| Hotline: 0983.970.780

Đa dạng loại hình chăn nuôi cải thiện thu nhập đồng bào miền núi

Thứ Tư 31/05/2023 , 11:07 (GMT+7)

Huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh vốn có thế mạnh về rừng đồi, người dân nơi đây mở ra nhiều mô hình chăn nuôi để tạo ra các sản phẩm độc đáo của địa phương.

Anh Triệu Kim Vàng (áo trắng) trao đổi kỹ thuật nuôi dúi với cán bộ xã Đồn Đạc. Ảnh: Nguyễn Thành.

Anh Triệu Kim Vàng (áo trắng) trao đổi kỹ thuật nuôi dúi với cán bộ xã Đồn Đạc. Ảnh: Nguyễn Thành.

Thành lập hợp tác xã chăn nuôi dúi

Theo chân cán bộ xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, chúng tôi đến thôn Pắc Cáy, nơi có gần 100% người đồng bào dân tộc thiểu số với đa số là đồng bào Dao sinh sống.

Một thời, số hộ nghèo ở thôn Pắc Cáy rất đông, rừng núi bao la nhưng chỉ biết làm ruộng. Cán bộ xã Đồn Đạc dẫn chúng tôi đi tâm sự: "Chúng tôi mới thành lập HTX Chăn nuôi dúi xã Đồn Đạc trên cơ sở bà con tự nguyện bỏ đồng vốn của mình hoặc đi vay mượn để làm".

Anh Triệu Kim Vàng, thôn Nà Làng, xã Đồn Đạc, một trong những hộ tiên phong nuôi dúi ở thôn Pắc Cáy chia sẻ: "Dù là dúi nuôi, nhưng chúng vẫn ưa sống kiểu hoang dã nên tôi chọn nơi yên tĩnh gần với thiên nhiên để xây chuồng, tránh ồn ào tiếng xe cộ và đông người qua lại".

Được các xã viên phong là Giám đốc HTX Chăn nuôi dúi xã Đồn Đạc, anh Vàng cười tâm sự: "Vì HTX mới thành lập, vỏn vẹn 5 thành viên nên gọi giám đốc tôi thấy nó thế nào ấy."

Hiện cơ ngơi của HTX Đồn Đạc khoảng 5.000 con dúi, trong đó riêng gia trại của anh Vàng chiếm trên 60% với khoảng 3.000 con, các thành viên khác nuôi ít hơn, mỗi người vài trăm con.

Thời thiếu niên của anh Vàng gắn bó với núi rừng, anh thường hay đi săn dúi để bán cho các nhà hàng để cải thiện cuộc sống gia đình. Những lần đó, một số con dúi nhỏ quá các nhà hàng không mua anh Vàng mang về nhà nuôi. Thấy dúi nuôi có vẻ thích hợp với môi trường nuôi nhốt, ăn khỏe, chóng lớn nên anh Vàng bắt tay thử nghiệm nuôi theo hướng hàng hóa số lượng lớn.

Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới nên hệ thống giao thông ở Ba Chẽ đã tốt lên rất nhiều. Anh Vàng nhờ vậy có thêm điều kiện giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi với anh, em trong nghề tại nhiều địa phương. Anh nhận thấy thịt dúi là nguồn thức ăn bổ dưỡng được thực khách ưa chuộng, trong khi các khu rừng nguyên sinh là môi trường sống chính của dúi ngày càng thu hẹp.

Ngoài tự nhiên, dúi thường ăn thân cây tre, măng tre, cây đót nhưng khi nuôi anh Vàng cho chúng ăn thêm khoai sắn, chúng cũng thích nghi được ngay nên dúi rất béo. Anh Vàng nuôi dúi từ năm 2016, mãi đến 2019, anh mới có vốn để mở gia trại.

Hiện, anh Vàng có 2 trại dúi rộng khoảng 800m2 ở thôn Nà Làng. Nhờ thức ăn cho dúi anh Vàng cơ bản tự trồng được nên tiền bán dúi chỉ trừ chi phí nhân công và giống còn lại đều là lãi.

Năm 2022, anh Vàng bán được 600 con dúi thương phẩm, thu lãi được hơn 200 triệu đồng. Ảnh: Viết Cường.

Năm 2022, anh Vàng bán được 600 con dúi thương phẩm, thu lãi được hơn 200 triệu đồng. Ảnh: Viết Cường.

Anh Vàng nuôi chủ yếu là giống dúi mốc có lông màu xám đặc trưng. Dúi mốc có thân hình tròn trịa, mắt nhỏ, tai nhỏ. Dúi có sức đề kháng tốt nên ít bị bệnh, thức ăn của dúi rất dễ kiếm ở Ba Chẽ. Dúi mốc khi trưởng thành có thể nặng đến 3,5kg, giá bán 650.000 đồng/kg

Anh Vàng cho biết thêm, nuôi dúi rất thuận lợi ở xã Đồn Đạc vì hầu như mọi nhà đều có quỹ đất rộng nên việc mở một trang trại không tốn kém nhiều. Chuồng dúi đơn giản, được làm bằng gạch men, ngăn chia thành các ô riêng biệt.

Ở môi trường tự nhiên, dúi đào hang sống dưới lòng đất nên mát mẻ vào mùa hè, ấm về mùa đông. Do vậy, anh Vàng rất chú ý đến nhiệt độ, mùa hè anh Vàng có hệ thống quạt trần, mở cửa cho chuồng thoáng mát, mùa đông anh lắp thêm bóng sưởi, che chắn chuồng để tránh gió lùa vào. Ngoài ra, anh Vàng còn nghiên cứu thêm cách nuôi dúi trên mạng internet.

Đến nay, anh Triệu Kim Vàng trở thành ông chủ cung cấp dúi giống gốc cho nhiều hộ nuôi dúi ở xã Đồn Đạc và các xã khác của huyện Ba Chẽ. Dúi thương phẩm anh Vàng tiêu thụ các nhà hàng của xã Đồn Đạc và TP Hạ Long, Cẩm Phả... Năm 2022, anh Vàng bán được 600 con, thu lãi được hơn 200 triệu đồng.

Phát triển mô hình gà dược liệu

Cũng từ phát huy thế mạnh của rừng đồi, huyện Ba Chẽ đã đưa ra một mô hình khác độc đáo để giúp việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi được tốt hơn, đó là nuôi gà dược liệu.

Hiện, diện tích trồng cây dược liệu của Ba Chẽ hơn 300ha và dự báo tiếp tục tăng lên hàng năm. Các cây dược liệu chủ yếu là trà hoa vàng, ba kích, sâm cau, tía tô, kim ngân...

Cuối năm 2022, Hội Nông dân huyện Ba Chẽ đã nghiên cứu để cho ra đời sản phẩm mới cũng có nguồn gốc từ cây dược liệu để từ đó phát huy tốt hơn về cây dược liệu để đưa sản phẩm mới ra thị trường.

Hội nông dân huyện đã tiếp nhận hỗ trợ 32.500 con gà giống từ UBND TP Hạ Long theo chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo ở Ba Chẽ, góp phần đưa Ba Chẽ trở thành huyện nông thôn mới vào cuối năm 2022.

Số gà đã được chia hợp lý cho các hộ nghèo, cận nghèo để phát triển sản xuất. Hội nông dân còn chọn ra 10 hộ có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi ở thị trấn cùng các xã Đạp Thanh, Thanh Sơn, Đồn Đạc, mỗi hộ nhận 300 con gà giống thực hiện mô hình “Chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học dưới tán rừng trồng”.

Từ đó, Hội nông dân sẽ phối hợp cùng với một số tổ chức trên địa bàn xây dựng tiếp mô hình và thương hiệu “Gà đồi dược liệu”, thương hiệu mới ở Ba Chẽ. Sau đó, mô hình sẽ được phổ biến rộng rãi trong các hộ nông dân ở các xã thị trấn trên toàn huyện.

Gà đồi Ba Chẽ được uống nước nấu từ lá trà hoa vàng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Gà đồi Ba Chẽ được uống nước nấu từ lá trà hoa vàng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Anh Triệu Tắc Cắm, thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc được hỗ trợ 300 con gà giống. Anh Cắm lại tự bỏ tiền ra để mua thêm 1000 con gà giống nữa để nuôi thả trên diện tích rừng đồi rộng khoảng 5ha, trong đó chuồng nuôi của anh khoảng 200m2.

Trên các khu đồi, anh trồng các loại cây dược liệu như trà hoa vàng, tía tô, xả, kim ngân, sâm cau để cho gà ăn thay rau tươi. Ngoài việc để gà tự ăn các cây dược liệu trồng ngoài tự nhiên, anh Cắm còn nấu lá trà hoa vàng, cùng một số cây dược liệu khác, trộn vào thức ăn cho gà. Mô hình bước đầu thực hiện rất thuận lợi khi gà khỏe hơn bình thường, ít bệnh tật.

Anh Cắm cho biết: "Tôi đã xuất bán lứa gà nuôi dưới tán dược liệu đầu tiên, thịt gà rất thơm ngon nên rất nhiều đầu mối đã đặt hàng lứa tiếp theo."

Anh Đàm Văn Triệu, thôn Khe Loọng Ngoài, xã Thanh Sơn trồng 2,5ha trà hoa vàng và ba kích. Trên diện tích trồng dược liệu, anh Triệu nuôi trên 1.000 con gà giống Tiên Yên. Hàng năm, anh Triệu nuôi 2 lứa, bán gà thương phẩm vào dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch. Gà anh Triệu nuôi không đủ bán vào dịp tết, nhiều người gọi điện hẹn anh từ vài tháng trước tết, đem lại nguồn thu không nhỏ cho anh Triệu dịp cuối năm.

Anh Triệu cho hay: "Tôi được biết cây trà hoa vàng có hàng trăm hoạt chất trong đó có nhiều hoạt chất quý giúp ngăn ngừa lão hóa, tốt cho tim mạch, huyết áp, tăng cường sức đề kháng dịch bệnh, khi trộn với thức ăn của gà giúp kháng bệnh tốt và thịt gà chất lượng hơn".

Bà Phạm Thị Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Ba Chẽ cho biết, các mô hình thí điểm chăn nuôi gà kết hợp bổ sung dược liệu phát triển rất thuận lợi, sản phẩm gà đồi dược liệu Ba Chẽ trong thời gian qua đã mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện đơn vị đang tiếp tục phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp để thực hiện các quy trình, thủ tục, từ đó, sớm hoàn thành thương hiệu "Gà đồi dược liệu Ba Chẽ".

Trên địa bàn huyện Ba Chẽ có khoảng 120.000 con gà thả đồi, trong đó khoảng 20.000 con được nuôi theo quy trình chăn nuôi gà đồi dược liệu. Giống gà được các hộ sử dụng để nuôi chủ yếu nhập từ Tiên Yên, một trong những giống gà nổi tiếng của khu vực miền đông tỉnh Quảng Ninh. Gà đồi dược liệu Ba Chẽ hiện nay được tiêu thụ tốt trong và ngoài huyện với giá 160.000 - 200.000 đồng/kg, cao hơn gà nuôi thả đồi thông thường.

Xem thêm
Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi từ cơ sở giết mổ

GIA LAI Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, ngành chức năng Gia Lai tăng cường phòng chống, đặc biệt là từ cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Trồng xen ca cao trong vườn dừa, lợi đôi đường

VĨNH LONG Mô hình này tận dụng hiệu quả diện tích, cải thiện hệ sinh thái đất, duy trì độ ẩm, giảm xói mòn rửa trôi, năng suất dừa cũng tăng so với trồng chuyên canh.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tiết kiếm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp vùi phân

SƠN LA Phương pháp bón vùi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền chống IUU

Vĩnh Long Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là trách nhiệm của ngư dân, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái rừng đặc dụng

Thái Nguyên Vườn quốc gia Ba Bể, Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ và Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc là những viên ngọc giữa đại ngàn đang dần được đánh thức.

Bình luận mới nhất