| Hotline: 0983.970.780

Chợ Việt ở New Orleans

Thứ Năm 14/04/2016 , 13:30 (GMT+7)

Khi mặt trời chỉ mới ló rạng mỗi sáng thứ Bảy hằng tuần, chợ nông sản của người Việt ở một khu phía đông thành phố New Orleans đã lố nhố người. Không chỉ đến đây bán sản phẩm kiếm tiền, nhiều người Mỹ gốc Việt còn xem đây là cơ hội nói tiếng mẹ đẻ...

Tất nhiên cũng giống như các chợ nông sản khác, đây là nơi người bán người mua gặp nhau. Nhưng chợ nông sản người Việt còn hơn thế nữa: Họ gặp nhau còn vì cái họ gọi là tình đồng hương, không phải trên một miền quê khác của đất Việt, mà là những con người máu đỏ da vàng ăn nước mắm cùng sống nơi miền đất xa xôi cách nơi chôn nhau cắt rốn nửa vòng trái đất.

Người bán và người mua thường nhẵn mặt nhau. Mua bán là chuyện quan trọng, nhưng giao lưu gặp gỡ, hàn huyên còn quan trọng hơn rất nhiều.

Đã có nhiều người Mỹ bản địa cảm nhận, đến với phiên chợ của người gốc Việt như được thấy những tấm bưu thiếp về Việt Nam hiển hiện trong đời sống thực, như được du lịch nước ngoài, được đến một vùng đất khác, một miền văn hóa khác với đủ loại phong vị, từ mùi vị đến âm thanh và sâu hơn nữa là tâm hồn.

Các khu chợ của người gốc Việt, không giống bất kỳ chợ nào trên đất Mỹ: Rau cỏ, thịt thà bày ngay trên mặt đất, không khác gì các chợ chồm hỗm ở Việt Nam. Đó có thể là chỗ đậu xe của một khu chung cư tồi tàn ở ngoại ô, giống như bất cứ chung cư ngoại ô nào ở Mỹ. Nhưng đây là trái tim của cộng đồng người Việt địa phương mà người dân ở New Orleans gọi là Làng Đông, nơi tập trung khá đông cư dân Việt Nam, những người qua Mỹ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, sinh sống.

Họ có thể là cựu binh, là dân thường, thậm chí là những người từ bé đã làm nghề đánh cá, lớn lên rồi qua Mỹ vẫn giữ công việc chài lưới, giao du khép kín trong cộng đồng, tiếng Anh chỉ bập bẹ vài chữ, khác với con cái họ.

Cộng đồng người Việt chung sống hòa bình với những cư dân công nghiệp xung quanh, nơi chế biến gỗ, chỗ chế biến cà phê, thậm chí là cả những người làm trong nhà máy lắp ráp tên lửa Michoud phục vụ các chương trình của Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Mỹ, NASA.

Nhưng thứ cuốn hút mọi người đến với các khu chợ của người gốc Việt là những thứ không có gì to tát, rất “tiểu nông” trong một xã hội công nghiệp cấp độ cao.

Người gốc Việt bán đủ thứ rau cỏ nhưng tất cả đều có nguồn gốc từ mảnh vườn nhà và đều là những loại rau cỏ xuất xứ từ châu Á. Họ bán tôm cá đánh bắt từ vịnh Mexico, hoặc nguyên con, hoặc đã qua sơ chế, được chuyên chở đến chợ bằng xe lạnh. Họ cùng bày bán những loại quà vặt truyền thống của người Việt như nem rán hay bánh rán, được làm từ chính căn bếp nhà họ.

Người bản địa có lẽ đã thấy rất lạ khi chứng kiến mấy người châu Á mũi tẹt “mở cửa hàng” bằng cách trải trên mặt đất những tấm nylon, vải bạt và đổ đống sản phẩm rau củ quả của họ lên đó, thứ thì bó lại thành mớ, thứ để lộn xộn chờ người mua tự tay chọn lựa.

16-04-26_cho-viet-3
Rau ở chợ Việt

Rau ở chợ Việt phổ biến là cải xoong, cần nước, nhiều loại bắp cải, có những loại cải mà dân Tây mô tả là “cay như mù tạt”. Rau thơm thì có càng cua có thể dùng ăn sống, rau muống, thứ rau giống như cỏ dại nhưng xào với tỏi rất được “người Tây” ưa chuộng. Có loại rau “lạ” vừa cay vừa ngăm ngăm đắng ăn rất hợp với súp cá (canh cá) mà người Việt nào cũng biết là rau răm.

Rau thì the the mát mát, rau lại chua chua như vị chanh. Có thứ ngọt, có loại lại hăng và cay như hạt tiêu. Người Việt giới thiệu với khách Tây rằng những thứ rau này đều có vị thuốc, có tác dụng chữa bệnh, hạ sốt hoặc hỗ trợ tiêu hóa, cho dù ở chợ chồm hỗm này, không thấy ai dùng nhãn mác, lại càng không thấy ai sử dụng các phương pháp “tiếp thị” như trong các chợ, siêu thị của người Mỹ.

Chợ nông sản của người gốc Việt thường chỉ diễn ra chóng vánh, từ lúc rạng đông tới khoảng 9 giờ sáng là tan, nhưng nhiều người bán hàng chỉ mới 7 giờ sáng đã gói ghém dọn hàng về vì buôn may bán đắt. Đàn bà đi bộ cầm ô, đàn ông chầm chậm dong xe đạp tới chợ, ai cũng mang theo lỉnh kỉnh túi nylon chứa đầy rau cỏ nhiệt đới. Sau 9 giờ sáng, khu chợ biến mất và trở về đúng công năng của nó là chỗ đậu xe hơi.

Tuy nhiên, dấu ấn của người Việt ở New Orleans, thủ phủ của vùng đầm lầy Louisiana, Mỹ không chỉ có thể. Đó còn là những cửa hiệu, nhà hàng với những món ăn “không thể Việt hơn”.

Một tác giả người Mỹ viết trên tờ New York Times nói đã trở nên nghiện món phở Việt và cô bảo ăn phở ở New Orleans, dù cũng là nước phở, bánh và thịt bò, nhưng cô thấy “rất giống phở (ở Việt Nam) nhưng ngon hơn” (?). Đối với cô, đó có lẽ là một bí mật của New Orleans. Không biết lời cô đúng đến đâu, nhưng chỉ riêng việc cô dùng chữ “pho” (phở) thay vì nói chung chung như nhiều người Mỹ từng ăn phở là “mì và thịt bò kiểu Việt Nam”, cũng cho thấy cô trân trọng và yêu quý món phở Việt, đặc biệt là phở ở New Orleans như thế nào.

16-04-26_cho-viet-2
Nón lá ở chợ

Người Mỹ ở New Orleans biết về phở, và hiểu về văn hóa Việt Nam hơn nhiều nơi khác, đó là lẽ tự nhiên. Nhưng đây cũng là dấu hiệu cho thấy người gốc Việt, với dân số vài chục ngàn người, từ vị trí dân “ngụ cư” đang dần trở thành “bản địa”, sau khi họ đến nước Mỹ và chọn vùng đất đầm lầy Louisiana với sinh cảnh gần giống như các cánh đồng ngập mặn hoặc đầy phèn chua của đồng bằng sông Cửu Long.

(Theo New York Times, wwno.org)

Xem thêm
Công an Hà Nội vào chung kết Cúp Quốc gia 2024/2025

Tối 26/6, Công an Hà Nội giành quyền vào chơi trận chung kết Cúp Quốc gia 2024/25 sau chiến thắng 3-1 trước Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Đánh thức tiềm năng du lịch đường sông ở Hải Phòng: [Bài 2] Triển khai đồng bộ bốn giải pháp căn cơ

Tiềm năng du lịch đường thủy ở Hải Phòng rất lớn, có thể tận dụng lợi thế từ cảng biển để phát triển du lịch đặc thù gắn với bảo vệ môi trường.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.

Bình luận mới nhất