Đến thời điểm hiện tại, Brazil - nước chủ nhà COP30 - vẫn chưa đưa ra mục tiêu nổi bật nào cho hội nghị, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới. Điều này khiến nhiều nhà hoạt động lo ngại COP30 có thể không đạt kết quả như kỳ vọng.
Quá trình chuẩn bị hiện đang vấp phải tranh cãi từ 3 châu lục. Bên cạnh đó, Mỹ từng là quốc gia dẫn đầu các nỗ lực chuyển đổi xanh, nhưng lại đang dần rút khỏi hợp tác toàn cầu về khí hậu, thương mại và y tế.

COP30 được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt cho nỗ lực hành động vì khí hậu của thế giới. Ảnh: Earth.org.
Trước đây, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva từng gây ấn tượng khi đề xuất tổ chức hội nghị tại Amazon. Nhưng đến này, những gì ông thể hiện lại khiến giới chuyên gia giảm bớt kỳ vọng. Hội nghị khí hậu tại Bonn (Đức), được ví là hội nghị tiền COP, cũng chứng kiến nhiều tranh cãi, đặc biệt về vấn đề tài chính.
Bà Claudio Angelo, đến từ tổ chức Climate Observatory nhận định: “Brazil là nhà đàm phán khí hậu khéo léo, nhưng chưa bao giờ bối cảnh quốc tế lại tồi tệ đến thế”.
Trong khi đó, bà Patricia Espinosa - cựu lãnh đạo khí hậu Liên hợp quốc - cho rằng: “COP30 phải phát đi thông điệp đoàn kết và hợp tác quốc tế. Nếu không, tất cả sẽ phải trả giá. Thất bại không phải là lựa chọn”.
Kết quả các hội nghị COP trước đây được đánh giá qua các thỏa thuận đạt được giữa gần 200 quốc gia. Nhưng lần này với COP30, bà Ana Toni - CEO COP30, cho biết hội nghị sẽ tập trung vào việc triển khai những gì đã thống nhất thay vì mục tiêu mới hào nhoáng.
Các kế hoạch khí hậu quốc gia nộp trước COP30 sẽ mang tính quyết định trong hội nghị lần này. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán cam kết này sẽ không đủ để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C, thậm chí là 2 độ C.
Điều đó làm dấy lên lo ngại cho các quốc đảo nhỏ, nhóm dễ tổn thương nhất trước khí hậu cực đoan.
Việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch sẽ tiếp tục là điểm gây tranh cãi. Theo đó, Brazil bị chỉ trích vì cấp phép khai thác dầu khí gần cửa sông Amazon ngay trong lúc đàm phán khí hậu đang diễn ra. Đồng thời, bảo vệ rừng Amazon vẫn là ưu tiên hàng đầu của nước chủ nhà.
Tuy nhiên, trưởng đoàn đàm phán COP29 Yalchin Rafiyev cho rằng: “Thay vì tăng thêm tham vọng, chúng ta nên tập trung gìn giữ những gì đã đạt được”.