Tại Hội thảo “Cafe doanh nhân HUBA lần thứ 82" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức mới đây, các chuyên gia khách mời và nhiều doanh nghiệp đã cùng trao đổi về những tác động cũng như giải pháp ứng phó hiệu quả với những thách thức từ chính sách thương mại mới của Mỹ, đồng thời tận dụng cơ hội để phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động.
3 kịch bản với thuế quan của Mỹ
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việc Mỹ đang áp đặt các biện pháp thuế quan mới, có thể khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và gia tăng căng thẳng thương mại.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, đối với tình hình kinh tế hiện tại, Việt Nam đang chuẩn bị cho 3 tình huống có thể xảy ra sau khi hoàn thành đàm phán thuế quan với Mỹ.
Đầu tiên là kịch bản mức thuế đối ứng của Mỹ lên Việt Nam giảm xuống còn 20 - 25% so với mức thuế 46% ban đầu, xác suất xảy ra dự báo 60%. Phương án này có hiệu lực từ 9/7 và kéo dài một năm, sau đó đàm phán giảm mức thuế thấp hơn. Đối với kịch bản này, xuất khẩu có thể giảm 1,2 - 1,5% so với kịch bản thông thường, nguồn vốn FDI cũng giảm 3 - 5%, tăng trưởng GDP được dự báo là 6,5 - 7%.

Tại Hội thảo “Cafe doanh nhân HUBA lần thứ 82", các chuyên gia khách mời và nhiều doanh nghiệp đã cùng trao đổi về những tác động cũng như giải pháp ứng phó hiệu quả với thuế quan Mỹ. Ảnh: Phạm Anh.
Một kịch bản tích cực hơn là Việt Nam chỉ bị áp thuế 10% đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, tương tự với 126 quốc gia khác. Theo TS Cấn Văn Lực, xác suất để kịch bản này xảy ra chỉ 20%, nhưng nếu xảy ra, đây là một bức tranh khởi sắc, kỳ vọng thỏa thuận có thể đạt được với Mỹ. Theo đó, tình hình xuất khẩu và nguồn vốn FDI thực hiện đều không bị ảnh hưởng đáng kể, tăng trưởng GDP có thể đạt mức kỳ vọng là 7,5 - 8%, lạm phát kiểm soát tốt.
Kịch bản tiêu cực nhất là Mỹ giữ nguyên mức thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh, đối với mức thuế này, hàng Việt Nam có thể sẽ phải cạnh tranh với những quốc gia có mức thuế đối ứng thấp hơn, xuất khẩu sẽ giảm tới 5,5 - 6% so với kịch bản thông thường.
Điều này đặc biệt xảy ra với các ngành hàng như: máy vi tính, linh kiện và các thiết bị điện tử, hàng thủy sản, sản phẩm từ chất dẻo… Vốn FDI thực hiện được dự kiến sẽ giảm 6 - 8%, tăng trưởng GDP dừng ở mức 5,5 - 6%.
Tận dụng xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng
Sức ép từ rủi ro địa chính trị, bảo hộ thương mại, chi phí logistics và cạnh tranh hàng hóa nhập khẩu gia tăng buộc doanh nghiệp Việt phải thay đổi cách tiếp cận.
Theo TS Cấn Văn Lực, đây là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp Việt nâng cao nội lực, chuẩn hóa sản phẩm theo tiêu chuẩn toàn cầu, đa dạng hóa thị trường, thay vì lệ thuộc vào một quốc gia đơn lẻ, đồng thời doanh nghiệp Việt cũng cần linh hoạt trong ứng phó chính sách.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và đầu tư, mở rộng thị phần tại Mỹ hoặc các thị trường thay thế như ASEAN, Ấn Độ, châu Phi....
Đồng quan điểm với TS Cấn Văn Lực, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, ngoài việc mở rộng thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp nên tái định hướng đầu tư cho thị trường nội địa, vốn được xem là điểm tựa chiến lược trong giai đoạn nhiều biến động.
Riêng tại TP.HCM, ông An chỉ ra rằng, doanh nghiệp có đầy đủ lợi thế về dịch vụ tài chính, công nghệ, logistics và các khu công nghiệp phát triển. Thị trường nội địa không chỉ giúp ổn định đầu ra mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tối ưu chi phí và tăng trưởng dài hạn.
"Xanh hóa" và "số hóa" để bắt kịp xu hướng
Bên cạnh những tác động tiêu cực lên thị trường, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM cho rằng, việc Mỹ áp thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu sang Việt Nam cũng là một “hồi chuông cảnh tỉnh” về vấn đề minh bạch nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Các doanh nghiệp cần rà soát, điều chỉnh chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu để tăng khả năng chống chịu.

Ngành dệt may đang đặt mục tiêu tăng tỉ lệ sử dụng nguyên liệu nội địa từ khoảng 40% lên 60% để giảm thiểu các vấn đề về nguồn gốc xuất xứ, đồng thời tối ưu chi phí sản xuất. Ảnh: Minh Quang.
Theo ông Việt, Ngành dệt may đang đặt mục tiêu tăng tỉ lệ sử dụng nguyên liệu nội địa từ khoảng 40% lên 60% để giảm thiểu các vấn đề về nguồn gốc xuất xứ, đồng thời tối ưu chi phí sản xuất.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp nên tập trung vào "xanh hóa" và "số hóa" xây dựng chiến lược dài hạn với các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị), và đầu tư vào công nghệ mới để nâng cao hiệu quả và bền vững trong sản xuất.
Đồng thời doanh nghiệp cũng cần theo dõi sát sao diễn biến thuế quan, xây dựng kế hoạch chia sẻ chi phí với đối tác và phối hợp với cơ quan đại diện nước ngoài để đề xuất các chính sách hỗ trợ kịp thời. Các giải pháp này sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ vượt qua khó khăn mà còn phát triển bền vững trong giai đoạn 2025 - 2026.