| Hotline: 0983.970.780

Pháp gặp ‘khủng hoảng’ hàng không do bão, 1,300 chuyến bay hoãn, đổi hướng

Thứ Ba 13/05/2025 , 10:51 (GMT+7)

Các trận dông dữ dội cuối tuần qua đã biến sân bay Paris-Charles de Gaulle (CDG) thành điểm nóng hỗn loạn, khiến hơn 1.300 chuyến bay bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 Hàng loạt tia sét được ghi nhận trong suốt trận bão. Ảnh minh họa.

 Hàng loạt tia sét được ghi nhận trong suốt trận bão. Ảnh minh họa.

Hàng loạt khu vực từ bắc tới nam nước Pháp chịu thiệt hại nặng nề do mưa lớn, lũ lụt và mưa đá diễn ra liên tục trong dịp cuối tuần vừa qua.

Khu vực miền nam, đặc biệt là các vùng Occitanie và Nouvelle Aquitaine, hứng chịu các trận bão mạnh gây ngập úng nghiêm trọng và mưa đá dữ dội. Nhiều nơi ghi nhận lượng mưa lên tới 100 mm chỉ trong hai ngày, tương đương lượng mưa trung bình của hơn một tháng tại Pyrénées-Orientales.

Tại thủ đô Paris, dù bão không dữ dội như đầu tháng nhưng điều kiện thời tiết xấu vào tối 11/5 khiến khoảng 20 chuyến bay dự kiến hạ cánh xuống sân bay quốc tế Charles de Gaulle (Roissy) phải chuyển hướng. Các máy bay này phải hạ cánh xuống các sân bay khác như Paris Orly, Nantes, Lyon và thậm chí cả sân bay tại Bỉ. Một số máy bay phải quay trở lại điểm xuất phát để tránh nguy hiểm.

Theo TTW, các trận dông dữ dội cuối tuần qua đã biến sân bay Paris-Charles de Gaulle (CDG), cửa ngõ hàng không lớn thứ hai châu Âu, thành điểm nóng hỗn loạn, khiến hơn 1.300 chuyến bay bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Những cơn bão mạnh quét qua miền bắc nước Pháp cuối tuần vừa rồi đã bộc lộ rõ điểm yếu về hạ tầng của CDG, một trong những sân bay nhộn nhịp nhất châu Âu.

Phân tích dữ liệu thực địa cho thấy, sự kết hợp giữa thời tiết thất thường, quá tải vận hành và những thiếu sót hệ thống đã dẫn tới tình trạng khủng hoảng hàng không nghiêm trọng, không chỉ riêng tại CDG mà còn phản ánh lỗ hổng của hệ thống hàng không toàn châu lục.

Sự hỗn loạn bắt đầu xuất hiện khi các cụm mây bão hình thành vào chiều ngày 11/5. Tới chiều tối cùng ngày, những đám mây vũ tích gây ra tình trạng nhiễu động nghiêm trọng, buộc các máy bay không thể hạ cánh an toàn.

Hàng loạt chuyến bay từ châu Á, Bắc Mỹ và Trung Đông buộc phải bay vòng chờ đợi, chuyển hướng hoặc quay trở lại điểm xuất phát. Nhiều chuyến bay phải hạ cánh xuống các sân bay khác như Zurich, Geneva, Brussels, Lyon, Nantes và Lille. Với lượng chuyến bay trung bình mỗi ngày lên tới 1.300 lượt (600 lượt đến, 670 lượt đi), sân bay CDG không thể ứng phó kịp thời với tình trạng khẩn cấp.

Sân bay Paris-Charles de Gaulle (CDG) là cửa ngõ hàng không lớn thứ hai châu Âu. Ảnh: Getty. 

Sân bay Paris-Charles de Gaulle (CDG) là cửa ngõ hàng không lớn thứ hai châu Âu. Ảnh: Getty. 

Tình trạng ách tắc khiến các nhà ga 2E và 2F rơi vào cảnh hỗn loạn. Hành khách mắc kẹt tại sân bay phải đối mặt với các bảng thông tin ngừng cập nhật, thiếu giao tiếp từ phía các hãng hàng không và những hàng dài tại quầy hỗ trợ. Khách sạn quanh các sân bay phụ nhanh chóng hết phòng, dịch vụ cho thuê xe cũng không đáp ứng đủ nhu cầu.

Các hãng hàng không lớn như Air France, Lufthansa, British Airways và một số hãng hàng không châu Á, vùng Vịnh phải triển khai các biện pháp chuyển hướng khẩn cấp. Nhiều hãng không đủ nhân lực dự phòng để xử lý tình trạng trì hoãn kéo dài, dẫn đến các chuyến bay tiếp tục bị hoãn hoặc hủy vào ngày hôm sau.

Theo các chuyên gia, dù cơn bão dữ dội nhưng tầm nhìn vẫn duy trì ở mức hơn 3km trong phần lớn thời gian. Nguyên nhân thật sự của cuộc khủng hoảng là do CDG được thiết kế chủ yếu cho hiệu suất hoạt động cao nhưng không đủ linh hoạt để ứng phó khi xảy ra các biến động dù nhỏ.

Dữ liệu từ cơ quan kiểm soát không lưu Eurocontrol cho thấy, tình trạng trì hoãn tại CDG nhanh chóng lan sang Amsterdam Schiphol, Frankfurt, Milan và Heathrow. Các ga tàu cao tốc tại Zurich và Brussels cũng chứng kiến lượng lớn hành khách chuyển sang phương tiện đường bộ để cố gắng về Paris. Một số du khách phải mất thêm 12-18 tiếng mới tới được điểm đến của họ.

Ngành du lịch Pháp lập tức chịu tác động nghiêm trọng, đặc biệt vào đúng mùa du lịch cao điểm mùa xuân. Các chuyên gia cảnh báo rằng những yêu cầu bồi thường bảo hiểm phát sinh từ sự kiện thời tiết này có thể lên tới hàng chục triệu euro.

(Theo TTW, Connexionfrance)

Xem thêm
Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Cần có hành động thực chất để bảo tồn biển

Đây là ý kiến của các đại biểu tham gia tại Hội nghị Đại dương của chúng ta (OOC) lần thứ 10 vừa diễn ra tại Busan, Hàn Quốc.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.