Trước tháng 4/2025, Mỹ vẫn là thị trường chủ lực của Công ty TNHH Cà Mèn Foods (Cà Mèn), trong khi Canada chỉ là điểm đến nhỏ, chủ yếu phục vụ đơn hàng cho cộng đồng người Việt. Tuy nhiên, khi thị trường Mỹ trở nên bấp bênh do các rào cản thương mại tăng dần, Cà Mèn buộc phải tìm hướng đi mới để không làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm cháo đóng gói thương hiệu Cà Mèn tại một siêu thị ở Toronto, Canada. Ảnh: Đôn Lê.
Theo ông Lê Trọng Đôn - Giám đốc công ty, quyết định chuyển hướng sang Canada không đơn thuần là né rủi ro mà là bước ngoặt mang tính chiến lược. Thay vì xuất khẩu nhỏ giọt, doanh nghiệp phối hợp với nhà phân phối bản địa, tổ chức chuỗi hoạt động dùng thử, hội chợ và trải nghiệm văn hóa Việt. “Người Việt bên đó đông, nhưng để họ chọn hàng Việt giữa vô vàn sản phẩm ngoại thì cần sự chân thành và một chút bản sắc”, ông Đôn chia sẻ.
Nhờ cách tiếp cận này, chỉ trong nửa đầu năm 2025, món cháo của Cà Mèn từng chỉ là sản phẩm “gửi tay” kiều bào đã vào thẳng 15 hệ thống siêu thị lớn tại Toronto và Montreal, nơi tập trung đông đảo cộng đồng gốc Việt. Số lượng tiêu thụ cũng đạt gần 30.000 gói, tăng gấp ba lần so với cả năm 2024. “Thị trường lạnh, người tiêu dùng cần sự tiện lợi và dinh dưỡng. Đó là cơ hội của chúng tôi”, ông Đôn nói, đồng thời cho biết đơn vị đặt mục tiêu năm 2025 đạt mốc 60.000 sản phẩm.
Không riêng gì Cà Mèn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khác cũng buộc phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, với những sản phẩm mật ong từng vào Mỹ, nay đối mặt với mức thuế chống bán phá giá lên tới 60%, cộng thêm mức thuế đối ứng mới khiến thị trường này trở nên kém hiệu quả. Để không bị ảnh hưởng dây chuyền, Xuân Nguyên chủ động mở rộng phân phối trong nước, tìm kiếm đơn hàng từ châu Âu và đồng thời tái cấu trúc sản phẩm theo hướng đa dạng hóa. “Chúng tôi không thể bỏ hết trứng vào một giỏ”, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ nhận định.
Theo ông Vũ, trong chuỗi sản xuất - cung ứng ngành mật ong, việc đảm bảo đầu ra thông suốt là yếu tố sống còn, bởi không thể đứng nhìn một thị trường bị tắc mà làm tắc luôn cả chuỗi. Như vậy sẽ không thể thu mua hết mật cho người nông dân.

Công nhân Công ty TNHH Tân Nhiên kiểm tra chất lượng bánh tráng tại xưởng sản xuất. Ảnh: Công ty TNHH Tân Nhiên.
Bên cạnh mở rộng thị trường, công ty còn phát triển các sản phẩm chế biến sâu như viên tinh nghệ mật ong, mật ong nghệ – giúp dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng mới và phù hợp hơn với các quy chuẩn của các nước phát triển. “Sản phẩm càng linh hoạt thì khả năng tiếp cận tệp khách hàng mới càng cao”, ông Vũ nói. Nhờ phản ứng nhanh và chủ động, doanh thu năm 2025 của Xuân Nguyên dự kiến vẫn tăng nhẹ, bất chấp đà giảm chung của thị trường.
Tương tự, Công ty TNHH Tân Nhiên cũng đang thay đổi chiến lược sang các thị trường từng được xem là “phụ” như Úc, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản... thay vì tập trung vào thị trường Mỹ. Với đà tăng trưởng xuất khẩu ổn định 10% mỗi năm, doanh nghiệp đang mở rộng đầu tư, phát triển thêm sản phẩm mới như bánh tráng rau củ để đáp ứng thị hiếu quốc tế. Mục tiêu năm 2025 là tăng doanh thu hơn 20%, mở rộng thêm ít nhất 5 thị trường - đặc biệt chú trọng các quốc gia có nhu cầu cao với thực phẩm châu Á, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Thực tế, các doanh nghiệp Việt đang ngày càng chủ động hơn trong việc tìm kiếm và xây dựng thị trường - không ngại điều chỉnh sản phẩm, thay đổi cách tiếp cận và học cách thích nghi với những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe từ bên ngoài.
Khảo sát gần đây của Ngân hàng UOB cho thấy 46% doanh nghiệp Việt lên kế hoạch mở rộng thị trường xuất khẩu trong năm tới, trong khi gần 70% hướng đến tăng cường thương mại nội khối ASEAN. Cùng với đó, chuyển đổi số (61%) và phát triển bền vững (56%) được xác định là hai trụ cột chiến lược. Nếu chuyển đổi số giúp tiết kiệm chi phí và tối ưu vận hành, thì phát triển bền vững, đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn ESG đang trở thành điều kiện bắt buộc để giữ chân và mở rộng đối tác quốc tế.
Ông Lim Dyi Chang - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp của Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, khả năng thích ứng chiến lược sẽ là yếu tố tạo nên sự khác biệt cho doanh nghiệp Việt trong bối cảnh đầy biến động hiện nay.
Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp tại Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cũng cho rằng, xuất khẩu Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào lợi thế chi phí rẻ hay “may mắn” từ các FTA. “Trong bối cảnh xung đột địa chính trị, xu hướng bảo hộ gia tăng, các rào cản phi thuế quan và tiêu chuẩn ESG ngày càng khắt khe, doanh nghiệp Việt cần chuyển từ gia công sang làm chủ sản phẩm, tăng tỷ lệ nội địa hóa và xây dựng thương hiệu quốc gia có giá trị thực”, ông nhấn mạnh.