Chia sẻ tại tọa đàm “Không gian phát triển TP.HCM - Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ” do Sở Công Thương TP.HCM và Báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 11/7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, TP.HCM (mới) có tổng diện tích hơn 6.700 km², dân số trên 14 triệu người tương đương Tokyo và vượt Jakarta. Đây là thị trường tiêu dùng nội địa khổng lồ, với nhu cầu đặc biệt cao đối với nhóm hàng thiết yếu, thực phẩm và nông sản chế biến.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hà Duyên.
Theo ông Lê Hoàng Long - Giám đốc khối bán lẻ Công ty NielsenIQ Việt Nam, TP.HCM hiện là thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn nhất cả nước, với mức chi tiêu vượt xa Hà Nội. Khi cộng thêm sức mua từ hai địa phương mới sáp nhập, thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm sẽ có sự phân hóa cao, cả về hành vi tiêu dùng, phân khúc thu nhập và loại hình kênh mua sắm. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ nếu muốn hiện diện lâu dài trong hệ sinh thái bán lẻ tại siêu đô thị.
Tuy nhiên, phần lớn nông sản Việt hiện vẫn tiêu thụ qua các kênh truyền thống như chợ đầu mối, thương lái hoặc chuỗi cung ứng ngắn. Trong khi đó, hành vi tiêu dùng tại TP.HCM đang thay đổi mạnh theo hướng ưu tiên sản phẩm có thương hiệu, mã truy xuất nguồn gốc, bao bì chỉn chu, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh và dễ tiếp cận qua thương mại điện tử, chuỗi cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị hiện đại.

Ông Lê Hoàng Long - Giám đốc khối bán lẻ Công ty NielsenIQ Việt Nam chia sẻ về thị trường tiêu dùng của siêu đô thị TP.HCM. Ảnh: Quang Định.
Một trong những điểm nghẽn nổi bật được đưa ra là năng lực chuyển đổi số và kết nối thị trường của các tiểu thương, hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ. Ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập Công ty MoMo chia sẻ, kết quả khảo sát tại hơn 200 điểm bán hàng thực phẩm, cho thấy phần lớn chưa sử dụng phần mềm quản lý, chưa có hóa đơn điện tử, chưa chấp nhận thanh toán số và thiếu công cụ quản lý tồn kho. Nếu không được hỗ trợ nâng cấp, các đơn vị bán lẻ nhỏ - vốn là nơi tiêu thụ chính của nông sản sẽ khó có thể tham gia chuỗi bán lẻ hiện đại.
Để tháo gỡ, ông Diệp đề xuất triển khai mô hình “chợ truyền thống số hóa”, hỗ trợ phần mềm bán hàng miễn phí, nền tảng thanh toán điện tử và công cụ marketing trực tuyến cho tiểu thương và hợp tác xã. Đây là bước đi quan trọng nhằm giúp nông sản Việt đi vào chuỗi giá trị tiêu dùng tại đô thị, thay vì đứng ngoài cuộc chơi bán lẻ hiện đại.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Hà Duyên.
Về phía cơ quan quản lý, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, TP.HCM đang tập trung phát triển các cụm trung tâm mua sắm – hậu cần – chợ đầu mối – logistics tại khu vực ven đô như Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, kết nối với các tuyến vành đai, cảng biển để tạo điều kiện cho nông sản vào thành phố nhanh và ổn định hơn.
Bên cạnh đó, cần có những trung tâm sơ chế và kiểm định chất lượng nông sản đạt chuẩn ngay tại các cửa ngõ đô thị. Những trung tâm này vừa là điểm gom hàng, vừa giúp chuẩn hóa truy xuất nguồn gốc, đóng gói, đáp ứng điều kiện kỹ thuật để nông sản vào được siêu thị và chuỗi cửa hàng lớn.
Đồng quan điểm, ông Trương Tấn Lộc - Phó Chủ tịch Hiệp hội logistics TP.HCM nhấn mạnh, cần tạo ra một cơ chế kết nối logistics vùng bằng công nghệ hiện đại, hướng đến chuẩn mực như Singapore hay Hồng Kông. Theo ông Lộc, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng ở Bình Dương và các cảng tại TP.HCM cần được vận hành như một thể thống nhất, nhằm phát huy tối đa năng lực trung chuyển hàng hóa.
“Chắc chắn TP.HCM phải là cụm cảng trung chuyển quốc tế. Cái Mép – Thị Vải, Cần Giờ và các cảng khác phải được kết nối chặt chẽ hơn nữa”, ông Lộc nhấn mạnh.
Ông Lộc cũng lưu ý rằng, nếu đẩy mạnh kết nối đường thủy giữa ba địa phương sáp nhập, sẽ tạo ra một lợi thế hiếm có mà không quốc gia nào sở hữu. Do đó, việc đầu tư hệ thống sông ngoài, bến thủy nội địa, sà lan lớn là rất cấp thiết – vừa để giảm áp lực cho giao thông đường bộ, vừa mở ra tuyến logistics xanh, bền vững và phục vụ trực tiếp cho chuỗi cung ứng nông sản vào đô thị. Hiện nay sà lan, bến thủy nội địa chưa theo kịp vận chuyển. Khi tiêu dùng sắp tới tăng mạnh, nếu hạ tầng thủy được khai thác hiệu quả, sẽ tạo lợi thế lớn cho TP.HCM và cả chuỗi cung ứng hàng hóa toàn vùng.