| Hotline: 0983.970.780

Chậm tiến độ giải phóng mặt bằng đường Đạo Nghĩa – Quảng Khê

Thứ Sáu 16/05/2025 , 19:01 (GMT+7)

Đắk Nông Mặc dù đang trong giai đoạn gấp rút nhưng công tác giải phóng mặt bằng tuyến đường Đạo Nghĩa – Quảng Khê vẫn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Người dân chưa đồng thuận

Dù đang chạy nước rút để hoàn thành dự án, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho giai đoạn 2 của tuyến đường Đạo Nghĩa – Quảng Khê đang chồng chất những vướng mắc, đặc biệt là trong việc thỏa thuận bồi thường với người dân.

Điển hình, gia đình ông Nguyễn Văn Tề, thôn Cây Xoài, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, Đắk Nông, có hơn 1,8 ha đất trồng cây nằm trong diện giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án đường Đạo Nghĩa – Quảng Khê. Hiện Ban Quản lý Dự án tỉnh Đắk Nông đã tiến hành đo đạc, đếm cây trồng để tính toán bồi thường. Tuy nhiên, ông Tề vẫn còn phân vân vì mức giá bồi thường cho cây trồng chưa hợp lý.

“Gia đình tôi đã được thông báo từ năm 2016, tuyến đường sẽ đi qua đất của gia đình tôi khoảng hơn 1 ha. Từ đó, gia đình cũng đã bỏ một phần diện tích đất, nhưng mãi đến năm 2019 mới bắt đầu triển khai, nên tôi đã trồng thêm cà phê và sầu riêng. Bây giờ mỗi cây sầu riêng mang lại thu nhập hơn 30 triệu đồng/năm, nhưng bồi thường chỉ có 7 triệu thì thật sự là chưa hợp lý,” ông Tề chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tề, thôn Cây Xoài, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông lo lắng những cây sầu riêng cho thu hoạch hàng chục triệu đồng/năm bị phá bỏ nhưng tiền bồi thường chỉ khoảng 7 triệu đồng. Ảnh: Phạm Hoài.

Ông Nguyễn Văn Tề, thôn Cây Xoài, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông lo lắng những cây sầu riêng cho thu hoạch hàng chục triệu đồng/năm bị phá bỏ nhưng tiền bồi thường chỉ khoảng 7 triệu đồng. Ảnh: Phạm Hoài.

Nhiều hộ dân khác trong diện GPMB của dự án đường Đạo Nghĩa – Quảng Khê cũng phản ánh tình trạng tương tự, cho rằng mức giá bồi thường chưa tương xứng với giá trị thực tế của cây trồng, đặc biệt là những loại cây công nghiệp lâu năm như sầu riêng và cà phê.

“Mặc dù chúng tôi luôn đồng thuận với chủ trương nhà nước, nhưng việc trồng cây công nghiệp và chờ đến ngày thu hoạch phải mất từ 3 - 5 năm. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng xem xét lại mức bồi thường sao cho hợp lý, để người dân có thể mua đất nơi khác để canh tác”, một người dân cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hà Sỹ Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng (BQLDA) cho biết, việc kiểm đếm cây trồng và mức bồi thường thì đơn vị thực hiện theo luật và quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để người dân không bị thiệt thòi cũng như công tác bồi thường được minh bạch, đơn vị tư vấn lập hồ sơ các loại cây trồng trình Sở Nông nghiệp và Môi trường thẩm định báo cáo với UBND tỉnh trước khi tiến hành bồi thường.

Theo BQLDA tỉnh Đắk Nông, dự án đường Đạo Nghĩa – Quảng khê gồm ba gói thầu thi công xây lắp. Trong đó, hai gói thầu đi qua huyện Đắk R’lấp và một gói thầu đi qua TP. Gia Nghĩa. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2022 - 2025. Nhưng hiện tại, dự án này vẫn chưa có mặt bằng “sạch” để triển khai thi công.

Tại huyện Đắk R’lấp, phần lớn mặt bằng đã được bàn giao cho nhà thầu thi công. Hiện còn gần 3km tuyến mở mới của dự án đang bị chậm trong GPMB và một số trường hợp chưa bàn giao mặt bằng. Huyện Đắk R’lấp dự kiến trong quý II/2025 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án.

Công tác GPMB tại TP. Gia Nghĩa gặp bộn bề khó khăn. Cụ thể, tại đoạn tuyến đi qua xã Đắk Nia có chiều dài hơn 18km, ảnh hưởng tới 380 hộ gia đình, cá nhân và 6 tổ chức. Diện tích GPMB phục vụ dự án khoảng 72ha.

Hiện UBND TP. Gia Nghĩa đã ban hành thông báo thu hồi đất 2 đợt tới các hộ gia đình, cá nhân trong vùng dự án. Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã kiểm kê được 323 hộ gia đình, cá nhân và 6 tổ chức đối với 629 thửa đất, diện tích hơn 66,7ha. UBND xã Đắk Nia đã tổ chức xác nhận và đủ điều kiện trước khi chờ giá đất cụ thể 270 hộ và 1 tổ chức, diện tích hơn 40ha.

Mặt bằng chưa được giải phóng xong nên các đơn vị thi công đang triển khai ở mức độ thấp, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án. Ảnh: Phạm Hoài.

Mặt bằng chưa được giải phóng xong nên các đơn vị thi công đang triển khai ở mức độ thấp, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án. Ảnh: Phạm Hoài.

Tích cực phối hợp với địa phương

Theo BQLDA tỉnh Đắk Nông, đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê là dự án mở mới với tuyến đường đi qua địa hình đồi núi chia cắt mạnh. Quá trình điều tra, xác định chủ đất, nguồn gốc sử dụng đất có nhiều trường hợp không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, nhiều thửa đất chưa xác minh được nguồn gốc và vắng chủ sở hữu. Một số thửa đất đang tranh chấp khiến công tác GPMB bị kéo dài.

Hiện BQLDA tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm, lập đo đạc bản đồ. Chủ đầu tư phối hợp với UBND huyện Đắk R’lấp và TP. Gia Nghĩa đẩy nhanh công tác xác định giá đất cụ thể để làm cơ sở tính tiền bồi thường, hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình thẩm định, phê duyệt.

BQLDA tỉnh Đắk Nông xác định, khối lượng mặt bằng cần giải phóng tại địa bàn TP. Gia Nghĩa là rất lớn. Do đó, chủ đầu tư đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng sớm, đặc biệt tại những vị trí quan trọng. Nhà thầu sẽ thi công ngay sau khi được bàn giao mặt bằng.

Theo ông Hà Sỹ Sơn - Giám đốc BQLDA tỉnh Đắk Nông, đơn vị đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để các địa phương thu hồi đất, bàn giao mặt bằng trong tháng 6/2025. BQLDA yêu cầu các đơn vị thi công chủ động triển khai các phương án chuẩn bị để tăng tốc khi có mặt bằng.

“Khối lượng thi công của dự án còn lại rất lớn nhưng thời gian còn rất ngắn. Nếu có mặt bằng trong tháng 6/2025, nhà thầu phải tăng tốc khoảng 6 lần so với tiến độ hợp đồng thì mới hoàn thành đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê kịp trong năm 2025 theo chỉ đạo của tỉnh”, ông Sơn chia sẻ.

Dự án đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê (giai đoạn 2) được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt cuối năm 2021. Tuyến đường có tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 750 tỷ đồng, còn lại của địa phương), đầu tư xây dựng gần 25,8km đường và ba cây cầu theo thiết kế cấp III và cấp IV miền núi.

 

 

Xem thêm
Hiệu quả từ xóa nhà tạm, dột nát ở huyện vùng cao Quảng Ngãi

Các địa phương vùng cao ở Quảng Ngãi đã có cách làm hay, sáng tạo, vừa ngăn được tình trạng phá rừng làm nhà, vừa sớm về đích xóa nhà tạm.

Chuyện đất công, đất tư và kinh tế tư nhân

Đọc loạt bài 'Nỗi đau của đất' trên Báo Nông nghiệp và Môi trường, GS Đặng Hùng Võ ngẫm ngợi: Suy cho cùng những nhọc nhằn từ đất là do pháp luật còn khoảng trống.