Cam kết đánh thuế hàng không hạng sang được đưa ra ngày 30/6 tại Hội nghị phát triển của Liên hợp quốc tổ chức tại Seville, Tây Ban Nha, nhằm tạo nguồn lực tài chính mới cho hành động khí hậu và phát triển bền vững.
Việc đánh thuế đối với những lĩnh vực gây ô nhiễm cao, như hàng không hạng sang và máy bay tư nhân, được coi là một bước đi cần thiết để lấp khoảng trống tài chính cho các quốc gia đang phát triển trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thuế hàng không hạng sang là sáng kiến nhằm tạo thêm nguồn lực tài chính cho hành động khí hậu. Ảnh: businesstravelnewseurope.com.
Đây à một trong những kết quả đầu tiên trong khuôn khổ "Nền tảng Hành động Seville", được công bố ngay trong ngày khai mạc hội nghị, nhằm hiện thực hóa khung tài chính toàn cầu mới đã được thống nhất trước đó.
Theo tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, mục tiêu của sáng kiến là thúc đẩy một hệ thống thuế xanh, tiến bộ và hài hòa hơn, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế.
Theo đó, các quốc gia đang phát triển khác như Sierra Leone, Benin, Antigua và Barbuda, Somalia đã bày tỏ sự ủng hộ với sáng kiến trên. Ủy ban châu Âu và Nhóm công tác về các khoản thu đoàn kết toàn cầu (Global Solidarity Levies Task Force) cho biết sẽ cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để thực hiện nỗ lực đánh thuế hàng không này.
Ngoài thuế hàng không, nhóm công tác cũng đề xuất xem xét các nguồn thu tiềm năng khác như vận tải biển, dầu khí, tiền mã hóa và đánh thuế đối với giới siêu giàu. Những đề xuất này không phải hoàn toàn mới, nhưng theo Tổng thống Kenya William Ruto, vấn đề mấu chốt hiện nay là ý chí chính trị.
“Chúng ta không thể tiếp tục chỉ nói về thay đổi mà không hành động. Cả thế giới đang theo dõi và kỳ vọng vào những kết quả thực sự”, ông nói.
Tổ chức môi trường Greenpeace gọi cam kết đánh thuế hàng không hạng sang là một bước tiến quan trọng trong việc buộc những người sử dụng nhiều dịch vụ hàng không cao cấp – một lĩnh vực từ lâu ít bị đánh thuế – phải chịu trách nhiệm tài chính tương xứng với tác động họ gây ra. Bà Rebecca Newsom, đại diện Greenpeace, nhận định bước tiếp theo tất yếu là yêu cầu các tập đoàn dầu khí phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Sáng kiến thuế hàng không hạng sang được kỳ vọng sẽ không chỉ tạo nguồn tài chính mới cho các chương trình khí hậu và phát triển bền vững, mà còn góp phần định hình một hệ thống tài chính toàn cầu công bằng hơn, trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu ngày càng đe dọa nghiêm trọng tới tương lai chung của nhân loại.