
Những rừng thông đã gắn bó với người dân Mù Cang Chải hơn nửa thế kỷ. Ảnh: Thanh Tiến.
Che chở người dân trước thiên tai và cung cấp nguồn nước
Vượt qua những cung đường đèo quanh co, đặt chân đến Mù Cang Chải, chúng tôi không chỉ choáng ngợp trước vẻ đẹp kỳ vĩ của núi non trùng điệp, những thửa ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp mà còn bị thu hút bởi màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng thông trải dài trên khắp các sườn núi.
Theo số liệu của Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái diện tích rừng thông trên địa bàn huyện có hơn 18.760ha, phân bố ở tất cả 14 xã, thị trấn. Trong đó, tập trung chủ yếu tại các xã Mồ Dề, Nậm Có, Dế Xu Phình, Nậm Khắt, Púng Luông... Rừng thông được trồng từ những năm 70 của thế kỷ trước, qua năm tháng đã lặng lẽ đồng hành cùng người dân nơi đây suốt hơn nửa thế kỷ. Những đồi thông không chỉ mang giá trị kinh tế từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ đất đai, nguồn nước và che trở cho người dân trong những mùa thiên tai.
Những ngày giữa tháng 4, thời tiết ở Mù Cang Chải còn se lạnh, chúng tôi cùng những cán bộ của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện đi tuần rừng trên những chiếc xe máy. Nhọc nhằn vượt qua những con đường bê tông dốc đứng, rồi len lỏi qua những đoạn đường rừng gập ghềnh đầy những tảng đá lớn. Chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến và chạm vào những cây thông cao vút đến vài chục mét, thân cây thẳng tắp vươn lên mạnh mẽ trên những triền núi.

Ở vùng đất này, chỉ có cây thông sinh trưởng và phát triển mạnh nhất. Ảnh: Thanh Tiến.
Theo anh Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải, diện tích thông này được trồng từ những năm 70 của thế kỷ trước, giờ đây đã trở thành một phần không thể tách rời đối với cảnh quan và cuộc sống của người dân. Việc giao khoán bảo vệ rừng thông cho cộng đồng dân cư đã mang lại nguồn lợi từ dịch vụ môi trường rừng, góp phần cải thiện sinh kế để bà con gắn bó và bảo vệ rừng tốt hơn.
Vùng đất này có độ dốc lớn, khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nên chỉ có cây thông là sinh trưởng và phát triển tốt. Những diện tích rừng trồng gỗ lớn ở Mù Cang Chải chủ yếu là thông, còn lại là các cây rừng bản địa. Cây thông có hệ rễ bám sâu, thân thẳng, lá kim nên phát triển thành những quần thể bền vững. Nhờ đó, rừng thông đóng vai trò như một “lá chắn” vững chắc, chống lại xói mòn và sạt lở đất. Tán cây và thảm thực vật còn có khả năng giữ nước mưa, giảm thiểu nguy cơ lũ quét, đồng thời bổ sung nguồn nước ngầm quý giá cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của bà con.
Hơn thế nữa, những cánh rừng thông ở Mù Cang Chải còn là ngôi nhà chung của nhiều loài động thực vật, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và tạo cảnh quan thu hút khách du lịch khi đến khám phá vùng đất này.
Những cây thông lớn đang “rỉ máu”
Anh Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải Chia giãi bày với chúng tôi, cuộc sống của người Mông nơi đây còn nhiều khó khăn, nhiều hộ dân sống ở bìa rừng, thậm chí trong rừng, sinh kế phải dựa nhiều vào rừng. Thêm nữa, tập quán làm nương rẫy của bà con làm cho công tác quản lý, bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn. Việc sử dụng đất tại các thôn bản chưa thực sự tuân thủ quy hoạch, tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy vẫn thi thoảng còn diễn ra.

Một vết thương trên cây thông lớn vẫn đang "rỉ máu". Ảnh: Thanh Tiến.
Việc xâm lấn rừng, chặt cây tươi để lấy củi, khai thác nhựa thông, khai thác lâm sản trái phép tuy đã giảm mạnh nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng rừng.
Trong chuyến tuần rừng, chúng tôi chứng kiến một số cây thông có đường kính bằng cả thân người ôm vẫn đang “rỉ máu” bởi những vết cưa máy, nhiều cây bị băm chặt, khoét vỏ để lấy nhựa, lấy củi.
Đáng lo ngại hơn, phương thức canh tác đốt nương nương rẫy vẫn còn phổ biến trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao, đặc biệt vào mùa khô. Chính vì vậy, công tác bảo vệ rừng của các lực lượng chức năng như Hạt kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Lực lượng mỏng, địa bàn quản lý rộng lớn là một thách thức không nhỏ. Thêm vào đó, cuộc sống khó khăn của một bộ phận đồng bào Mông sống ở bìa rừng, trong rừng khiến họ phải tìm kiếm sinh kế từ rừng, dẫn đến những tác động không mong muốn đến rừng.

Người dân khoét thân cây. Ảnh: Thanh Tiến.
Xử lí nghiêm các hành vi xâm hại rừng
Anh Vàng A Rùa, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải, chia sẻ: “để giảm thiểu tối đa việc mất rừng do người dân xâm lấn, công tác tuần rừng được chúng tôi phối hợp thực hiện thường xuyên để kịp thời phát hiện những trường hợp người dân vào rừng chặt củi hay phát nương xâm lấn đất rừng. Đặc biệt, trong mùa hanh khô, anh em tăng cường phối hợp cùng với cộng đồng các bản và tổ bảo vệ rừng tích cực hướng dẫn người dân các biện pháp đốt nương làm rẫy an toàn để tránh cháy lan như: đốt nương vào thời điểm không có gió, làm đường băng trắng, huy động nhiều hộ dân hỗ trợ lẫn nhau để kịp xử lí khi có tình huống, thực hiện đốt từ trên đỉnh đồi xuống dưới chân đồi…
Những cánh rừng thông cổ thụ là báu vật vô giá, không chỉ mang lại giá trị to lớn về môi trường, cảnh quan mà còn gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào nơi đây. Để bảo vệ hiệu quả, Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải đã và đang triển khai nhiều giải pháp như: tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ tại gốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng, đặc biệt là khai thác trái phép. Chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy rừng, xây dựng các phương án chi tiết, chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt trong mùa khô hanh, giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Các lực lượng chức năng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để bảo về những cánh rừng thông quý. Ảnh: Thanh Tiến.
Theo ông Nguyễn Xuân Dưỡng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải, song song với việc bảo vệ, việc phát triển rừng thông cũng được đặc biệt quan tâm. Đơn vị phối hợp với các cơ quan chuyên môn gieo ươm cây giống để trồng mới hàng năm. Đồng thời, đẩy mạnh khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên ở những khu vực có điều kiện, kết hợp với việc trồng bổ sung, trồng mới rừng thông tại các khu vực đất trống, đồi núi trọc đã được quy hoạch. Việc giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân, cộng đồng thôn bản cũng được chú trọng, gắn quyền lợi và trách nhiệm của người dân với việc giữ rừng, phát triển rừng.