Ngày 16/8/2019, UBND tỉnh Bắc Giang (cũ) nay tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 1362/QĐ-UBND, cho phép Công ty Cổ phần Mạnh Tuấn HD khai thác khoảng 4ha đất đồi tại khu vực Lương Rứa, thôn Lương Khoai, xã Nghĩa Phương (nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản san lấp của Công ty TNHH Khoáng sản Trung Bắc theo Quyết định số 493/QĐ – UBND ngày 01/4/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh). Mục đích được nêu rõ trong quyết định khai thác đất san lấp phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn huyện Lục Nam, Yên Dũng và TP Bắc Giang.

Hàng chục xe tải chở đất đồi nối đuôi nhau về khu bãi trung chuyển của Công ty TNHH Thương mại và khai thác khoáng sản Núi Huyền, bến thủy nội địa. Tại đây đất được đổ vào các tàu lớn có trọng tải khoảng 100 tấn. Ảnh: Việt Hà.
Tuy nhiên, phóng viên ghi nhận hoạt động vận chuyển đất diễn ra tấp nập, với hàng chục xe tải chở đất nối đuôi nhau về khu bãi trung chuyển của Công ty TNHH Thương mại và khai thác khoáng sản Núi Huyền, bến thủy nội địa nằm ngay tại xã Nghĩa Phương. Tại đây, đất được đổ vào các tàu lớn có trọng tải khoảng 100 tấn, mang biển kiểm soát BN1125, BN2259… Sau khi chất đầy, các tàu lập tức rời bến và di chuyển dọc theo sông Lục Nam, hướng thẳng về Hải Dương và Bắc Ninh.
Ông Nguyễn Văn An (tên nhân vật đã được thay đổi), một người làm nghề chài lưới trên sông Lục Nam, cho hay “Ngày nào tầm 16h–17h cũng thấy các đoàn tàu chở đất chạy qua. Họ từ trong xã Nghĩa Phương ra tới ngã ba sông thì dừng lại đợi giờ, rồi tầm 18h là đồng loạt chạy về hướng Hải Dương”.
Những hình ảnh, video do phóng viên thu thập cho thấy các hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết và bốc xếp diễn ra công khai, dường như đã tồn tại trong một thời gian dài. Trong khi đó, giấy phép khai thác của Công ty Mạnh Tuấn HD lại hoàn toàn không cho phép vận chuyển đất ra ngoài tỉnh. Đáng chú ý, theo thông tin từ chính quyền xã, giấy phép này sẽ hết hạn vào tháng 10/2025.

Tàu chở đất từ xã Nghĩa Phương ra tới ngã ba sông dừng lại đợi giờ, rồi tầm 18h là đồng loạt chạy về hướng Hải Dương. Ảnh: Việt Hà.
Ông Hoàng Đình Giang – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương cho biết, xã không thể kiểm soát được việc doanh nghiệp vận chuyển đất đi đâu. Chúng tôi chỉ có thể kiểm tra hợp đồng, hóa đơn sản xuất, còn tuyến vận chuyển đường sông thì phải do cảnh sát đường thủy kiểm tra.
Câu trả lời trên cho thấy một thực tế đang tồn tại ở nhiều địa phương chính quyền xã gần như “bất lực” trong kiểm soát khâu vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản một trong những mắt xích quan trọng để hạn chế thất thoát tài nguyên. Khi chỉ cần đưa đất từ mỏ ra bãi trung chuyển là có thể “hợp thức hóa” tuyến vận chuyển bằng đường sông, thì rõ ràng, giấy phép khai thác chỉ còn ý nghĩa... trên giấy.
Theo ông Giang, hiện chưa có chế tài cụ thể cho hành vi vận chuyển không đúng địa điểm, nhưng nếu phát hiện khai thác sai phạm, có thể thu hồi giấy phép. Sau khi xem hình ảnh, video clip do phóng viên cung cấp, ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương cho biết, sẽ chỉ đạo công an vào cuộc xác minh, làm rõ dấu hiệu vận chuyển khoáng sản trái phép ra khỏi địa phương.Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi: Vì sao tình trạng này đã kéo dài mà không bị phát hiện và trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai?