| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội cho nông sản Việt chinh phục người tiêu dùng toàn cầu

Thứ Sáu 25/07/2025 , 15:34 (GMT+7)

TP.HCM Muốn xuất khẩu hiệu quả, nông sản Việt phải kể được câu chuyện sản phẩm phù hợp xu hướng, chạm đến nhu cầu và cảm xúc của người tiêu dùng quốc tế.

Tại "Hội nghị Bứt phá xuất khẩu 2025" do Amazon phối hợp cùng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức ngày 25/7, ông Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc Công ty DH Food cho biết, xuất khẩu là một bài toán cực khó, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là trong lĩnh vực nông sản Việt.

Ông Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc Công ty DH Food chia sẻ về hành trình đưa sản phẩm gia vị ra thế giới. Ảnh: Thanh Thủy.

Ông Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc Công ty DH Food chia sẻ về hành trình đưa sản phẩm gia vị ra thế giới. Ảnh: Thanh Thủy.

Theo ông Dũng, năm 2016, DH Food bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên ra thế giới. Khi ấy, để đưa nông sản Việt ra thị trường nước ngoài, lựa chọn gần như duy nhất là tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế. Mỗi chuyến đi tiêu tốn từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, chưa kể chi phí logistics, nhân sự, trưng bày… Dù kiên trì nhiều năm, doanh thu xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh số, một con số khiêm tốn so với công sức bỏ ra.

Bước ngoặt đến vào năm 2019, khi DH Food chính thức đưa các sản phẩm nông sản Việt lên Amazon. “Ban đầu gần như không có ai hướng dẫn, phải tự mày mò tất cả, nhưng chính nền tảng này đã mở ra một con đường khác. Không chỉ tiết kiệm chi phí, Amazon còn cho chúng tôi thấy đâu là sản phẩm phù hợp với từng thị trường, khẩu vị, bao bì, thậm chí cả tên gọi có ảnh hưởng lớn thế nào đến doanh số”, ông Dũng chia sẻ.

Để làm được điều này, doanh nghiệp phải xác định rõ điều cốt lõi: không phải sản phẩm tốt là đủ, mà phải là sản phẩm phù hợp, đúng khẩu vị, đúng thời điểm, đúng câu chuyện người tiêu dùng muốn nghe. Đặc biệt với nông sản Việt, đó không chỉ là thực phẩm, mà là văn hóa ẩm thực.

Người tiêu dùng tìm mua các sản phẩm cà phê hòa tan Việt Nam trên nền tảng thương mại điện tử Amazon. Ảnh: Hà Duyên.

Người tiêu dùng tìm mua các sản phẩm cà phê hòa tan Việt Nam trên nền tảng thương mại điện tử Amazon. Ảnh: Hà Duyên.

Câu chuyện ấy chính là ẩm thực Việt, nơi phở, bún bò Huế, bún chả, bánh mì… đang ngày càng được biết đến trên toàn cầu. Và khi món ăn Việt được ưa chuộng, gia vị Việt đi kèm trở thành thứ “được tìm kiếm”. “Chúng tôi không chỉ bán muối tôm hay mắm tỏi, mà là bán một phần của ẩm thực Việt Nam. Người tiêu dùng tò mò về phở, thì sẽ tìm mua gói gia vị nấu phở. Đó chính là cách để nông sản Việt, đặc biệt là nhóm có giá trị gia tăng, thâm nhập vào căn bếp của người tiêu dùng quốc tế,” ông Dũng nói.

Không chỉ DH Food, thực tế nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực nông sản Việt, từ gia vị, thực phẩm chế biến, trà, cà phê cho đến đồ uống lên men cũng đang tận dụng thương mại điện tử xuyên biên giới để mở rộng thị trường. Amazon được xem là một trong những nền tảng “cửa ngõ” giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ rút ngắn khoảng cách đến khách hàng toàn cầu.

Theo ông Trần Xuân Thủy - Giám đốc Amazon Global Selling miền Nam, để thành công trên nền tảng này, doanh nghiệp cần nắm vững “tam giác thành công” gồm khách hàng - sản phẩm - thương hiệu. Tức là phải hiểu được người tiêu dùng cần gì, phát triển sản phẩm phù hợp và kể câu chuyện thương hiệu một cách nhất quán, hấp dẫn.

“Người tiêu dùng Mỹ chẳng hạn, họ có thói quen mua hàng rất nhanh và kỳ vọng thời gian giao hàng cực ngắn. Doanh nghiệp Việt, đặc biệt là nhóm làm nông sản, phải thiết kế mô hình chuỗi cung ứng phù hợp để đáp ứng điều đó. Đồng thời, cần tận dụng các công cụ dữ liệu do Amazon cung cấp để phân tích xu hướng, điều chỉnh sản phẩm và phát triển thương hiệu,” ông Thủy cho biết.

Điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang thích nghi nhanh với mô hình này. Bà Dương Minh Tuệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ TP.HCM (HAWA) nhìn nhận, nếu muốn bứt phá trong giai đoạn hiện nay, không cách nào hiệu quả hơn việc tận dụng kênh thương mại điện tử để tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng toàn cầu. Bà đặc biệt nhấn mạnh rằng thế hệ kế thừa của các doanh nghiệp nông sản Việt đang có lợi thế lớn nhờ kỹ năng ngoại ngữ, hiểu biết công nghệ và tư duy xây dựng thương hiệu toàn cầu.

“Với ngành nông sản Việt, đặc biệt là nhóm có hàm lượng chế biến như gia vị, thực phẩm đóng gói, đồ uống lên men, trà, cà phê… thì đây chính là thời điểm vàng để tận dụng nền tảng số. Không chỉ tiết kiệm chi phí, thương mại điện tử còn giúp doanh nghiệp nhỏ “đi tắt đón đầu”, nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới, kể câu chuyện sản phẩm một cách sáng tạo và có chiều sâu hơn” bà Tuệ nói.

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng và phát triển bền vững của nông sản Việt trên thị trường quốc tế. Ông cho biết, chương trình hợp tác chiến lược giữa Bộ Công Thương và Amazon giai đoạn 2025 - 2027 sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập gian hàng, đào tạo, tối ưu vận hành và mở rộng thương hiệu nông sản Việt trên quy mô toàn cầu.

Xem thêm
Hơn 80 nông sản Hoa Kỳ sẵn sàng chinh phục người tiêu dùng Việt

Từ 23/7 đến 6/8, người tiêu dùng Việt có thể trải nghiệm mua sắm kết hợp khám phá ẩm thực Mỹ độc đáo ở siêu thị MM Mega Market Thăng Long.

Bảo hiểm thất nghiệp: Lợi ích kép cho người lao động và doanh nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là ‘bệ đỡ’ an sinh cho người lao động lúc mất việc mà còn hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khó khăn.

Mở tài khoản doanh nghiệp online với VietinBank eFAST

Chỉ vài phút trên điện thoại, doanh nghiệp đã sẵn sàng giao dịch với tài khoản thanh toán online (eKYC) từ VietinBank eFAST! Không cần hồ sơ giấy, không cần đến quầy, VietinBank mang đến trải nghiệm ngân hàng số hiện đại dành cho doanh nghiệp.

[Bài 5]: Gợi mở cho kinh tế tư nhân Việt Nam

Bên cạnh chính sách, nền nông nghiệp của một số quốc gia đã cất cánh nhờ biết đặt doanh nghiệp tư nhân làm hạt nhân kiến tạo chuỗi giá trị.

Thu thuế thương mại điện tử tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2024

5 tháng đầu năm, thuế thu từ kinh tế số đạt gần 75.000 tỷ đồng, mức cao kỷ lục, phản ánh chuyển động mạnh trong giám sát dòng tiền trực tuyến.

Chuyển khoản bị treo 30 phút, ngân hàng phải báo cáo

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Dự thảo sửa đổi Thông tư 15/2024/TT-NHNN.

Bình luận mới nhất