Hạ tầng đi trước, đô thị theo sau
Về quận An Dương hôm nay, rất dễ dàng để nhìn thấy sự đổi thay đến ngỡ ngàng trong từng góc phố, đường làng và sự đan xen giữa cái “chất” làng quê, cái tình người ấm áp vẫn còn đó, quyện hòa trong nhịp sống hiện đại. Từ những xã thuần nông, nay đã là những phường đô thị sầm uất. Đây chính là nét đặc trưng của An Dương, nơi chương trình NTM đã làm tốt vai trò "bà đỡ" cho quá trình đô thị hóa.

Một góc trung tâm phường An Đồng, quận An Dương hôm nay. Ảnh: Đinh Mười.
Thực vậy, An Dương đã sớm xác định NTM không chỉ là đích đến mà còn là điểm tựa. Trước khi chính thức khoác lên mình “chiếc áo quận”, 100% các xã của huyện An Dương cũ đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu NTM nâng cao, nhiều xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đây chính là “vốn liếng” quý báu về hạ tầng, kinh tế và cả niềm tin của người dân.
Theo ông Lê Văn Cường – Phó Chủ tịch UBND quận An Dương: “Đô thị hóa An Dương là một quá trình có lộ trình, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Chúng tôi không xem nhẹ vai trò của NTM. Ngược lại, các tiêu chí NTM kiểu mẫu như giao thông, môi trường, văn hóa đã được định hướng bám sát các tiêu chuẩn đô thị. Nhờ vậy, việc nâng cấp, đầu tư khi lên quận diễn ra rất thuận lợi, tránh được sự manh mún, chắp vá”.
“Điện, đường, trường, trạm” – những trụ cột của NTM – nay đã được nâng cấp, khoác lên mình vóc dáng đô thị ở An Dương. Hệ thống giao thông là minh chứng rõ nét nhất. Các tuyến đường trục chính của quận, đường liên phường (trước là đường huyện, liên xã) không chỉ được mở rộng mà còn được đầu tư đồng bộ vỉa hè, cây xanh, hệ thống chiếu sáng thông minh.
Đơn cử như tuyến đường huyết mạch nối trung tâm quận với Khu công nghiệp Tràng Duệ, đi qua các phường An Đồng, Đồng Thái. Trước kia, đây là "điểm nóng" về ùn tắc giao thông, nay đã trở thành một đại lộ khang trang, hai bên là những dãy nhà phố thương mại, dịch vụ sầm uất.

Đường ngõ được rải nhựa, rộng 5 mét khang trang, sạch đẹp, có điện chiếu sáng tại phường Đồng Thái. Ảnh: Đinh Mười.
Anh Lê Văn Thành, một tài xế xe container thường xuyên qua lại tuyến đường này, cho biết: “Trước đây, mỗi lần qua An Dương là ngán ngẩm vì tắc đường. Giờ thì khác hẳn, đường rộng, đẹp, đi lại nhanh chóng, an toàn. Việc này không chỉ giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn góp phần thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp”.
Không chỉ các trục đường lớn, ngay cả những “ngõ nhỏ, đường làng” xưa kia cũng được chỉnh trang, nâng cấp. Theo số liệu từ UBND quận An Dương, hơn 90% các tuyến đường nội thị, liên khu dân cư đã được đầu tư theo tiêu chuẩn đô thị, với hệ thống thoát nước và chiếu sáng đảm bảo.
Bà Nguyễn Thị Hà, một người dân trú tại phường An Đồng, bồi hồi nhớ lại: “Mươi năm trước, nói An Đồng lên phố, chắc ít ai dám tin. Đường thì nhỏ, điện thì yếu, mưa xuống là bì bõm. Nhưng từ khi có NTM, rồi NTM kiểu mẫu, mọi thứ đổi khác hẳn. Đường được mở rộng, bê tông hóa, điện sáng trưng. Đến khi xã chính thức lên phường, quận được thành lập, thì tốc độ phát triển càng chóng mặt. Giờ đây, con cháu chúng tôi được hưởng cuộc sống tiện nghi hơn, nhưng vẫn giữ được cái nếp làng, tình xóm”.
"Phố trong làng, làng trong phố"
Song hành với giao thông, hạ tầng cấp thoát nước và vệ sinh môi trường cũng được quận đặc biệt quan tâm. 100% hộ dân trên địa bàn quận được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đô thị. Các "điểm đen" về ngập úng tại các phường như An Đồng, Hồng Thái từng bước được giải quyết nhờ các dự án cải tạo hệ thống thoát nước.

Một góc trung tâm quận An Dương. Ảnh: Đinh Mười.
Công tác thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt được triển khai bài bản, với tỷ lệ thu gom đạt trên 98%. Đặc biệt, các mô hình phân loại rác tại nguồn, vốn là một sáng kiến hiệu quả từ thời NTM, tiếp tục được duy trì và nhân rộng, góp phần xây dựng một An Dương xanh – sạch – đẹp.
Các thiết chế giáo dục, y tế, văn hóa cũng được đầu tư mạnh mẽ, các trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở được đầu tư, xây mới, hiện đại theo tiêu chuẩn. Trung tâm Y tế quận và trạm y tế các phường được nâng cấp trang thiết bị, nâng cao chất lượng phục vụ.
Bên cạnh đó, các không gian công cộng, khu vui chơi, luyện tập thể thao được quy hoạch, xây dựng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân đô thị. Sự đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng đã tạo đòn bẩy cho kinh tế - xã hội An Dương phát triển mạnh mẽ. Thu nhập bình quân đầu người của quận đến tháng 5/2025 ước tính vượt mốc 95-100 triệu đồng/người/năm. Điều đáng mừng là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đã không còn.

Sản phẩm OCOP Đông trùng hạ thảo của huyện An Dương có giá trị kinh tế cao trên thị trường. Ảnh: Đinh Mười.
Bà Nguyễn Thị Lan, chủ một cửa hàng tạp hóa tại phường Đồng Thái, vui vẻ chia sẻ: “Từ khi xã lên phường, đường sá mở mang, dân cư đông đúc hơn, việc buôn bán của gia đình tôi cũng khấm khá hơn nhiều. Con cái đi học gần, trường lớp đẹp, chúng tôi rất phấn khởi”.
Quá trình “làng lên phố” cũng mang đến những đổi thay tích cực trong nhận thức và nếp sống của người dân. Họ dần hình thành ý thức của công dân đô thị: giữ gìn vệ sinh chung, tham gia giao thông có văn hóa, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Các phong trào văn hóa, thể thao cũng phát triển mạnh mẽ, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân.
Theo số liệu của Phòng Kinh tế quận An Dương, hiện trên địa bàn quận có hàng chục mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung vào các sản phẩm có giá trị kinh tế lớn như hoa lan, hoa ly, nấm, rau quả chất lượng cao. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích có thể đạt từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Chương trình NTM đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật, kết nối thị trường, tạo điều kiện cho các mô hình này phát triển.