ông Kiho Kim - giáo sư khoa học môi trường của Đại học Washington - cho biết, khi rạn san hô bị đe dọa, hệ sinh thái cũng ngày càng mong manh. Suy giảm đa dạng sinh học có thể làm giảm khả năng cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái thiết yếu của rạn san hô bao gồm an ninh lương thực và lưu trữ carbon, ông nói với CNN.